“Chuyện thường ngày ở huyện” thời @

(Dân trí) - Bắt đầu từ ngày 01/7/2010 tới đây, Luật Viễn thông có hiệu lực và đi vào cuộc sống. “Ông Viễn thông” cũng đã đưa ra trang web để khách hàng của mình thuận tiện trong việc tra cứu dung lượng sử dụng Internet ADSL.

Xem ra mọi việc có vẻ như rất “minh bạch”. Thực ra người dùng ở trình độ phổ thông cũng nhận ra nó chỉ là “tiểu xảo” của “Ông Viễn thông” mà thôi.

Việc tính cước Internet ADSL hiện nay rất tùy tiện, thiếu sự công khai, minh bạch. Khách hàng nhiều khi thấy cước tăng vọt vô lý, mà không có căn cứ nào để khiếu nại.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nói thật với Quí vị ngay từ khi lắp Internet ADSL,  tôi không tin là việc tính cước chuẩn xác thông qua dung lượng download (Mb). Ngành điện - nước đều có đồng hồ gắn tại nhà khách hàng rất tiện cho việc kiểm tra mức tiêu thụ (vậy mà còn bị khiếu nại độ chính xác). “Ông Viễn thông”  khi tính tiền điện thoại di động và liên tỉnh cũng kê khai chi tiết từng cuộc gọi để khách hàng kiểm tra khi trả tiền. Nhưng còn thời gian gọi nội hạt của máy cố định lại tù mù, khách hàng không kiểm soát được. Đây là chỗ có gian lận hay không thì chỉ có “giời mới biết”. Dung lượng download  Internet ADSL cũng lại do “bộ đếm” bí mật của “Ông Viễn thông” quản lý. Ai biết đâu mà theo dõi mức sử dụng. Truy cập vào trang web do ông ta nhào nặn để xem cước thì cũng chỉ là cái việc nộp thêm tiền vào mạng mà thôi. Có ai nhìn thấy cái “đồng hồ tính cước” và đảm bảo nó chạy chuẩn hay không? Nếu khách hàng nói “Ông Viễn thông” gian lận ngay từ tổng đài tính cước thì ông ta trả lời sao đây?. Ai lập trình mạng và quản trị mạng sẽ “làm xiếc” được với phần mềm tính tiền cước Internet ADSL.

Tất cả người dùng ở trình độ phổ thông đều hiểu điều này. Và họ cũng hiểu rằng khiếu nại tiền cước với “Ông Viễn thông”chỉ là chuyện “con kiến đi kiện củ khoai” vì không có chứng cứ rõ ràng!

Sự việc nói trên thật ra tôi đã được đọc rất nhiều trên các diễn đàn online trên mạng Internet. Giống như bao người khác khi nó chưa động chạm đến mình thì cứ “ma-kê-nô” cho êm chuyện. “Đời là thế, ai cũng thế chẳng phải chi riêng mình ta”. Nó chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” thời @ thôi mà.

Thật ra tôi cũng không muốn viết bài “bóc mẽ” ông Viễn thông làm gì nếu như việc truy cập Internet ADSL của bản thân mình diễn ra bình thường, không bị chặn tại máy chủ của Bưu điện một cách thô thiển. Nó chỉ là cái việc cực chẳng đã mà thôi. Cước Internet nhà tôi bị đẩy lên đến mức vô lý và nhận ra được ngay. Việc tính cước Internet  gian lận một cách quá thô kệch trong thời gian dài đã buộc người ta phải lên tiếng.

Ở xứ mình việc “bóc mẽ” người khác đôi khi nó lại bị coi là “không biết điều” hay “yếu kém về hiểu biết xã hội” . Ủng hộ “Ông Viễn thông” vài chục ngàn hay cả trăm ngàn 1 tháng để nâng cao đời sống anh em cũng là “chuyện thường ngày ở huyện” và có thể thông cảm được (nhân với vài chục triệu thuê bao trên toàn quốc là ra con số khá lớn đấy). Làm gì có ai lại rỗi hơi lọ mọ đi khiếu nại vài chục hay vài trăm ngàn với những cô nhân viên bưu điện xinh đẹp, duyên dáng cùng nụ cười thường trực trên môi. Nó có vẻ nhỏ mọn, không được đàn ông cho lắm.

Giải pháp minh bạch hoá theo tôi là: phần mềm tính cước phải được cung cấp miễn phí và cài đặt trong máy của khách hàng tại nhà. Phần mềm này phải đáp ứng được tối thiểu 3 tiêu chí i) Kiểm soát được tốc độ Internet thực và sự kết nối đủ tiêu chuẩn theo hợp đồng, và khi kết nối được thì không bị chặn truy cập  ii) Kiểm soát được dung lượng sử dụng và người dùng có thể giới hạn mức cước phí, iii) Độ chính xác của bộ đếm phải được khách hàng kiểm soát và có cách kiểm tra. Tất cả các thông tin nói trên phải được in ra khi cần để đối chứng.

Nhưng còn việc kiểm soát thời gian gọi điện thoại cố định nội hạt thì sao nhỉ? Nhất là với đồng bào vùng sâu vùng xa, chả có khái niệm gì về công nghệ thông tin cả.

Khó ghê cơ!

“Chuyện thường ngày ở huyện” thời @ xem ra còn lâu mới kết thúc!

 

Dược sĩ Trần Xuân Thuyết
Đường Phạm Hùng - Hà Nội

 

LTS Dân trí- Bài viết trên đây bằng phong cách có phần hài hước, châm biếm nhưng vấn đề đặt ra lại hết sức nghiêm túc và phản ảnh đúng sự thật.

Với đà phát triển nhanh chóng của việc dùng Internet và điện thoại thì “các ông chủ lớn” kinh doanh trong lĩnh vực này có cơ hội ăn nên làm ra và cán bộ nhân viên của họ hưởng lương cao, đấy là chuyện đáng mừng cho họ. Nhưng còn chuyện làm ăn cửa quyền, thiếu minh bạch, nhất là lợi dụng công nghệ cao để “mập mờ đánh lận con đen” thi không được.

Kiến nghị của tác giả bài viết trên về việc cung cấp phần mềm tính cước được cài đặt miễn phí cho máy của khách hàng là một ví dụ về giải pháp minh bạch hóa việc tính cước, giúp cho khách hàng có thể dám sát sự đúng sai và tự kiểm tra tại nhà. Điều đó không những giúp cho khách hàng yên tâm, mà còn giúp cho “Ông chủ lớn” đỡ mang tiếng về sự cửa quyền và thiếu minh bạch của mình.

Phải chăng đó cũng là biện pháp đưa Luật viễn thông vào cuộc sống một cách thiết thực nhất.