Chuyện buồn dạy Văn thời @

Sau mỗi kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ và tốt nghiệp THPT, nhiều tờ báo có những bài viết mang tính “giật gân” về những “bài văn lạ” của học sinh. Từ đó, cảnh báo về tình trạng “xuống cấp” của việc dạy và học môn văn nói riêng và các môn Khoa học xã hội nói chung.

Vậy tình hình thực tế là như thế nào?

Dạy môn Văn thời @

Anh S. giáo viên Văn có việc đột xuất nên điện nhờ tôi dạy thay ở một lớp 11 ban Khoa học tự nhiên. Khi tôi vào lớp, có nhiều em đã giở sẵn các cuốn sách Toán, Lí, Hóa, Ngoại ngữ..., có nhiều em đeo kính cận, chăm chú vào sách vở coi như không biết thầy đã vào lớp. Một học sinh (HS) nói: “Thưa thầy hôm nay là giờ trả bài, thầy cho chúng em nghỉ tự học môn khác được không?”. Tôi bảo: “Nếu là giờ trả bài thì chúng ta sẽ học bài tiếp, hôm sau thầy S. sẽ trả bài cho các em”. HS đó và nhiều HS khác cùng lớn tiếng: “Thôi thầy ạ!”. Cũng may tôi là người có thần kinh vững, nếu không đã ngất xỉu trên bục giảng.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Đối với những lớp học như thế, nếu giảng dạy một cách bình thường thì hầu như HS không học, mặc cho thầy “độc thoại” với bảng đen. Nếu tôi “rắn”, dùng kỉ luật sắt thì các em cũng sẽ buộc phải ngồi đấy, phải im lặng hay giả vờ ghi chép, nhưng đó chỉ là tình trạng chịu đựng, đối phó chứ không phải là học. Đó là một góc của chuyện dạy môn Văn thời nay.

Nhìn chung, bao trùm lên các giờ học Văn là một không khí tẻ nhạt, im lìm, gượng gạo hoặc ồn ào như chợ vỡ. HS không chú ý, hoặc làm việc riêng (học bài môn khác) hoặc nói chuyện, chơi đùa, nghe nhạc, thậm chí có em ngủ gục hoặc làm bất cứ trò gì trong lớp mà “ngẫu hứng” nghĩ ra. Một số HS thì ngồi nghêu ngao hát và... nói ngang. Số HS chăm chú lắng nghe, ghi chép và phát biểu xây dựng bài rất ít. Giáo viên trở thành người “độc diễn”, cố dạy cho xong bài. Cả thầy và trò đều mong...hết giờ! HS hầu như không học bài cũ và làm bài tập về nhà, nhiều em sách vở và chữ viết rất cẩu thả, tình trạng quay cóp, gian lận trong các giờ kiểm tra hết sức phổ biến. Các em chỉ chú ý khi khi giáo viên kể chuyện hài hước hoặc giật gân, nghĩa là để giải trí.

Chuyện HS chăm chú nghe giảng như nuốt từng lời của thầy, trông chờ thầy đến lớp và luôn hỏi han, trao đổi các vấn đề về văn chương đã “đi vào cổ tích”. Bây giờ, hầu hết giáo viên lên lớp như một nghĩa vụ, chỉ vì trách nhiệm, vì miếng cơm manh áo hơn là niềm say mê nghề nghiệp. Một giáo viên Văn tâm sự: “ Ý nghĩa của việc dạy học là có ích cho người học; còn một khi HS đã không có nhu cầu, việc dạy trở thành chuyện gượng gạo vô duyên”. Các đồng nghiệp của chúng tôi từ Nam chí Bắc mỗi khi gặp nhau hay gọi điện đều than thở không phải vì thóc cao gạo kém mà về nỗi buồn của người dạy Văn thời @.

Vì vậy, chất lượng học tập môn Văn của HS nói chung rất yếu kém và kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển vào đại học, cao đẳng đã phản ánh đúng thực tế đó. Vào dạy các lớp, chúng tôi thấy sự tích luỹ về kiến thức khoa học xã hội (KHXH) của đa số HS hết sức nghèo nàn, học trước quên sau, hỏi gì cũng...lắc đầu! Cá biệt có những HS lên đến lớp 12 vẫn...đọc chưa thông.

Dĩ nhiên, giờ dạy của một số giáo viên giỏi, có tâm huyết ở các lớp có ý thức học tập tốt vẫn thực sự nghiêm túc, sôi nổi và hiệu quả. Nhưng đáng buồn là những “điển hình” kiểu này (ở các lớp ban KHXH, lớp chuyên) đã dần dần trở nên hiếm hoi và có nguy cơ mất hẳn. Tình hình phân ban cho thấy, rất nhiều trường THPT đã không còn ban KHXH (ban C) vì không đủ HS đăng kí. Báo Tiền phong ngày 05/10/2007 nêu thông tin “Chỉ 0,58% HS TPHCM đăng ký ban xã hội”; cũng thông tin trên báo Tiền phong ngày 26/12/2007: thống kê tại một trường thuộc tỉnh Cà Mau, trong năm học 2007-2008, không có HS nào thuộc ban Cơ bản đăng kí học các môn nâng cao khối C, trường THPT Vũng Tàu hàng năm có chưa đầy 20 em thi khối C. Như thế, có nghĩa là cuốn SGK Ngữ văn nâng cao được biên soạn bằng tâm huyết của một đội ngũ chuyên gia hàng đầu có nguy cơ trở thành “sách tham khảo”.

Thực trạng “đen tối” trong dạy học môn Văn ở bậc phổ thông rất phổ biến và đã diễn ra từ lâu, đến mức trở thành chuyện “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”.

Vì đâu nên nỗi?

Theo chúng tôi, có các nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, do xu hướng phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu nhân lực, việc làm. Hiện nay, HS thi vào các khối A-B sau khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội tìm những việc làm có thu nhập cao, ổn định. Còn HS thi vào khối C sau khi ra trường phải chạy ngược chạy xuôi tìm việc mà nếu may mắn lắm tìm được thì hầu hết là các công việc có thu nhập thấp, không ổn định. Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, năm học 2006-2007, khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm khoa Lịch sử xin tuyển dụng nhưng chỉ tiêu biên chế chỉ có 8; năm học 2007-2008 có hơn 150 sinh viên khoa Ngữ văn các trường ĐH Sư phạm hệ chính qui nộp đơn xin tuyển dụng nhưng chỉ tiêu biên chế chỉ có 21. Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã phải lấy 40 người tốt nghiệp ĐH Sư phạm khoa Ngữ văn xuống dạy THCS. Hiện đã có những sinh viên sau khi ra trường 6 năm vẫn chưa được tuyển dụng. (Theo thông tin của báo Hà Tĩnh).

Do áp lực nặng nề và tính chất cạnh tranh khốc liệt của kì thi đại học, HS hầu như chỉ tập trung vào học các môn thi đại học, còn các “môn phụ” khác (trong đó có môn Văn) đều học theo kiểu đối phó, qua chuyện. Tâm lí thực dụng, chạy theo các giá trị vật chất khiến HS thờ ơ với những giá trị nhân văn, giá trị xã hội, sự tinh tế, cao cả của tâm hồn. Trong thực tế, thời gian gần đây, báo chí đã lên tiếng rất nhiều về “bệnh vô cảm” của không ít người trong xã hội.

Thứ hai, do những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lai, mặt trái của cơ chế thị trường, văn hóa nghe nhìn, giải trí đã lấn át mạnh mẽ, “đè bẹp” văn hoá đọc-vốn là ngọn nguồn của các môn KHXH. Lối sống thực dụng, buông thả, thác loạn đang có nguy cơ trở nên phổ biến, xóa nhòa bản sắc văn hoá, những truyền thống đạo lí cao đẹp của dân tộc. Sự xuống cấp trong đạo đức, lối sống của một bộ phận HS đã đến mức báo động. Mối quan hệ thầy trò vốn thiêng liêng đã trở nên bình thường, không ít HS có tâm lí coi thường các giáo viên “môn phụ” trong đó có môn Văn. Ngoài ra, học lực của một bộ phận HS quá yếu khiến các em không thể theo kịp chương trình.

Thứ ba, do những bất cập trong chương trình và sách giáo khoa môn Văn. Nhìn chung bên cạnh các yếu tố tích cực, SGK Văn còn có những nhược điểm: quá tải, nặng lí thuyết, ít hấp dẫn, thậm chí còn những điểm gây tranh cãi về mặt học thuật. Việc đổi mới phương pháp dạy học tiến triển chậm, hiệu quả thấp do giáo viên ít hưởng ứng và thói quen học tập thụ động của HS. Phương pháp đọc-hiểu, một trong những phương pháp quan trọng nhất của SGK môn Văn mới biên soạn sẽ thất bại hoàn toàn nếu không có sự hoạt động tích cực, chủ động của HS. Mà điều này đang là một thực tế. Không biết khi biên soạn SGK, những chuyên gia của Bộ GD-ĐT có tính đến điều này? Mặt khác, tài liệu về phương pháp dạy học còn ít và thiên về lí thuyết, khó vận dụng vào thực tế dạy học. Bên cạnh đó, sự phát triển của các cuốn sách “bài văn mẫu”, “để học tốt”...khiến HS ỷ lại vào tài liệu, không cố gắng học tập, rèn luyện.

Thứ tư, do chất lượng đội ngũ giáo viên Văn còn bất cập. Không ít giáo viên Văn thiếu lòng say mê nghề nghiệp, ít trau dồi về kiến thức văn chương và phương pháp dạy học. Nhiều giáo viên ít chịu khó đọc sách báo, ít quan tâm đến những vấn đề về chuyên môn, về chính trị-xã hội cũng như các vấn đề về tâm sinh lí học trò. Nhiều giáo viên lên lớp theo phương pháp đọc chép, thậm chí dạy sai kiến thức, chấm bài qua loa, cho điểm thiếu chính xác và công bằng; giờ dạy nhàm chán, tẻ nhạt, rời rạc. Phải công nhận rằng bên cạnh đội ngũ giáo viên giỏi và tâm huyết thì có không ít những giáo viên Văn có trình độ chuyên môn quá yếu (thậm chí viết chưa đúng chính tả) hoặc “có vấn đề” về nhân cách, thiếu tình yêu thương HS. Đây là một nguyên nhân “giết chết” tình yêu văn chương của HS.

Thái độ học tập thiếu tích cực của HS cũng khiến giáo viên có tâm lí buông xuôi, chán nản, thiếu cố gắng và ngày càng cùn mòn đi. Theo chúng tôi, thái độ học tập tích cực, niềm say mê học hỏi của HS là một động lực quan trọng (nếu không nói là quan trọng nhất) để người giáo viên trau dồi, rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng đáng buồn thay, động lực quan trọng này ngày càng yếu kém đi, thậm chí đã bị triệt tiêu ở nhiều lớp, nhiều trường. Nguy ngập nhất là ngay cả những sinh viên thực tập môn Văn cũng đã bộc lộ tâm lí buồn bã, buông xuôi đối với nghề.

Mặt khác, chế độ quản lí giáo viên theo biên chế cố định và chế độ tiền lương theo kiểu “đến hẹn lại lên” đã hạn chế động lực cố gắng, phấn đấu của giáo viên. Nhiều giáo viên đã làm những việc thiếu chính đáng để được “vững chân” trong biên chế. Khiếm khyết này đã được Bộ GD-ĐT nhận ra, song hiện nay vẫn chưa đưa ra được những giải pháp hợp lí.

Một nguyên nhân quan trọng khác là do chương trình học quá tải. Chương trình quá nặng khiến HS không kham nổi, lại phải còn gồng mình lên để thi đại học. Điều này buộc HS phải bớt đi một số môn cho “nhẹ gánh”. Môn Văn và các môn KHXH-được coi là “phù phiếm, viễn vông” dĩ nhiên sẽ nằm trong ý đồ “tỉnh lược” của HS và phụ huynh. Ở các trường chuyên, lớp chọn, sự “tỉnh lược” này diễn ra hết sức “hồn nhiên tự nhiên” đến độ tàn nhẫn. Vậy là xuất hiện những “nhân tài một nửa”: có những HS rất giỏi Toán, Lí, Hoá, nhưng lại hoàn toàn mù tịt về lịch sử, văn chương, nghệ thuật...và nhiều hậu quả khác.

Chúng ta phải làm gì?

Sự tuột dốc của các môn KHXH trong nhà trường đang là một thực trạng đáng báo động và cần có những giải pháp mạnh mẽ kịp thời để chấn chỉnh. Về môn Văn, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

-Tiến hành chiến lược quốc gia về giáo dục đạo lí truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

-Đổi mới chương trình và SGK môn Văn, khắc phục những bất cập của chương trình và SGK hiện hành. Tiếp tục việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy trí tuệ HS, tạo ra không khí tự do, dân chủ trong giờ học. Tổ chức tốt các hoạt động trao đổi, đúc rút kinh nghiệm giảng dạy.

-Tiến hành tốt khâu đào tạo và đào tạo lại giáo viên. Các trường ĐH Sư phạm cần chú trọng rèn luyện năng lực tổ chức dạy học cho sinh viên và có chủ trương không tiếp tục đào tạo đối với những sinh viên có học lực quá yếu. Các Sở GD-ĐT, các trường THPT khi tuyển công chức ngạch giáo viên nên có nội dung thi giảng dạy. Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Có một số Sở GD-ĐT tổ chức khảo sát giáo viên cũng là một việc làm đáng khích lệ.

-Tăng cường đầu tư các thư viện địa phương và trường học. Giảm bớt những cuộc họp, những thủ tục hành chính mang tính hình thức để giáo viên có điều kiện thời gian tự học.

-Cần phải tạo ra một môi trường văn hóa, có tính nhân văn trong các nhà trường. Phải làm sao để các giáo viên thấm nhuần và là những tấm gương về lòng nhân ái, nhiệt tình, tận tụy với công việc, đặt lợi ích của HS lên trên hết. Từ thực tiễn công tác, chúng tôi cho rằng hiện nay trong không ít các nhà trường đang thực sự bị “khủng hoảng” về tính nhân văn, và đây là một nguy cơ không nhỏ, đang rất cần ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm khắc phục.

-Giáo viên Văn nói chung thu nhập chỉ dựa vào đồng lương. Cần phải có những chính sách hỗ trợ để giáo viên văn mua thêm sách vở, tài liệu, có thể có máy vi tính nối mạng Internet để khai thác thông tin và ứng dụng các phương pháp giáo dục hiện đại.

-Giảm tải chương trình. Cần có một cuộc điều tra, khảo sát toàn diện để có cách nhìn đúng, từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu.

-Tăng cường công tác thanh tra chuyên môn, cần thanh tra công tác thư viện của các đơn vị, có những biện pháp kỉ luật đối với giáo viên vi phạm qui chế chuyên môn. Có giải pháp phù hợp với các giáo viên có năng lực chuyên môn quá yếu.

-Quản lí tốt, tăng cường kỉ cương nề nếp học tập, giáo dục lí tưởng, đạo đức, lối sống cho HS, từng bước thực hiện công bằng trong giáo dục.

Bao giờ cho đến “ngày xưa”?

Các môn KHXH đã từng có thời hoàng kim, thời “nhà nhà học Văn, người người học Văn”, các cuốn sách văn học có số lượng bản in kỉ lục và môn Văn trong nhà trường có một vị trí quan trọng. Thời ấy, những người thầy dạy Văn có được hạnh phúc của niềm say mê “truyền lửa”, sự tin yêu của HS.

Trước thực trạng bi đát hiện tại, một số chuyên gia về KHXH tỏ ra bình tĩnh, bởi vì họ đã sớm xác định được hiện tượng tuột dốc của các môn KHXH và nhân văn trong điều kiện kinh tế -xã hội-văn hoá nước ta đi từ một nền kinh tế phát triển thấp lên nền kinh tế công nghiệp và thương mại giai đoạn đầu, với những bức bách ghê gớm về công ăn việc làm, thu nhập.

Đồng thời, các chuyên gia dự báo trong tương lai, khi nền kinh tế phát triển cao thì nhu cầu về văn hóa, về hưởng thụ tinh thần sẽ lên cao và các giá trị xã hội, nhân văn truyền thống sẽ được phục hưng. Điều này đã được chứng minh ở một số nước công nghiệp phát triển. Dĩ nhiên, với truyền thống văn hóa của dân tộc, niềm đam mê văn chương nghệ thuật của người Việt, chúng ta có quyền hi vọng về một tương lai tốt đẹp của các ngành KHXH và nhân văn. Câu hỏi “Bao giờ cho đến ...ngày xưa?” đang đau đáu trong những con tim tâm huyết với sự nghiệp giáo dục-văn hóa của nước nhà.

Kính mong các đồng nghiệp và mọi người quan tâm trao đổi.

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Chúng ta không thể ngồi chờ cho…”đến ngày xưa” mà phải bằng những nỗ lực cả về phía chủ quan và khách quan nâng cao chất lượng dạy và học các môn khoa học xã hội nói chung và môn Văn nói riêng, nếu như chúng ta không muốn học trò mình, con em mình trở thành những con người hết sức phiến diện và méo mó.

Để thực hiện điều đó thì có nhiều giải pháp như tác giả bài viết trên đề cập nhưng quan trọng nhất vẫn là chính sách giáo dục ở tầm vĩ mô. Trước hết là phải tinh giản chương trình các môn học nói chung và bỏ bớt môn phụ không thật cần thiết. Quy định chặt chẽ thi tốt nghiệp THPT. Nếu bị từ điểm 2 đổ xuống đối với môn Văn và Toán coi như trượt tốt nghiệp, mặc dù điểm trung bình các môn thi trên 5 điểm. Một điểm quan trọng nữa là cần chăm lo tốt hơn đời sống cũng như trau dồi nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; xác lập rõ trách nhiệm và quyền hạn của người thầy trong lớp học. Có kỷ luật nghiêm để chấm dứt tình trạng vô lễ, vô kỷ luật của HS; giờ học môn nào phải tập trung học môn đó.

Có phải đấy là những giải pháp thiết thực cần quan tâm trước hết không. Xin mời các độc giả quan tâm đến vấn đề này tham gia thảo luận.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm