Chúng ta phòng chống “bão” hay phòng chống “tâm bão”?

Cuộc tranh cãi giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Cơ quan dự báo Khí tượng thủy văn đến hôm nay vẫn chưa kết thúc. Theo lãnh đạo Quảng Ngãi, do Quảng Ngãi không nằm trong tâm bão mà chỉ trong vùng bị ảnh hưởng nên không chuẩn bị phòng chống tâm bão.

Vậy vấn đề đặt ra là dự báo tâm bão đúng hay sai?

 

Trước khi nói đến chuyện đúng sai phải đặt câu hỏi: Tâm bão là gì? Tâm bão khác với bão thế nào? Mọi người lâu nay vẫn quan niệm tâm bão là vùng gió mạnh nhất nhưng thực ra là ngược lại. Tâm bão là vùng gió yếu nhất trong cơn bão, có khi còn là vùng trời xanh, lặng gió. Tuỳ thuộc cơn bão tâm bão có thể rộng từ vài trăm mét đến vài km. Đây là nơi an toàn nhất trong cơn bão, nhưng đáng tiếc là tâm bão di chuyển theo bão nên không thể “trú” ở tâm bão được.

 

Chính vì cái tâm bão quá bé nhỏ nên dự báo báo sai số hàng trăm km là chuyện bình thường. Nếu ta nói có thể dự báo tâm bão chính xác đến 50km chắc toàn thế giới, kể cả Mỹ, Úc, Nhật rồi cả Tổ chức Khí tượng thế giới sẽ phải đến học ta mất vì sai số dự báo tâm bão của họ đều cỡ khoảng 100km cả.

 

Từ đây, lại nảy ra câu hỏi: Chúng ta phòng chống bão hay phòng chống tâm bão mà ai cũng chú ý đến tâm bão?

 

Mọi sự tàn phá do bão gây ra chính là do vùng gió mạnh xung quanh tâm bão. Khi chúng ta phòng chống hoặc tránh bão chính là đối phó với cái vùng rộng lớn hàng trăm ngàn km này chứ không phải là cái tâm bão. Cái tâm bão bé xíu một vài km chẳng có ý nghĩa gì so với cả cơn bão khổng lồ kia. Vì nơi gió mạnh nhất lại ở bên ngoài tâm bão. Mà vùng gió mạnh ngoài tâm bão này kéo dài tới cả hàng trăm km xung quanh tâm bão.

 

Cơn bão số 9 có tâm bão đi qua Quảng Nam nhưng thực ra là vùng gió mạnh rộng lớn trong bão đã tàn phá suốt cả miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi rồi cả Tây Nguyên. Cái tâm bão nhỏ bé không phải là nguyên nhân của sự tàn phá này.

 

Đáng tiếc là lâu nay chúng ta cứ nhăm nhăm vào cái tâm bão bé xíu, “hiền lành” kia mà quên đi chính cơn bão khổng lồ hung ác đang tàn phá cả một địa bàn rộng lớn.

 

Vì vậy, xin có  mấy đề nghị với các cơ quan hữu trách:

 

- Cơ quan dự báo không nên đưa tin dự báo tâm bão với các khái niệm vùng ảnh hưởng rồi bán kính này kia làm khó cho mọi người. Người dân có trăm công ngàn việc, không phải ai cũng có đủ trình độ và có sẵn bản đồ, thước kẻ, compa trong tay để xác định vị trí tâm bão rồi quay compa để biết nơi mình nguy hiểm mức nào. Điều quan trọng nhất mà mọi người cần biết khi có bão là nơi mình ở có bị mưa to gió lớn gây thiệt hại không? Khi nào xảy ra? Ví dụ, bản tin chỉ cần ngắn gọn như: “Sáng ngày ...tháng… năm… bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh A, B, C với gió cấp 8 đến chiều tăng lên cấp 14…” người dân sẽ dễ hiểu và dễ nhớ. Còn những cơ quan chỉ đạo muốn biết cụ thể tâm bão ở đâu, xa bờ bao nhiêu xin có bản tin riêng dùng trong nội bộ. Người dễ tính nhất cũng phải hết sức kiên nhẫn mới nghe hoặc xem hết bản tin hiện nay dài dằng dặc đến cả trang giấy chỉ để biết được “ngày kia bão sẽ đổ bộ vào tỉnh mình”.

 

- Thiết nghĩ cơ quan chỉ đạo phòng chống lụt bão phải là người giúp dân “khoanh com pa” diễn giải các bản tin dự báo lằng nhằng của cơ quan dự báo. Thậm chí có người không cần nghe dự báo, chỉ thực hiện đầy đủ các lệnh của cơ quan chỉ đạo phòng chống lụt bão là đã tốt lắm rồi. Lúc này thì tin bão chỉ cần ngắn gọn là hoàn toàn hợp lý.

 

- Trong chuyện cơn bão số 9 vừa qua tại sao chỉ nói đến cơ quan dự báo mà không nói đến cơ quan chỉ đạo phòng chống lụt bão? Vậy vai trò của cơ quan chỉ đạo phòng chống lụt bão ở đâu? Địa phương có nghe lệnh của cơ quan chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương hay không hay chỉ tự nghe tin bão để phòng tránh? Nếu địa phương tự nghe tin, như lãnh đạo Quảng Ngãi đã nói, mà bỏ qua các công điện của cơ quan chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương chẳng hoá ra vai trò của cơ quan chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương là thừa à?

 

Nước ta có nhiều thiên tai, bão lũ ngày càng khắc nghiệt. Mong rằng người dân, và nhất là các cơ quan chỉ đạo phòng tránh hãy có biện pháp phòng tránh bão từ xa. Chúng ta phòng tránh bão chứ không phòng tránh tâm bão, đúng ra là phải phòng tránh ngay từ ngoài rìa bão. Vì không phải tâm bão mà là vùng gió mạnh cách tâm bão hàng chục, hàng trăm km mới là thủ phạm tàn phá của bão.

 

Chờ tâm bão đến để phòng tránh tức là chờ để lọt vào giữa bão rồi mới tránh. Lúc này chống, tránh sao kịp?

 

Nguyễn Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm