Bình Dương:

Chứng cứ rõ ràng, vụ án vẫn bị đình chỉ

Sau hơn 2 năm kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định đình chỉ khởi tố vụ án, đình chỉ điều tra bị can, trong khi kết luận dấu hiệu lừa đảo của bị can đã quá rõ ràng.

 
UBND huyện Dĩ An ban hành Quyết định 174/QĐ-UBND ngày 4/2/2009 nhằm che đậy việc cho
UBND huyện Dĩ An ban hành Quyết định 174/QĐ-UBND ngày 4/2/2009 nhằm che đậy việc cho
 công ty chưa có giấy phép kinh doanh thuê đất mà không trả cho dân. Ảnh: Nam Dũng

Hộ ông Bùi Xuân Thủy (con trai ông Bùi Vịnh) cùng các hộ dân khác bị lừa đảo mất đất vô cùng bức xúc trước Quyết định số 11 và Quyết định 14 của Công an tỉnh Bình Dương ngày 29/7/2005 về việc đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Văn Đạo vì lý do "hành vi của bị can Nguyễn Văn Đạo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.

Hành vi lừa đảo đã quá rõ ràng

Trước việc bị mất ruộng đất quá bất ngờ, gia đình ông Bùi Xuân Thủy (ngụ tại ấp Ngãi Thắng, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nay là xã Bình Thắng, thị xã Dĩ An) đã rất bức xúc và làm đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh để mong nhận lại được phần ruộng mà gia đình đang cầy cấy.

Thế nhưng, cầu cứu mãi vẫn chẳng nhận được ruộng, thay vào đó chỉ nhận được sự buồn tủi, chán nản, mất niềm tin vào các cơ quan cũng như chính quyền tỉnh Bình Dương.

Trở lại hồ sơ vụ án, vào năm 2002, khi gia đình ông Thủy cùng những hộ xung quanh vừa thu hoạch lúa xong thì bất ngờ thấy những chiếc xe tải hạng nặng của Công ty Hưng Đạo và Công ty Huy Hoàng ùn ùn kéo đến đổ đất, san lấp những thửa ruộng của những hộ gia đình tại đây.

Bất bình trước việc làm của 2 doanh nghiệp trên, các hộ nông dân đã tìm cách ngăn chặn. Đến lúc này họ mới biết, đất ruộng của mình đã bị ông Nguyễn Văn Đạo lừa bán mất từ năm 2000.

Quá bức xúc, ngày 11/11/2002, ông Bùi Xuân Thủy đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo ông Nguyễn Văn Đạo lừa đảo chiếm đoạt ruộng đất của gia đình.

UBND huyện Dĩ An ban hành Quyết định 174/QĐ-UBND ngày 4/2/2009 nhằm che đậy việc cho
Ông Nguyễn Văn Đạo vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật kể từ khi có quyết định đình chỉ vụ án của Công an tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nam Dũng

Ngày 21/1/2003, UBND huyện Dĩ An có công văn chỉ đạo Công an huyện Dĩ An thụ lý xác minh đơn thư.

Qua xác minh, xác định có dấu hiệu tội phạm nên Công an huyện Dĩ An ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Đạo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đến ngày 17/7/2003, Công an huyện Dĩ An có công văn gửi Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dĩ An đề nghị chuyển vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương thụ lý theo thẩm quyền.

Trong suốt quá trình thụ lý điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương, không hiểu do cố tình hay vô ý đã gây ra sự chậm trễ cũng như không có thông báo cho người bị hại và các cơ quan chức năng khác.

Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, UBND tỉnh Bình Dương cũng như Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương liên tục có công văn yêu cầu trả lời về quá trình điều tra vụ án. Thậm chí, ngày 18/7/2005, tức là hơn 2 năm sau ngày có quyết định khởi tố vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương có Công văn số 146/VKS/P1 đốc thúc và đã kết luận: “Điều tra viên thụ lý vụ án đã vi phạm Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự vì để vụ án kéo dài”.

Trước sức ép của các cơ quan chức năng và người bị hại, mãi đến ngày 29/7/2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương mới ra Quyết định số 11 và Quyết định 14 đình chỉ vụ án hình sự và đình chỉ điều tra bị can với ông Nguyễn Văn Đạo với lý do “hành vi của bị can Nguyễn Văn Đạo không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự Nước CHXHCN Việt Nam”. Như vậy, bản thân Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã vi phạm vào Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự Nước CHXHCN Việt Nam khi thực thi điều tra vụ án vượt quá 16 tháng theo thời hiệu tối đa trong điều tra một vụ án hình sự đã quy định.

Trong Công văn trả lời UBND tỉnh số 76/CAT-PC16 của Công an tỉnh Bình Dương nêu rõ: “Tất cả đơn kê khai nguồn gốc đất và đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Đinh Huy Năng đều do ông Nguyễn Văn Đạo ký tên, nhưng không có ủy quyền của ông Năng cho ông Đạo”. Như vậy là giả mạo hoàn toàn, dấu hiệu lừa đảo đã quá rõ ràng. Hành vi của bị can Nguyễn Văn Đạo đã thực hiện xong, ruộng đất đã lừa đảo bán trót lọt (chỉ riêng hợp đồng bán đất cho ông Nguyễn Huy Hoàng, ông Đạo đã "đút túi" số tiền 459.440.000 đồng vào năm 2001), đủ thấy đây là vụ án lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương vẫn... bỏ qua một cách khó hiểu!

Được biết, ông Đạo là con nuôi của chị gái ông Đinh Huy Năng. Viện vào cớ đòi đất cho cậu, ông Đạo đã làm giả mạo tất cả giấy tờ mang tên ông Đinh Huy Năng để lừa đảo 3 hộ dân lấy đất bán cho 2 doanh nghiệp. Việc này ông Năng không hề hay biết.

Dưới bàn tay đạo diễn của ông Nguyễn Văn Đạo, UBND xã Bình An đã xác định không đúng nguồn gốc đất của ông Đinh Huy Năng tại xã Bình An theo Công văn 76/CAT-PC16. Ông Đinh Huy Năng cũng có một số diện tích đất gần đó, nhưng thuộc phường Long Bình, quận 9, TP Hồ Chí Minh chứ không phải là xã Bình An. Tuy nhiên, ông Đạo câu kết với cán bộ địa phương cố tình làm sai, "đưa" đất của ông Năng từ TP Hồ Chí Minh về Bình Dương.

Ruộng đất của dân sao không trả cho dân?

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Văn Đạo đã quá rõ ràng. Việc có truy tố, xét xử ông Đạo hay không là hành động của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Bình Dương trên cơ sở quy định của pháp luật.

Còn những hộ dân “đầu tắt, mặt tối”, không nghề nghiệp, không công ăn việc làm, quanh năm chỉ biết sống dựa vào mấy sào ruộng, hàng ngày chỉ mong chờ làm sao UBND tỉnh Bình Dương sớm có quyết định trả lại số ruộng đất mà họ đã canh tác từ mấy chục năm qua để họ có nguồn sống.

Thế nhưng, những mong mỏi đó của những hộ dân bị lừa mất đất càng trở lên xa vời và vô vọng. Tại các văn bản số 2696, 2697 và 2698 do ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký ngày 7/9/2010, không trả lại ruộng đất cho những hộ dân trên với lý do thiếu thuyết phục: “Vì diện tích của các hộ dân trên nằm trên diện tích 2,4ha mà ông Vũ Khánh Tường đứng tên và giao cho ông Bùi Tẽo trông coi, cày cấy. Ông Bùi Tẽo đã tự ý chia cho các hộ dân canh tác mà không được sự đồng ý của ông Vũ Khánh Tường”.

Ở đây cần nói rõ: Ông Vũ Khánh Tường đã giao đất cho ông Bùi Tẽo vào năm 1973. Đến năm 1975, ông Tường qua bên Mỹ sinh sống và mất tại đây vào năm 1984. Điều này được xác định bởi trong đơn kê khai nguồn gốc đất xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Bùi Tẽo đã được ông Huỳnh Long, Chủ tịch UBND xã Bình An ký xác nhận vào năm 2000, trong đó khẳng định: “Ông Bùi Tẽo đang sử dụng diện tích 2.664m2 đất cấy lúa từ trước năm 1975 đến nay có nguồn gốc của ông Vũ Khánh Tường đã qua đời, hiện nay không có tranh chấp”.

Còn nữa, những cán bộ tiếp tay cho ông Nguyễn Văn Đạo đã bị xử lý kỷ luật, mà điển hình là ông Huỳnh Long bị giáng chức xuống làm Chủ tịch Quỹ Tín dụng Bình An.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đạo, kể từ khi có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can thì tiếp tục sống nhởn nhơ "như ông hoàng" trước mắt những người dân bị lừa đảo. Điều đó càng làm cho những hộ dân bị mất ruộng thêm phẫn nộ, bức xúc. Thậm chí, còn khiến dư luận đặt câu hỏi:Có nên tin vào cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật của tỉnh Bình Dương nữa hay không?

Sau khi UBND huyện Dĩ An ban hành 2 quyết định thu hồi 2 sổ đỏ đã lỡ cấp cho 2 Công ty Hưng Đạo Container và Công ty Huy Hoàng, trong các văn bản hướng dẫn của UBND đều nói đến việc 2 công ty này có thể kiện ra tòa để đòi lại tiền đã mua đất trái phép của ông Đạo. Còn số ruộng đất nói trên thì hướng dẫn người dân kê khai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Thế nhưng, không hiểu sao, UBND tỉnh lại "trở mặt" khi cho 2 công ty này thuê sử dụng lâu dài, trong khi Công ty Huy Hoàng của ông Nguyễn Huy Hoàng thậm chí còn chưa có giấy phép kinh doanh!

Chưa hết, đất của những hộ dân bị lừa bán ở đây đã sử dụng ổn định từ năm 1973 đến nay. Hàng năm, các hộ đều có kê khai nộp thuế đất cho Nhà nước (có biên lai rõ ràng), thậm chí có hộ còn được tặng danh hiệu Hộ Nông dân sản xuất giỏi. Vậy khi UBND tỉnh kết luận rằng, đất có nguồn gốc Giáo xứ nên không trả cho dân mà đem cho doanh nghiệp thuê lấy tiền, thì thật đúng là "ép dân quá đáng" bởi trong khi người dân chỉ trông vào mấy sào ruộng để sống, thì hết bị ông Đạo lừa bán, lại bị UBND tỉnh đem cho doanh nghiệp thuê.

Các ông Bùi Vịnh, Nguyễn Mỹ và bà Vũ Thị Sự là những người được ông Bùi Tẽo chia sẻ cùng mảnh đất 2,4ha từ năm 1973, cùng canh tác, sản xuất. Ông Bùi Tẽo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn 3 ông, bà nêu trên đến nay đã không còn và đất cũng mất theo.


Theo Nam Dũng (Báo Thanh tra)