Yên Bái:

Chưa được cấp phép, bến phà Lâm Giang vẫn ngang nhiên hoạt động

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí phản ánh những “uẩn khúc” trong vụ bán mỏ đá như “xiếc” ở Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Sở GTVT đã có văn bản đình chỉ hoạt động bến tạm Lâm Giang do chưa đủ điều kiện, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn “bỏ ngoài tai” ý kiến chỉ đạo.

Liên quan đến những sai phạm của Công ty Quản lý đường sắt Yên Lào trong việc ký hợp đồng cung cấp đá cho Công ty CPXD Minh Việt không đúng chức năng và Giấy phép đăng ký kinh doanh. Đầu tháng 3/2013, UBND tỉnh Yên Bái đã giao cho Thanh tra tỉnh, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, làm rõ sai phạm ở mỏ đá Lâm Giang, huyện Văn Yên; có báo cáo gửi UBND tỉnh Yên Bái xem xét xử lý đúng quy định pháp luật.
 
Văn bản thông báo dừng hoạt động đối với bến phà tạm Lâm Giang
Văn bản thông báo dừng hoạt động đối với bến phà tạm Lâm Giang

Trong thời gian đoàn Thanh tra liên ngành làm việc, ngày 15/3/2013, ông Đỗ Nhân Nghĩa, Phó Giám đốc Sở GTVT Yên Bái ban hành văn bản số 194/SGTVT-QLGT gửi Công ty CPXD Minh Việt yêu cầu dừng hoạt động của bến tạm Lâm Giang, do chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động.

Sở GTVT đã ra văn bản đình chỉ hoạt động nhưng Công ty CPXD Minh Việt vẫn “phớt lờ” ý kiến chỉ đạo của Sở GTVT, cùng các cơ quan quản lý, hàng ngày bến tạm Lâm Giang vẫn duy trì hoạt động vận chuyển đá qua sông.

Theo xác nhận của lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Yên Bái, cho đến thời điểm này Sở GTVT chưa cấp phép lại cho Công ty CPXD Minh Việt sử dụng bến phà Lâm Giang không chỉ vì đang trong quá trình thanh tra mà còn vì chưa đủ các điều kiện an toàn, các điều kiện trong đăng ký kinh doanh.
 
Chưa được cấp phép, bến phà Lâm Giang vẫn ngang nhiên hoạt động - 2
"Bỏ ngoài tai" văn bản của cơ quan quản lý, bến phà tạm Lâm Giang vẫn hoạt động nhộn nhịp

Như thông tin báo Dân trí đã phản ánh, Ngày 6/5/2011, UBND tỉnh Yên Bái tiến hành cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Quản lý đường sắt (QLĐS)Yên Lào triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác lộ thiên mỏ đá Lâm Giang tại thôn 1, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Mục đích dự án là đầu tư khai thác, chế biến, kinh doanh đá xây dựng các loại cung cấp nguyên liệu cho việc duy tu, bảo dưỡng, xây dựng tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai.

Chỉ ít tháng sau khi nhận được Giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Yên Bái, Công ty QLĐS Yên Lào lại “quên” nhiệm vụ cung cấp đá phục vụ việc duy tru, bảo dưỡng phục vụ ngành đường sắt để ký hợp đồng bán đá cho Công ty CPXD Minh Việt thi công tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Điều đáng nói là UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái khi được hỏi đều khẳng định không biết sự việc này, không được Công ty QLĐS Yên Lào báo cáo, mặc dù việc ký kết hợp đồng bán đá ra bên ngoài của Công ty QLĐS Yên Lào diễn ra từ tháng 10/2012 và đối tác mua đá đã đưa xe vào vận chuyển đá. Thậm chí, đơn vị này còn kịp xin Sở Giao thông Vận tải cấp Giấy phép hoạt động bến phà để thu ngắn đường vận chuyển.
 
Công ty QLĐS Yên Lào bán đá ra ngoài sai quy định hàng trăm nghìn m3 đá
Công ty QLĐS Yên Lào bán đá ra ngoài sai quy định hàng trăm nghìn m3 đá

Về vụ việc này, trao đổi với PV Dân trí ngày 7/3/2013, ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Việc cấp phép khai thác đá cho Công ty QLĐS Yên Lào của UBND tỉnh là không sai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đơn vị được cấp phép lại không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Công ty QLĐS Yên Lào được cấp phép khai thác đá phục vụ việc duy tu hệ thống đường sắt chứ không phải cung cấp đá làm đường giao thông.

Sau khi nắm được thông tin phản ánh của báo chí, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Thanh tra vào cuộc kiểm tra việc khai thác và tiêu thụ sản phẩm của Công ty QLĐS Yên Lào. Trong lúc UBND tỉnh Yên Bái, cùng Sở Tài nguyên và Môi trường bị “qua mặt”. Ngày 7/1/2013, Sở Giao thông Vận tải Yên Bái lại tiến hành cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo đơn đề nghị của Công ty CPXD Minh Việt (đơn vị mua đá của Công ty QLĐS Yên Lào), cho phép Công ty này mở bến phà tạm để rút ngắn quãng đường vận chuyển đá.

Giải thích về việc cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho Công ty Minh Việt, ông Đỗ Nhân Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và cũng là người trực tiếp ký Giấy phép hoạt động số 02/2013/GPBTNĐ đề ngày 7/1/2013 cho rằng, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty Minh Việt có nội dung hoạt động “Vận tải đường thủy, đường bộ” nên việc cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của Sở Giao thông Vận tải là đúng quy định. Tuy nhiên, theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông thì việc xin cấp phép bến phà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không thể căn cứ vào mỗi nội dung ghi hoạt động “Vận tải đường thủy, đường bộ” là có thể được cấp.
 
Công ty QLĐS Yên Lào chỉ có chức năng cung cấp đá cho ngành đường sắt
Công ty QLĐS Yên Lào chỉ có chức năng cung cấp đá cho ngành đường sắt

Không chỉ thực hiện sai nhiệm vụ được ghi trong Quyết định Chứng nhận được của UBND tỉnh Yên Bái, Công ty QLĐS Yên Lào còn bị “tố” ký hợp đồng cung cấp đá thấp hơn giá thị trường cho Công ty CPXD Minh Việt gây thất thu thuế hàng tỷ đồng. Cụ thể, Công ty QLĐS Yên Lào ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Công ty Minh Việt với các mức giá: đá hộc là 91.000 đồng/m3; đá 4x6cm là 135.000 đồng/m3, đá tổng hợp (sub balat) có giá 145.000 đồng/ m3. Tuy nhiên, mức giá được niêm yết tại mỏ đá Lâm Giang lần lượt là 110.000 đồng/m3; 175.000 đồng/m3; 193.000 đồng/m3.

Công ty QLĐS Yên Lào là đơn vị kinh doanh và khai thác tài nguyên môi trường trên địa bàn huyện Văn Yên, thuộc nhóm huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, theo lời một lãnh đạo huyện Văn Yên cho biết thì Công ty QLĐS Yên Lào không tham gia đóng thuế tại địa phương, chưa bao giờ tham gia vào các dự án phúc lợi, hoặc an sinh xã hội của huyện Văn Yên nhiều năm qua.

Thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trong tháng 5/2013, đoàn Thanh tra sẽ công bố Kết luận thanh tra những sai phạm ở Công ty QLĐS Yên Lào. Mọi giao dịch trái với mục đích "xây dựng tuyến đường sắt” trong thời điềm này đều là sai phạm.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương