Bài 4:

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích dấu hiệu oan sai trong vụ án “Chiếm đoạt tài sản”

(Dân trí) - Vụ án Đỗ Văn Chung (SN 1982) ở thôn Hạ, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã nhiều lần được TAND tỉnh Hưng Yên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong khi đó, gia đình bị can liên tục kêu oan cho rằng các cơ quan tố tụng có dấu hiệu hình sự hoá một vụ việc dân sự, Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm đoàn luật sư TP Hà Nội đưa ra nhiều phân tích về dấu hiệu oan sai trong vụ việc.

Sau khi đăng tải loạt bài về vụ việc đang gây chú ý đặc biệt của dư luận tỉnh Hưng Yên, PV Dân trí đã có trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội (Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Chiến).

PV: Thưa Luật sư Nguyễn Văn Chiến, được tin ông là Người bào chữa cho bị cáo Đỗ Văn Chung trong vụ án này và sẽ tham gia tố tụng tại phiên tòa XXST vụ án ngày 08/12/2015 tới đây?

Cá nhân tôi tham gia vụ án này với tư cách trợ giúp pháp lý cho bị cáo Đỗ Văn Chung. Ngoài ra, Luật sư Trần Đình Triển cũng đã nhận lời trợ giúp pháp lý cho bị cáo Chung trong vụ án này. Mong rằng các luật sư chúng tôi sẽ được bảo đảm quyền của người bào chữa và tranh tụng công khai toàn bộ mọi vấn đề của vụ án này tại phiên tòa tới đây vì vụ án có tính phức tạp, nhiều chứng cứ mâu thuẫn mặc dù Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung 02 lần liên tiếp tại các phiên tòa ngày 28/11/2014 và 20/3/2015 do không đủ chứng cứ buộc tội.


Luật sư Nguyễn Chiến: Có dấu hiệu oan sai khá rõ khi cả cơ quan điều tra và truy tố đều chưa chứng minh được hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tài sản” của bị cáo.

Luật sư Nguyễn Chiến: Có dấu hiệu oan sai khá rõ khi cả cơ quan điều tra và truy tố đều chưa chứng minh được hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tài sản” của bị cáo.

PV: Xin Luật sư chia sẻ quan điểm bào chữa của mình?

Được nghiên cứu hồ sơ vụ án này, đặc biệt khi nghiên cứu Bản Cáo trạng, tôi nhận thấy có dấu hiệu oan sai khá rõ. Cả cơ quan điều tra và truy tố đều chưa chứng minh được hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tài sản” của bị cáo theo khoa học hình sự về cấu thành tội phạm. Bản chất vụ án xuất phát từ giao dịch dân sự cho vay lấy lãi giữa người bị hại và bị cáo. Số lần cho nhau vay ít nhất là 20 lần, điều này thể hiện người bị hại mong muốn cho vay, chuyển tiền cho người vay với mục đích lấy lãi cao.

Về tổng số tiền vay, chốt nợ người bị hại cho là bị chiếm đoạt, cơ quan buộc tội lấy làm căn cứ kết tội cũng chỉ trên cơ sở giấy vay tiền mà không dựa trên lời lý giải thỏa đáng, có căn cứ của nguồn tiền cho vay, lãi suất đã trả và lãi xuất cộng dồn để chốt nợ và lý giải tại sao người bị hại bị lừa thế nào mà có đến gần 20 lần cho vay liên tiếp bị cáo chưa trả gốc, lãi khi đến hạn mà người bị hại vẫn cho vay.

Bị cáo và các luật sư bào chữa cho bị cáo ở 02 phiên tòa trước đây đã chứng minh giao dịch cho vay này có biểu hiện cho vay “nặng lãi”, vì mục đích cho vay lấy lãi nên người bị hại liên tiếp chuyển tiền cho bị cáo chứ không phải vì bị lừa, tổng số tiền chốt nợ không phải chỉ là tiền gốc cho vay mà thực chất là cả gốc và lãi cộng dồn. Cụ thể, sổ chốt nợ vay bị cáo ghi chép phù hợp với kết quả xác minh thu thập chứng cứ của luật sư đối với một số “con nợ” khác; đặc biệt với cách tính mức lãi 5000đ và 8000đ/triệu/ngày cho kết quả phù hợp trong số tiền vay 2,4 tỷ có khoảng 1,2 tỷ là tiền gốc và 1,2 tỷ là lãi vay, chứ không phải 2,4 tiền vay gốc như Cáo trạng truy tố.

Ngoài ra, còn một số vấn đề khác liên quan đến ý thức của người bị hại cũng như của bị cáo khi giao dịch cho nhau vay, mục đích vay, không có thủ đoạn gian dối của bị cáo để nhận được tiền vay của người bị hại như đã nêu trên. Chi tiết vấn đề này sẽ được chúng tôi chứng minh tại phiên tòa.

PV: Luật sư cho rằng bị cáo Chung vô tội?

Tôi cho rằng Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ và cũng đã thấy rõ bản chất của mối quan hệ vay mượn tiền của các bên trong vụ án này. Tôi cũng tin rằng Tòa án này đã thận trọng trả hồ sơ đến 02 lần để yêu cầu làm rõ những dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo để có đường lối xét xử khách quan, đúng pháp luật. Tuy vậy, đến nay kết quả trả hồ sơ điều tra bổ sung liên tiếp 02 lần vào các ngày 28/11/2014 và 20/3/2015 vẫn không làm rõ những căn cứ bắt buộc phải có của tội lừa đảo là yếu tố gian dối và cố tình chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt bao nhiêu tại thời điểm nhận tiền gốc.


Vụ án Đỗ Văn Chung bị quy kết tôi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thu hút sự chú ý dặc biệt của dư luận.

Vụ án Đỗ Văn Chung bị quy kết tôi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thu hút sự chú ý dặc biệt của dư luận.

Tại phiên tòa ngày 8/12/2015 tới đây, các luật sư chúng tôi sẽ tiếp tục chứng minh những vi phạm tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này, cũng như những mâu thuẫn của kết quả trả hồ sơ điều tra bổ sung 02 lần vừa qua. Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 121 BLTTHS hiện hành, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần nên nếu lần thứ ba này, các vấn đề về tố tụng và nội dung của vụ án vẫn không được làm rõ và bổ sung đầy đủ thì Tòa án sẽ tuyên bị cáo Đỗ Văn Chung vô tội.

Điều này chính là thể hiện tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự; Tôi tin rằng Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ thực hiện đúng như quan điểm của đồng chí Trương Hòa Bình - Chánh án TANDTC tại Hội nghị triển khai công tác TAND hai cấp của TANDTP HCM hồi đầu năm 2015: “Để đảm bảo quyền suy đoán vô tội của bị can, bị cáo, bản án được tuyên nhất định phải dựa vào những chứng cứ được nêu ra công khai tại phiên tòa, nếu không đủ bằng chứng thì tòa tuyên bị cáo vô tội”.

PV: Luật sư có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận lời trợ giúp pháp lý cho bị cáo Đỗ Văn Chung?

Trách nhiệm của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự. Sự tham gia tố tụng của luật sư bảo đảm vụ án được giải quyết khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội; theo đó bị cáo sai phạm đến đâu thì phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó, nếu không đủ căn cứ thì phải được Tòa án bảo vệ mà tuyên không phạm tội. Mặt khác, cũng thông qua việc tham gia tố tụng, luật sư góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, bảo đảm cho các hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng phải được thực hiện đúng theo trình tự của pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Đặc biệt, hoạt động thu thập chứng cứ để buộc tội bị cáo bắt buộc phải tuân theo quy định của BLTTHS thì việc xét xử của Tòa án mới bảo đảm dựa trên những căn cứ vững chắc, có căn cứ hợp pháp, tránh tình trạng làm oan người vô tội, hoặc hình sự hóa các quan hệ pháp luật dân sự. Trên tinh thần đó, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án này, tôi nhận thấy việc kết luận bị cáo phạm tội là khiên cưỡng, có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự.

Như vậy, có khả năng bị cáo bị buộc tội oan nên tôi và các luật sư đồng nghiệp đã phân tích kỹ lưỡng và tranh luận từng yếu tố cấu thành tội trong vụ án này. Nay, chúng tôi chúng tôi tham gia phiên tòa là chứng minh làm rõ điều này để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, lẽ phải. Vụ án được đưa ra xét xử ngày 08/12/2015 tới đây đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay, nhất là khi Đảng và Nhà nước đặt Tòa án làm trọng tâm cải cách. Tôi tin rằng tiếng nói của luật sư sẽ được Tòa án quan tâm xem xét và ghi nhận để tuyên bản án khách quan đúng pháp luật.

Xin cảm ơn luật sư!

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế (thực hiện)