Chủ nhà thuê xe cẩu "giấu" ô tô lạ đỗ chắn trước cửa nhà

Khả Vân

(Dân trí) - Mới đây, một chủ tài khoản Facebook đã đăng tải clip về sự việc chiếc xe ô tô Mazda 3 đỗ chắn lối ra vào của một gia đình, bị chủ nhà gọi xe cẩu đến nâng chiếc xe giấu vào bụi cây...

Sau khi clip được chia sẻ, đã trở thành chủ đề gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều nhau. Trong đó, đa số đều không đồng tình với cách làm của người thuê xe cẩu bởi ôtô là tài sản cá nhân của chủ thể và được pháp luật bảo vệ, nếu như không được sự đồng ý của chủ nhân thì mọi hành động can thiệp như cẩu xe, tạt sơn hay làm hư hại xe đều có thể bị coi là vi phạm pháp luật.

Chủ nhà thuê xe cẩu giấu ô tô lạ đỗ chắn trước cửa nhà - 1

Do bức xúc vì chiếc xe ô tô lạ đỗ chắn trước cửa nhà, chủ nhà đã thuê xe cẩu đưa chiếc xe này đi giấu (Ảnh chụp màn hình).

Đa số người xem cũng không đồng tình với cách đỗ xe của chủ nhân chiếc ô tô bởi việc gây khó khăn cho người khác nhằm đạt mục đích của mình là điều khó được chấp nhận.

Vậy, việc làm của người thuê cẩu xe có vi phạm pháp luật không, là điều khiến nhiều người quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, chuyện đỗ xe không đúng nơi quy định, thiếu ý thức của người dân không còn là chuyện hiếm gặp ở Việt Nam. Mặc dù sở hữu những chiếc xe sang trọng, đắt đỏ nhưng nhiều tài xế lại chọn cách đỗ xe không đúng chỗ, thậm chí chắn trước cửa nhà người khác như trường hợp trên đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân bị xe chắn trước cửa, ảnh hưởng đến sinh hoạt và luôn là vấn đề nhức nhối.

Nhiều chủ nhà đã nghĩ ra các biện pháp khác nhau để làm "bài học nhớ đời" với chủ của những chiếc xe "không mời mà đến" như sơn, vẽ, hay thuê máy cẩu chiếc xe,... nhằm mục đích dằn mặt chủ xe. Tuy nhiên, vô hình chung, cách làm này cũng có thể khiến cho họ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tự ý cẩu xe ô tô của người lạ: Rước họa vào thân!

Luật sư cho biết, trong vụ việc này, chưa tính đến việc chủ xe Mazda sẽ bị xử lý như thế nào về hành vi đỗ xe trước cửa nhà dân, riêng việc chủ nhà tự ý cẩu xe ô tô của chủ xe đến một chỗ khác và giấu trong bụi cây khi không có sự đồng ý hay cho phép của chủ xe thì có thể bị coi là vi phạm pháp luật.

Người dân chỉ có quyền đối với phần đất theo ranh giới nhà mình. Còn hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý nên người dân không có quyền xử lý bằng cách đổ sơn, cào xước xe, đập phá,... Chủ nhà chỉ có quyền nhắc nhở tài xế hoặc báo cho cơ quan chức năng đến xử lý nếu ô tô đỗ xe sai quy định.

Nếu chủ xe chứng minh được, quá trình xe bị cẩu đã dẫn tới các thiệt hại cho xe như hỏng hóc, trầy xước,... chủ nhà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại tài sản theo quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ - CP. Theo đó, chủ nhà có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng

Thậm chí, nếu đủ căn cứ chủ nhà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và tùy vào mức độ, hậu quả gây thiệt hại mà chủ nhà có thể bị phạt với mức thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và tối đa có thể lên tới 20 năm tù giam. Chủ nhà còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Ngoài ra, trong trường hợp, quá trình di chuyển xe ô tô xảy ra tai nạn, gây ra thiệt hại đối với chiếc ô tô này thì chủ nhà phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 589 Bộ luật này, thì chủ nhà phải bồi thường do tài sản bị mất, bị hủy hoại hay hư hỏng; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Vì vậy, luật sư khuyến cáo, đối với trường hợp này chủ nhà nên liên hệ với chủ xe để giải quyết, tránh trường hợp bản thân "đang đúng lại thành sai". Nếu không liên lạc được chủ xe hoặc chủ xe không hợp tác, có lời lẽ đe dọa, thách thức thì chủ nhà có thể liên hệ với cơ quan chức năng để giải quyết, xử lý hành vi của chủ xe.

Trong trường hợp, tuyến đường mà chủ xe đỗ có biển báo cấm dừng đỗ xe, hoặc việc đỗ xe của chủ xe gây cản trở đến việc sinh hoạt của chủ nhà cũng như các thành viên thì chủ xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Người dân tuyệt đối không nên cẩu xe, khóa xe, sơn, vẽ hoặc cạo sơn xe, đập kính, chọc lốp, phá gương hoặc thực hiện các hành vi cố ý hủy hoại tài sản khác hay xúc phạm tài xế để tránh bị kiện lại.

Bên cạnh đó, dẫu biết việc đỗ xe dưới lòng đường là biện pháp bất đắc dĩ khi chủ xe không tìm được bến đỗ xung quanh, nhưng tài xế cũng cần lựa chọn vị trí đỗ xe phù hợp để không làm phiền, gây cản trở cuộc sống sinh hoạt của người dân hay gây ách tắc giao thông. Nếu có thể, tài xế nên để lại lời nhắn và số điện thoại để hạn chế những tình huống đáng buồn khác.