Bình Định:
Chủ nhà máy đường Ấn Độ “biệt tăm”, 327 công nhân lo mất 19 tỷ đồng
(Dân trí) - Ngoài khoản nợ “khổng lồ” ngân hàng, nợ thuế trên 150 tỷ đồng, Công ty CP Đường Bình Định đang nợ lương người lao động hơn 19 tỷ. Song, ông chủ người Ấn Độ “biệt tăm” nhiều tháng nay, khiến người lao động nguy cơ trắng tay.
Công nhân kiện đòi tiền lương
Nhiều tháng qua, rất đông công nhân đến Công ty CP Đường Bình Định (gọi tắt là Công ty BISUCO - tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) để đòi nợ nhưng đều ngậm ngùi ra về. Bởi, ông chủ nhà máy đường người Ấn Độ đã nhiều tháng nay không có mặt ở nhà máy.
Theo ông Trần Văn Đồng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty BISUCO, từ tháng 7/2018, lãnh đạo Công ty thông báo cho toàn thể người lao động (NLĐ) tạm nghỉ, nhưng đến nay vẫn không giải quyết bất kỳ khoản chế độ nào. Hiện, Công ty đang nợ 327 NLĐ hơn 19 tỷ đồng, gồm: tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội...
“Nhà máy thành lập đến nay đã 22 năm, giờ đóng cửa nhiều công nhân gắn bó với nhà máy từ lâu nay đã lớn tuổi nên rất khó khăn xin việc mới. Khoản tiền hơn 19 tỷ đồng nợ NLĐ chẳng biết đòi ai, bởi ông chủ công ty là người Ấn Độ không có mặt ở Nhà máy đường Bình Định nhiều tháng qua", ông Đồng nói.
Ông Đồng lo lắng nói thêm: "Trong khi đó, tài sản công ty đã cầm cố hết cho ngân hàng, bị ngân hàng kiện ra tòa và tòa đã xử xong, ủy quyền về cho Chi cục thi hành án huyện Tây Sơn xử lý tài sản trên đất nên các công nhân có nguy cơ bị mất trắng tiền lương. Chúng tôi rất bức xúc nên đã làm đơn kiện công ty gửi về TAND tỉnh Bình Định”.
Ngày 18/3, TAND tỉnh Bình Định đã có phiếu chuyển đến TAND huyện Tây Sơn yêu cầu giải quyết đơn khởi kiện của Công đoàn cơ sở BISUCO về việc tranh chấp tiền lương, trợ cấp thôi việc, thanh toán nợ bảo hiểm xã hội, giải quyết trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, đến ngày 4/4 TAND huyện Tây Sơn bất ngờ chuyển lại đơn khởi kiện trên đến TAND tỉnh Bình Định giải quyết. Bởi, tòa án cấp huyện không thuộc thẩm quyền giải quyết vì đại diện pháp luật của bên bị kiện là người Ấn Độ và hiện nay không còn cư trú ở Việt Nam.
Kiến nghị ưu tiên quyền lợi người lao động
Để nắm rõ vụ việc, PV Dân trí đã tìm đến trụ sở BISUCO để liên hệ làm việc, thế nhưng lãnh đạo công ty không có mặt ở đây. Nhà máy cũng đang tạm dừng hoạt động và chỉ xuất hiện vài người bảo vệ đang trông coi tài sản, trong đó có 2 công nhân người Ấn Độ.
Trước cửa phòng làm việc của Công ty dán nhiều quyết định, thông báo về việc thi hành án đối với Công ty CP Đường Bình Định.
Trước cửa các phòng làm việc tại trụ sở BISUCO được dán rất nhiều thông báo, quyết định thi hành án đối với công ty này do ông Nguyễn Văn Viên - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án (THA) dân sự huyện Tây Sơn ký từ tháng 10/2018.
Theo đó, Chi cục THA huyện Tây Sơn yêu cầu chủ BISUCO không được thực hiện việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng hoặc thay đổi hiện trạng tài sản thế chấp đối với tất cả công trình xây dựng trên đất được ghi trong hợp đồng thế chấp tài sản và quyền tài sản được lập giữa công ty với Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (VN).
Cũng theo Chi cục THA huyện Tây Sơn, BISUCO còn nợ ngân hàng này hơn 131 tỷ đồng; nợ thuế tại Cục Thuế tỉnh Bình Định hơn 24,8 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thống - Chánh văn phòng UBND huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), cho rằng những bất ổn tại BISUCO kéo dài gần 2 năm với rất nhiều khó khăn, từ ô nhiễm môi trường đến công nhân đòi nợ lương, thế nhưng phía công ty không phối hợp giải quyết.
Theo bà Thống, khi nhà máy tạm dừng hoạt động đã gây khó khăn cho việc tiêu thu mía, chính quyền huyện Tây Sơn phải làm việc với Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) để hỗ trợ thu mua mía cho nông dân. Trong khi đó, diện tích trồng mía của huyện Tây Sơn giảm mạnh, nếu như vụ Đông - Xuân năm ngoái có diện tích khoảng 662 ha thì năm nay chỉ còn 209 ha.
Bà Thống cũng cho biết thêm, sau khi nhận được thông tin công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của hàng trăm công nhân, chính quyền huyện Tây Sơn đã vào cuộc giải quyết nhưng cũng bó tay?.
“Nhiều lần đoàn kiểm tra của tỉnh Bình Định đến làm việc nhưng lãnh đạo công ty vắng mặt không thể làm việc nên tự lập biên bản rồi về. Hiện, tài sản công ty đã cầm cố hết rồi, ngân hàng kiện ra tòa và tòa đã xử xong, ủy quyền về cho thi hành án xử lý tài sản trên đất. Về tiền lương, bảo hiểm… của người lao động, huyện cũng 2 lần làm việc, hòa giải nhưng đều bất thành. Lý do, lâu nay ông chủ nhà máy người Ấn Độ không có ở Việt Nam", bà Thống nói.
"Lãnh đạo huyện rất đau đầu vì không tìm ra chủ công ty, còn công nhân thì lâm cảnh khốn khó, giờ chỉ còn tòa xử lý. Tuy nhiên, quan điểm của huyện những lần làm việc với các cơ quan chức năng đều kiến nghị, nếu thi hành án thì phải ưu tiên trả lương, bảo hiểm cho người lao động”, bà Thống chia sẻ thêm.
“Cục Thuế tỉnh Bình Định vừa công khai danh sách 210 doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế trên 100 triệu đồng có khả năng thu đến ngày 31/3/2019, với số nợ hơn 216 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu danh sách công khai nợ là Công ty CP Đường Bình Định với số nợ hơn 24,8 tỷ đồng”.
Doãn Công