Chống tham nhũng trong môi trường giáo dục
Tôi quan tâm theo dõi nhiều bài viết trên <i>Diễn đàn Dân trí</i> nói về môi trường làm việc trong ngành giáo dục, đặc biệt là nỗi niềm của giảng viên trẻ ở các trường đại học, cao đẳng, trong đó, có bài viết “<a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/2008/8/246826.vip">Giảng viên trẻ đang bị dồn vào ngõ cụt</a>” của bạn Thanh Hùng.
Bài viết này đã đề cập khá nhiều vấn đề mà giảng viên trẻ băn khoăn về môi trường làm việc trong các trường đại học, trong đó tôi suy nghĩ khá nhiều về tình trạng tiêu cực phải đút lót tiền mới được vào biên chế.
Tác giả viết : “Tôi chia sẻ tâm sự của mình với các đồng nghiệp, nhưng các chị trong khoa mách tôi rằng: “Em là người ngoài tỉnh, để vào được công chức phải chạy ít ra là 50 triệu may ra mới được vào, như các chị thì chỉ cần 30 triệu thôi”. Tôi thầm nghĩ sao lại tiêu cực đến thế. 50 triệu tôi về bán cả nhà lẫn đất còn chưa đủ... chắc bố mẹ tôi ra đường ở mất. Tôi chỉ còn cách là quyết định viết đơn xin thôi việc vì cảm thấy không thể sống nổi trong một môi trường làm việc đầy căng thẳng và bất công. Và tôi cũng hy vọng rằng, ở Việt Nam chắc chỉ có trường này mới có cơ chế quản lý theo kiểu bất công như vậy còn các trường ĐH khác họ sẽ có cơ chế thoáng hơn...”.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Thường thì mỗi sinh viên trước khi ra trường muốn có công việc ổn định, họ hay kháo với nhau rằng chạy vào công ty này, công ty kia có giá bao nhiêu tiền, rồi cứ truyền miệng, gợi nhu cầu; có cầu rồi ắt có cung. Tất cả tham nhũng cũng bắt nguồn từ đó, lương thấp, thu nhập thêm thì ít do đó có người, nhất là khi đã có chức có quyền, nghĩ ra chuyện nhũng nhiễu, hoạnh hoẹ người khác để kiếm tiền.
Đối với những giảng viên đại học thường thì kiếm tiền bằng chuyện “chạy điểm”, vẫn với cái nếp xin cho điểm thông qua tiền, mọi chuyện bắt đầu từ túng thiếu, thu nhập không đủ cho tiêu dùng hàng ngày của giáo viên. Điều đáng nói là nó sẽ làm hỏng thế hệ trẻ tương lai, và bất công cho những người nghèo, say mê học tập nhưng lại không có tiền để “chạy chọt ”, còn những người có tiền thì chỉ cậy mình có tiền rồi dẫn đến ỷ lại, thầy mà không có đạo đức, tham nhũng thì làm sao dạy được trò tốt, vậy thế hệ trẻ kế cận họ có đủ đức lẫn tài không? hay họ lại chìm sâu vào đúng con đường cũ mà chính những thế hệ trước để lại. Đó là mối lo ngại nhất cho nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển dần sang nền kinh tế tri thức, nhịp độ cuộc sống thay đổi chóng mặt.
Như vậy để chống tiêu cực cần phải có sự đãi ngộ thoả đáng cho giảng viên, công chức để họ toàn tâm toàn ý làm việc hết mình vì công việc và coi đó là niềm đam mê của mình. Với phương châm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” để có một nền giáo dục sạch, có chất lượng tôi thiết nghĩ nhà nước, chính phủ, bộ giáo dục, các cấp các ngành cần phải có những biện pháp cụ thể để ngành giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển và có chất lượng đạt tiêu chuẩn ngang tầm quốc tế.
Nguyễn Trọng
LTS Dân trí - Môi trường giáo dục không phải là một “ốc đảo”, cho nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực ngoài xã hội, kể cả những hiện tượng tham nhũng dưới nhiều hình thức.
Làm sao để có được một nền “giáo dục sạch” trong lúc này quả thật không đơn giản, đòi hỏi những biện pháp đồng bộ cả ở tầm vĩ mô và vi mô, nhằm đa dạng hóa nguồn đầu tư cho giáo dục, lập lại nền nếp kỷ cương, bảo đảm tính công khai, dân chủ trong hoạt động quản lý giáo dục ở mọi cấp.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ở vị trí “quốc sách hàng đầu”, cho nên những chính sách cụ thể đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cũng phải được đãi ngộ xứng đáng với vị trí “hàng đầu” đó. Chỉ có như vậy mới tạo cơ sở vững chắc cho việc lập lại kỷ cương, nền nếp, khắc phục từ gốc những hiện tượng tiêu cực đang làm suy thoái nghiêm trong môi trường giáo dục.