Chồng mua nhà, xe sang cho bồ đứng tên, vợ có đòi được không?

Hải Hà

(Dân trí) - Mới đây tôi có phát hiện chồng tôi lấy tiền chung để mua nhà, xe cho bồ và đã sang tên cho cô ta. Nếu giờ tôi ly hôn thì có đòi được nhà, xe đã được sang tên cô bồ không?

Trả lời:

Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để xem xét việc bạn có được chia tài sản này khi ly hôn không thì xem xét đến 03 vấn đề sau đây:

Thứ nhất: Chồng bạn có sử dụng tài sản chung vợ, chồng để mua nhà, mua xe cho bồ không?

Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung vợ, chồng gồm các tài sản sau đây:

- Do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân trừ tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung;

- Vợ, chồng được thừa kế hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;

- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;

- Không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Do đó, bạn cần phải xác định số tiền chồng bạn dùng để mua nhà, xe cho bồ có được lấy ra từ những loại tài sản nêu trên không hay là từ tài sản riêng của chồng (tài sản có trước khi kết hôn, được thừa kế, tặng cho riêng…).

Thứ hai: Bạn phải có đủ chứng cứ hợp pháp để chứng minh căn nhà, cái xe mà bồ của chồng bạn đang đứng tên được mua từ tiền của vợ chồng bạn.

 Trong đó, một số chứng cứ có thể thu thập được như:

- Ghi âm hoặc để lại chứng cứ chứng minh chồng lấy tiền của vợ, chồng đi mua nhà cho bồ;

- Tìm bằng chứng chồng tặng cho nhà, xe cho bồ (nếu có)…

Đặc biệt: Cách tốt nhất khi thu thập những chứng cứ này là nên khéo léo để chồng thừa nhận đã tặng cho nhà, xe cho bồ và lưu giữ lại bằng chứng.

Tuy nhiên phải nói thêm rằng, trên thực tế, để chứng minh tiền này được sử dụng từ tài sản chung của vợ chồng khi tài sản đã sang tên cô bồ sẽ vô cùng khó khăn.

Thứ ba: Sau khi đã có đầy đủ chứng cứ, bạn có thể khởi kiện đòi tài sản tại Tòa án. Bởi theo Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội.

Do chồng bạn sử dụng tài sản chung vợ chồng để mua nhà, xe cho bồ mà không phải vì nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng nên đây là giao dịch vi phạm pháp luật.

Khi đó, theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định như sau:

  1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
  2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Khi có đầy đủ cả ba yếu tố nêu trên, bạn có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng cùng với yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc có thể thỏa thuận với chồng để thuận tình ly hôn và chia tài sản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm