Chọn người hiền tài

Đất nước nào cũng vậy, thời nào cũng cần có những hiền tài để phụng sự quốc gia, nhưng chỉ những người lãnh đạo có tài năng và đức độ mới có con mắt tinh đời để phân biệt được người hiền tài với kẻ đội lốt hiền tài.

Đời xưa bên nước bạn có Bá Nhạc (tức Tôn Dương) là vị quan lớn trong triều Tần Mục Cung thời Xuân Thu (Trung Quốc), là người có con mắt tinh tường trong việc lựa chọn những con ngựa thiên lí. Nếu không có sự xuất hiện của Bá Nhạc thì ngựa thiên lí cũng chỉ là ngựa thường mà thôi. Lẽ nào trên đời lại không có ngựa thiên lí? Chẳng qua là còn thiếu Bá Nhạc người giỏi xem tướng ngựa.

 

Ngựa thiên lí thì luôn có, còn Bá Nhạc không thường xuyên có. Người có tài nhận biết người hiền tài quả là quí hiếm. Biết được người hiền tài mà sử dụng thì quốc gia sẽ hưng thịnh, để mất người hiền tài thì ắt quốc gia sẽ suy vong.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Tôi còn nhớ hồi học phổ thông, trong lần họp lớp đầu tiên, thầy chủ nhiệm bắt cả lớp đứng dậy. Thầy đi đi lại lại, ngó ngó nghiêng nghiêng từng người, rồi thầy chỉ định một bạn cao to nhất lớp làm lớp trưởng. Cả lớp tôi sợ lớp trưởng. Khi kiểm tra, lớp trưởng do học kém nên cứ phải coi cóp bài của bạn khác. Vì “ung dung” cóp pi nên điểm lớp trưởng bao giờ cũng cao! Ai không “giúp đỡ” lớp trưởng liền bị “ăn đấm”. Thầy chủ nhiệm nào có biết, lớp trưởng có điểm cao là chép bài của bạn!?
 
Lại nhớ câu chuyện, nhà vật lí Tôm-sơn giám đốc một phòng thí nghiệm lớn, ông đã nhận ra một nghiên cứu sinh Tân Tây Lan (New Zealand) tên là Lu-bi-for, giống một nông dân, nhưng có tài năng. Ông liền tiến cử nghiên cứu sinh  này làm giáo sư vật lí đại học Mac-si-ơ của Ca-na-đa. Năm 1908, Lu-bi-for được nhân giải thưởng Nô-ben.

 

Trong xã hội ta hiện nay, có người chọn “nhân tài” bằng tầm mắt hẹp hòi, chỉ chú ý tới chữ “thân” ( thân tín, thân cận, thân thích), còn những ai dù có tài mà không biết lựa chiều theo ý cấp trên, không dễ sai khiến thì “cho qua”. Cho nên mới có chuyện, trong một buổi họp hội đồng giáo dục, một giáo viên đã phê bình hiệu trưởng, nên sau này bị chuyển đi nới khác. Vì, giáo viên này cứ tưởng, hiệu trưởng “ thỉnh cầu mọi người chân thành góp ý cho mình” là thật!? Có người chọn nhân tài bằng ánh mắt: thích thì trọng dụng, không thích thì thôi, nên mới có chuyện sếp phải ra hầu tòa vì các “đệ tử” vi phạm pháp luật!

 

 Tuy nhiên, người hiền tài không tự nhiên mà có, nó phải được giáo dục từ khi còn bé tí. Lại nhớ cái tết vừa rồi, tôi tới chúc tết một người thân, vừa tới cổng đã thấy một đám trẻ nhao nhao, chen chúc chìa tay ra kêu: “ Lì xì mười ngàn …”, trong khi người lớn nhìn thấy mà không hề can ngăn. Tôi thật sự lúng túng, song cũng gắng bình tĩnh để “chia” cho mỗi cháu 5 ngàn. Nhiều cháu chê ít quá không lấy trả lại! Đã thế chúng còn nói : “ Bác này keo quá!”.Thật là xót xa! Nếu người lớn chúng ta, nhất là các bậc cha mẹ không biết dạy bảo con cháu, thì sau này lớn lên chúng sẽ đánh giá đạo đức bằng tiền! - Coi đồng tiền là thước đo đạo đức!

 

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có câu nói nổi tiếng: “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí”. Điều đó cho thấy nghề dạy học thật là vinh quang, song bên cạnh đó là cả một trách nhiệm nặng nề. Bây giờ người ta hay nói tới: “ Học sinh ngồi nhầm lớp”, thậm chí “ thầy ngồi nhầm chỗ”. Đâu đó ta vẫn thấy “thầy đánh trò”, “ trò đánh thầy”! Đất nước ta đang cần những người có mắt tinh tường công minh để sắp xếp chỗ cho cán bộ, cũng giống như xưa kia chiến tranh không có cơ giới người ta phải dùng ngựa, thì Bá Nhạc ắt không thể là người thiếu vắng!

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “ Có tài mà không có đức thì vô dụng”. Người rất coi trọng hiền tài, không những người tìm ra nhân tài mà còn biết cách bảo vệ nhân tài. Người quan tâm chỉnh sửa từng tí khuyết điểm cho cán bộ và cũng sẵn sàng nhận ra khuyết điểm và kịp thời sửa chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thông hiểu câu nói của người Trung Quốc: “ Trí giả thiên lự tất hữu nhất nhất”, đại ý là, người hiểu biết nói ngàn câu thể nào cũng có câu sai. Cho nên dù là hiền tài gì đi chăng nữa, vẫn phải tự rèn luyện mình thường xuyên, giống như “ ngọc càng mài càng sáng”.

 

Nhiều người có tài có đức được cất nhắc lên làm lãnh đạo, vì không biết tự rèn luyện mình nên biến chất. Trong cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng và nhân dân ta đang thực hiện đều khắp, thật sự đã có những biến chuyển tốt. Mong rằng sẽ thu được nhiều thành quả hữu ích hơn, góp phần làm giàu thêm “hiền tài” cho đất nước. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia! Chúng ta vẫn thường xuyên nghe thấy cụm từ” Một bộ phận cán bộ biến chất”; “ con sâu làm rầu nồi canh”…

 

Theo tôi, tuy chỉ là “ bộ phận”, chỉ là “con sâu” (số ít), nhưng sức phá hoại của nó rất lớn! Nó sẽ làm thui chột bầu nhiệt huyết của giống nòi. Giống như bom nguyên tử, tuy nhỏ nhưng sức tàn phá thì khủng khiếp. Câu nói của một nhà hiền triết: “ Một kẻ thù cũng là nhiều. Mười người bạn vẫn là ít ”. Để chống tiêu cực, nhất là tham nhũng chúng ta phải đánh thật mạnh, thật đồng bộ, thật tinh vi hơn nữa. Chắc chắn chúng ta sẽ thu được thắng lợi to lớn, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn mình”.

 

Đào Sĩ Quang

(Số 35,Chung cư C2, An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai)

 

LTS Dân trí - Đất nước trong mọi giai đoạn luôn cần đến những người con ưu tú, vừa có tài có đức, tận tụy với công việc, hết lòng hết sức phục vụ tổ quốc và nhân dân. Đấy là những hiền tài, mà “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” như ông cha ta đã khẳng định.
 

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa càng cần có nhiều hiền tài để trở thành lực lượng cán bộ chủ chốt trong bộ máy các cơ quan công quyền cũng như trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Chọn đúng và sử dụng đúng hiền tài không chỉ là công việc của người lãnh đạo, của bộ máy tổ chức mà còn là công việc của cả hệ thống chính trị, của các đoàn thể và các tổ chức nghề nghiệp.

 

Đổi mới quy trình đề bạt cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tiễn, có tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng, thực hiện công khai, dân chủ là những căn cứ quan trọng để xem xét, lựa chọn đúng người có tài có đức vào đúng cương vị cần thiết.