3 phút cùng luật sư:

Cho vay tiền ngoài khả năng bị quỵt nợ còn có thể dính... án tù!

(Dân trí) - Cho vay mượn tiền tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, ngoài có khả năng bị quỵt nợ bất cứ lúc nào, người cho vay còn có khả năng bị vướng vào vòng lao lý khi lấy lãi suất quá cao hoặc có những biện pháp đòi nợ không đúng đắn.

Vậy cần chú ý những gì để có thể cho vay tiền đúng pháp luật và đảm bảo an toàn cho bản thân? Mời bạn đọc cùng chương trình 3 phút cùng Luật sư gặp gỡ luật gia Tạ Quốc Dũng để tìm hiểu.

Cho vay mượn tiền cũng có thể vi phạm pháp luật

Thưa luật gia, người cho vay tiền lấy lãi suất bao nhiêu thì sẽ bị cấu thành tội cho vay nặng lãi? Khung hình phạt cho tội này như thế nào?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự  2015 thì người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (cụ thể là 20%/năm) thì tùy vào số tiền thu lợi bất chính mà có thể phạt tiền từ 50.000.000 – 1.000.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Cho vay tiền ngoài khả năng bị quỵt nợ còn có thể dính... án tù! - 1

Sau khi đã chịu các trách nhiệm cho tội cho vay nặng lãi, người cho vay nặng lãi có thể đòi lại phần tiền gốc mà mình đã cho vay hay không thưa luật gia?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Như đã đề cập ở trên số tiền thu lợi bất chính từ cho vay lãi nặng mới là yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng chứ không phải số tiền nợ gốc ban đầu cho vay. Do đó, mặc dù có bị buộc tội về tội “cho vay lãi nặng” thì người cho vay vẫn sẽ được đòi số tiền nợ gốc và số tiền lãi sẽ được điều chỉnh lại theo quy định của Bộ luật Dân sự, phần lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.

Cho vay tiền ngoài khả năng bị quỵt nợ còn có thể dính... án tù! - 2

Trong trường hợp vay nợ dùng tiền để thực hiện những việc vi phạm pháp luật thì người cho vay có bị liên đới chịu trách nhiệm hay không thưa luật gia?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Đối với trường hợp này chúng ta cần phải chia ra hai trường hợp:

Trường hợp người cho vay tiêu dùng cho vay tiền nhưng không biết, hoặc bàn bạc trước với người vay về việc vay tiền là để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật thì trong trường hợp này người cho vay tiêu dùng sẽ không bị liên đới chịu trách nhiệm.

Trường hợp người cho vay tiêu dùng cho vay nhưng biết trước hoặc đã có bàn bạc trước với người đi vay về việc sử dụng số tiền vay đó để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì trong trường hợp này có thể xem người cho vay là “đồng phạm” với người vay, do đó trong trường hợp này người cho vay phải có trách nhiệm liên đới đối với hành vi trái pháp luật của người đi vay gây ra.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang