Chợ hoa Tết, vì sao không để tồn tại theo cơ chế cung - cầu?

(Dân trí) - Thấy cảnh các chợ hoa, đường hoa trên toàn quốc tất bật dọn dẹp một cách vội vã và hỗn độn, cảnh người bán với nét mặt buồn rầu, thất thần khi đến giờ trả mặt bằng mà chưa bán hết hoa và cảnh những cành hoa đẹp bị xe vệ sinh dọn dẹp, hốt đổ đi thật là xót xa! Vì sao không để những chợ hoa tồn tại theo cơ chế thị trường?

Hốt hoa kiểng bỏ sọt rác... lãng phí, phản cảm

Tết vừa rồi, chúng tôi có mặt tại chợ hoa công viên 23/9 (quận 1, TPHCM) đúng thời khăc cuối cùng của chợ hoa. Khi đó, ban tổ chức chợ hoa Tết liên tục phát loa thông báo: “Chúng tôi xin thông báo, đúng 12h trưa sẽ giải tán chợ hoa, đề nghị các chủ gian hàng sắp xếp trả lại mặt bằng để thành phố chào đón năm mới”. Thực tế những nơi này không có bắn pháo hoa hay tổ chức vui chơi gì tại đây cả.

Qui định này đã làm cho người mua có thói quen lợi dụng chờ đến giờ chót để mua giá rẻ, người bán thì hoang mang bán tháo, bán đổ để vớt vát chút vốn. Một số hộ khác tiếc của thì dời hoa lên vỉa hè, đường phố; rồi cũng bị lực lượng vệ sinh đến dọn dẹp, cảnh hỗn độn xảy ra.

Chợ hoa Tết, vì sao không để tồn tại theo cơ chế cung - cầu? - 1

Đến giờ, ngày cuối cùng của năm, cảnh tượng "hốt" hoa cho vào xe rác thế này là nổi ám ảnh không chỉ của người bán hoa

Xe xúc rác vươn cần lên đập vào những chậu hoa đang tươi tốt và hốt ép vào xe rác một cách vô tội vạ; vòi phun nước xịt xối xả cuốn phăng đi tất cả mọi thứ trước cảnh gào khóc của người bán. Thử hỏi cả người dọn dẹp lẫn người bán và người ngắm hoa nhìn thấy cảnh này họ đón Tết có vui không?

Hơn nữa, Nhà nước đưa khẩu hiệu ưu tiên hàng đầu trong việc hỗ trợ nông dân nhưng nhìn cảnh cơ quan chức năng hốt của cải của nông dân đổ đi thành rác như vậy là một việc làm phản tác dụng.

Chợ hoa Tết, vì sao không để tồn tại theo cơ chế cung - cầu? - 2

Không ít chủ hoa kiểng buồn rầu thế này khi hoa kiểng bán không hết bị gôm bỏ sọt rác

Còn nói những người bán hoa là thương lái, không phải nông dân, không cần “nương tay” thì càng sai. Vì đội ngũ “thương lái” trong kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún như Việt Nam. Thương lái là cầu nối quan trọng của nông dân. Họ thất bại cũng chính là người nông dân thất bại!

Thiết nghĩ khi kéo dài thời gian bán hoa như vậy sẽ làm cho mùa xuân thêm dài hơn, nhộn nhịp và ý nghĩa hơn. Người có nhu cầu bán thì được bán, người có nhu cầu thưởng thức thì được thưởng thức, đồng thời không còn cảnh phản cảm và  đau lòng như từ trước đến nay.

Hãy để “hoa tàn”... theo cơ chế cung - cầu

Nhà nước nên suy xét lại thói quen cũ, không nhất thiết hễ ngày cuối năm là dọn dẹp hết đường phố, chợ hoa, trong khi các đường hoa, chợ hoa rất đẹp và mang lại sinh khí sắc xuân cho mọi người...Tôi đề nghị Nhà nước cho chủ trương bán hoa Tết thoải mái theo qui luật cung cầu của thị trường. Các tỉnh, thành nên chia ra 02 khu vực bán hoa kiểng:

Chợ hoa Tết, vì sao không để tồn tại theo cơ chế cung - cầu? - 3

Do giới hạn về giờ nên càng gần đến giờ các chợ hoa tết thường xảy ra cảnh bát nháo, lộn xộn, mất đi không khí vui tươi ý nghĩa của Tết

Thứ nhất:  Khu vực hoa, kiểng, loại hoa dài ngày có thể bố trí ở những nơi bán được ổn định suốt năm.

Thứ hai: Khu vực bán hoa ngắn ngày, khu vực này được qui định thành 02 phần: Gồm phần bán hoa đến hết ngày cuối cùng của năm cũ phải dọn dẹp hết 100% và phần vùng đệm liền kề còn lại là khu vực sẽ được dồn các hộ bán hoa lại vào ngày cuối cùng của năm khi họ chưa bán hết và được tiếp tục bày bán đến khi nào người dân hết nhu cầu mua bán.

Chợ hoa Tết, vì sao không để tồn tại theo cơ chế cung - cầu? - 4

Chợ hoa cuối năm chứng kiến một số chủ hoa chặt hoặc dùng cây đập dập hoa.... vùa phản cảm, vừa lãng phí. Nếu số hoa kiểng trên được công ty cây xanh mua lại với giá đặc biệt thì người bán hoa và công ty đều có lời

Những người không muốn bán nữa thì qui định bàn giao hoa lại cho Công ty cây xanh (có thể thỏa thuận mua lại 30%, 50% hay 70% giá trị) để họ chọn lọc trưng dụng trang trí đường phố sẽ có ý nghĩa hơn, tăng cường thêm những thùng rác chuyên dùng để giải phóng dần lượng rác nhằm đảm bảo vừa mua bán, du xuân nhưng cũng vừa đảm bảo mỹ quan đô thị...

Đặc biệt thông báo phạt tiền đối với người bán hoa không hết mà có hành vi đập phá, vứt hoa bừa bãi vô tội vạ, gây mất trật tự và phản cảm nơi công cộng ngày Tết.

Tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội nên xem xét nghiêm túc lại qui định bất thành văn này để làm thỏa mãn và hài hoà nhu cầu của xã hội! Phù hợp với xu hướng phát triển luôn mang tính nhân văn của xã hội ngày nay!

 T.S Giang Chấn Tây