Chó dữ thả rông và những vấn đề pháp lý
(Dân trí) - Theo độc giả, việc chủ động đánh chó nhằm bảo vệ bản thân là cần thiết, song có thể phát sinh nhiều vấn đề dưới góc độ xã hội. Do vậy, luật cần có tính răn đe hơn để giải quyết triệt để.
Sau câu chuyện con gái 5 tuổi của chị Trịnh Quỳnh Dung (ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) bị một con chó tấn công, giằng xé khi đang chơi trên vỉa hè dẫn tới nhập viện cấp cứu, nhiều người không khỏi xót xa.
Dù pháp luật đã có những quy định khác nhau về việc xử lý động vật thả rông và xử phạt đối với chủ chó song theo độc giả, những quy định này chưa đủ tính răn đe, quyết liệt. Bởi vậy, cần có thêm những chế tài cứng rắn hơn nữa nhằm giải quyết triệt để vấn đề này.
Những lo ngại từ việc đánh chết chó thả rông
Bình luận dưới bài viết Thấy chó thả rông không rọ mõm, người dân có quyền đánh chết?, độc giả Bằng Nguyễn Tiến viết: "Không cần lăn tăn hay phân tích gì, chó thả rông ra đường cứ không rọ mõm, hung hăng cắn người thì bất cứ ai cũng có quyền đập chết".
Độc giả Trung Le kể lại trải nghiệm kinh hoàng của bản thân khi đối diện với con chó dữ thả rông nặng khoảng 40 kg: "Chó không rọ mõm ngoài đường rất nguy hiểm, người lớn có kỹ năng và sức khỏe còn đỡ, chứ các cháu nhỏ thì sao chống lại được. Đề nghị cơ quan quản lý ở địa phương thấy chó thả rông là bắt lại, chủ lên nộp phạt thì mới được nhận lại chó.
Cá nhân tôi thấy chó cũng rất cảnh giác, nhưng thực sự hôm bị chó tấn công, nếu bờ tường không cao thì chắc cũng không ăn thua nổi với con chó tầm 40 kg rồi. Chỉ hình dung nếu đó là trẻ em thì hậu quả như thế nào? Tôi biết nhiều bạn yêu, cưng chó nhưng cũng cần đảm bảo an toàn cho cộng đồng".
"Chúng ta không thiếu các quy định, chế tài, nhưng không ai giám sát việc thực thi. Chỉ khi xảy ra sự cố đáng tiếc, người ta mới lần lại các quy định, chế tài để xử lý. Chó dữ như Bull hay chó lai, lúc chúng say máu thì đến chủ cũng đứng yên chứ làm được gì. Muốn hạn chế rủi ro mà chính quyền không đủ nguồn lực giải quyết thì nên hợp thức hóa việc đánh bả chó, chỉ cần như vậy thì sau thời gian ngắn sẽ không còn bất kỳ con chó chạy rông nào nữa", anh Lap Nguyen Viet bày tỏ quan điểm.
Dù việc chủ động tấn công, thậm chí đánh chết chó thả rông được nhiều người đồng tình song trên thực tế, để áp dụng và hợp thức hóa việc này không phải vấn đề dễ thực thi. Nhìn nhận dưới góc độ xã hội, độc giả Hồ Ngọc Cường lo ngại: "Chó thả rông mà bị đánh chết, có khi chủ chó lại đánh chết người đánh chó ấy chứ. Cần đưa ra phương án khác".
"Cơ chế chủ quản chó hiện khó xác minh, dẫn tới nếu đánh chó gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ chó bắt đền người đánh chó, nhưng nếu chó gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ từ mặt, không nhận chó của mình. Luật cần sửa đổi bổ sung để phân biệt quyền giữa người và chó, tránh nhầm lẫn chó và người, vì giờ chó cảnh lên ngôi còn sướng hơn cả người", độc giả Khánh Toàn Quản bổ sung ý kiến.
Có chung luồng quan điểm, anh Sy Tran nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, cần bắt người nuôi chó phải đăng ký nuôi, chấp hành tiêm chủng phòng dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để chó ra đường không có chủ đi cùng hoặc không rọ mõm. Về phía người dân, nên bổ sung quyền chủ động phòng vệ, thậm chí đánh chết chó trong trường hợp lường trước được sự nguy hiểm từ con vật.
"Vấn đề không chỉ là đánh chết chó, mà còn phạt thật nặng người nuôi. Nếu chó thả rông chưa gây hậu quả về người thì xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả về người và tài sản thì cần xem xét trách nhiệm hình sự. Như xóm tôi, chó thả ra gây nguy hiểm cho người dân, xong còn phóng uế bừa bãi. Gia đình tôi nhắc nhở thì gắt gỏng, tỏ thái độ. Mời mọi người tới ngõ cổng Gạo, thôn Cầu, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, để trải nghiệm việc này", độc giả Ánh Bùi phản ánh.
Còn với độc giả Ngoc Huan Nguyen, anh đưa ra phương án xử lý nếu cảm thấy nguy hiểm tiềm tàng thì sẽ chủ động phòng ngừa, tự vệ trước thay vì đợi chó cắn rồi mới ra tay thì là quá muộn. Mọi thiệt hại nếu chủ vật nuôi yêu cầu bồi thường thì có thể khởi kiện hoặc yêu cầu cơ quan quản lý giải quyết, người đánh chó sẽ bồi thường nếu hợp lý.
"Cảm ơn bài viết, cảm ơn giải thích của luật sư. Tôi cũng là người nuôi chó, tôi biết thời gian qua rất nhiều vụ chó cắn người, gây dại gây bức xúc rất nhiều cho người dân. Nhưng cũng mong mọi người công tâm, phân biệt, không phải chủ chó nào cũng vô ý thức như vậy, để rồi có cái nhìn chưa đúng về chó. Lỗi chó dại cắn người, phóng uế, không phải lỗi của các em ý, mà chủ yếu do ý thức kém của người nuôi chó. Nên một con chó đi trên đường, chẳng làm gì hại ai cả, (có thể chó bị xổng, bị lạc) mà đánh nó, thì có quá đáng lắm không? Luật rất rõ ràng và công tâm, chẳng nên tiêu cực hóa làm gì", độc giả Phuong Nguyen chia sẻ.
Trách nhiệm pháp lý khi để chó thả rông cắn người
Bình luận về vấn đề trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Công Tâm (Chủ tịch Công ty Luật Onekey) cho biết, trong trường hợp chó thả rông gây thiệt hại, cần đánh giá nguyên nhân dẫn đến thiệt hại để làm căn cứ xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.
Về trách nhiệm dân sự, luật sư cho biết theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, nếu thiệt hại do vật nuôi gây ra (chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng vật nuôi không kiểm soát được, để vật nuôi gây thiệt hại) thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng vật nuôi phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Điều 603 Bộ luật này quy định chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi, ví dụ như dắt chó không phải của mình đi dạo và để chó cắn người, thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Nếu súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường. Nếu người này và chủ súc vật đều có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ chỉ được loại trừ nếu lỗi hoàn toàn thuộc về phía nạn nhân; do sự kiện bất khả kháng hay những trường hợp quy định khác trong Bộ luật Dân sự 2015.
Về căn cứ xác định mức bồi thường, đối với trường hợp chó cắn người, nạn nhân là người có sức khỏe bị xâm phạm. Mức bồi thường do đó được xác định theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm những chi phí như chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị. Nếu nạn nhân mất khả năng lao động, cần có người thường xuyên chăm sóc, thiệt hại sẽ bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc nạn nhân.
Ngoài ra, chủ gia súc còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 50 lần mức lương cơ sở, tức 90 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nếu việc chó tấn công để lại hậu quả nghiêm trọng, chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác bởi hành vi chủ quan, cẩu thả hoặc vì quá tự tin gây hậu quả làm người khác bị thương, tổn hại sức khỏe.
Khi đó, cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá cẩn trọng các yếu tố chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể của sự việc. Nếu đủ căn cứ, cộng với việc gia đình nạn nhân có đơn yêu cầu, chủ gia súc có thể bị khởi tố theo Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015. Mức án tối đa chủ gia súc phải đối mặt theo quy định tại khoản 2 điều này là 2 năm tù.
Hoàng Diệu