Sóc Trăng:
Chính quyền "tạo điều kiện" cho người xin đất bỗng trở thành chủ đất?
(Dân trí) - Từ một người đi xin 3m đất để làm đường đi, bà Nguyễn Thị Trừ bỗng dưng được UBND huyện Thạnh Trị “ưu ái” giao luôn cho làm chủ cả ngàn m2 đất. Vụ việc trái khoáy này xảy ra tại xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
Trong đơn khiếu nại gửi đến tỉnh Sóc Trăng và báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Khuyến (69 tuổi, ngụ tại ấp 21, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) trình bày cho biết: Cha mẹ ông có phần đất nền nhà diện tích gần 1.100m2 tọa lạc tại địa chỉ trên. Sau khi cha chết (năm 1945), mẹ ông tiếp tục quản lý, sử dụng. Năm 1960, người chị ruột của ông là bà Nguyễn Thị Trừ thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng, còn ông ở chăm sóc mẹ già cho đến khi mẹ mất (năm 1986) và diện tích đất đó ông Khuyến quản lý, sử dụng liên tục.
Đến năm 1989, bà Nguyễn Thị Trừ nghỉ hưu, về địa phương. Là chỗ chị em, thấy chị không có đất cất nhà nên ông chia cho bà Trừ 650m2, phần còn lại là của ông. Phần của mình, bà Trừ làm nhà, xây hàng rào kiên cố bao xung quanh.
Đến năm 2013, bà Trừ xin ông Khuyến cho bà thêm 3m chiều ngang (khoảng 90m2) để làm đường đi ra sau ruộng nhưng ông Khuyến không đồng ý. Bà Trừ khiếu nại đến UBND xã Thạnh Tân. Biên bản hòa giải tại xã ngày 16/5/2013, bà Trừ vẫn giữ nguyên ý kiến xin ông Khuyến cho bà 3m để làm đường, ông Khuyến vẫn không đồng ý. Hòa giải không thành, vụ việc được chuyển về UBND huyện Thạnh Trị.
Ngày 20/1/2014, UBND huyện Thạnh Trị ban hành Quyết định số 35/QĐ-CTUBND cho rằng đất đó tranh chấp có diện tích 1.777m2 là của cha mẹ ông Khuyến và bà Trừ để lại, ông Khuyến không sử dụng ngày nào, còn bà Trừ sử dụng ổn định từ năm 1989 đến nay, có đóng thuế cho nhà nước. Đến năm 2012, ông Khuyến xin đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi cán bộ địa chính xã xuống đo đạc, hai bên không thống nhất ranh giới vì bà Trừ cho rằng ông Khuyến chỉ ranh qua phần đất mà từ trước giờ bà đã sử dụng, đồng thời không cho bà Trừ kéo lúa vào phần đất này. Từ đó, UBND huyện Thạnh Trị quyết định công nhận cho bà Trừ sử dụng 1.537m2, diện tích còn lại 240m2 cho ông Khuyến sử dụng. Quyết định được triển khai tới tay ông Khuyến ngày 23/1/2014. Ông Khuyến khiếu nại đến UBND tỉnh Sóc Trăng.
Ngày 21/3/2014, UBND huyện Thạnh Trị đã có Công văn số 141/CV-UBND do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Vĩnh ký gửi một số cơ quan chức năng của tỉnh để giải thích việc UBND huyện này ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Trừ đối với ông Nguyễn Văn Khuyến.
Theo Công văn của UBND huyện Thạnh Trị, “phần đất tranh chấp thuộc thửa số 378, tờ bản đồ số 05, tọa lạc tại ấp 21, xã Thạnh Tân có tổng diện tích là 7.676m2 là đất do cha mẹ ông Khuyến và bà Trừ để lại. Diện tích đất tranh chấp là 1.777m2 nằm trong tổng diện tích đất đó. Phần đất 1.777m2 ông Khuyến không sử dụng ngày nào, còn bà Trừ sử dụng ổn định từ năm 1989 đến nay, có đóng thuế cho nhà nước. Năm 2012, ông Khuyến xin đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi cán bộ địa chính xã xuống đo đạc, 2 bên không thống nhất ranh, vì bà Trừ cho rằng ông Khuyến chỉ ranh qua phần đất mà trước giờ bà đã sử dụng, đồng thời không cho bà Trừ kéo lúa vào phần đất này, bà Trừ không đồng ý từ đó phát sinh tranh chấp; Bà Trừ có trồng một số loại cây lâu năm, xây lại nhà kiên cố trên phần đất tranh chấp, ông Khuyến biết nhưng không có ý kiến hay phản đối gì, mặc nhiên ông Khuyến chấp nhận việc sử dụng đất của bà Trừ; bà Trừ tự nguyện giao cho ông Khuyến sử dụng thêm 240m2 nữa. Như vậy tổng cộng ông Khuyến sử dụng diện tích lên đến 6.139/7.676m2 (chiếm 8 phần), còn bà Trừ sử dụng diện tích theo quyết định công nhận là 1.537m2 (chiếm 2 phần); phần đất tranh chấp (giữa bà Trừ và ông Khuyến-PV) diện tích là 7.676m2 chứ không phải chỉ có 1.777m2”.
Đối chiếu hồ sơ giải quyết vụ việc từ cơ sở đến UBND huyện Thạnh Trị cũng như xác minh tại địa phương cho thấy: Thứ nhất, cơ sở để khẳng định quyết định của UBND huyện Thạnh Trị là trái pháp luật, thiếu thuyết phục. Ngay từ ban đầu, bà Trừ là người xin ông Khuyến cho bà thêm 3m chiều ngang chạy dài hết đất (khoảng 90m2) để làm đường đi ra sau ruộng nhưng ông Khuyến không đồng ý. Bà Trừ khiếu nại đến UBND xã Thạnh Tân. Biên bản hòa giải tại UBND xã Thạnh Tân ngày 16/5/2013 thể hiện rõ bà Trừ xin ông Khuyến cho bà 3m để làm đường. Hoàn toàn không có bất cứ một văn bản nào chứng minh ông Khuyến lấn đất nên phát sinh tranh chấp. Ngay việc bà Trừ xin ông Khuyến 3m đất để làm đường cũng đã thể hiện rõ bà Trừ thừa nhận phần đất đó là của ông Khuyến. Nếu đất bà quản lý sử dụng từ năm 1989 đến nay thì việc gì bà phải xin và nhờ chính quyền can thiệp để xin ông Khuyến cho đất? Trong khi đó, quyết định của UBND huyện Thạnh Trị lại cho rằng ông Khuyến lấn ranh đất bà Trừ nên bà Trừ khiếu nại và UBND huyện giải quyết công nhận cho bà Trừ sử dụng 1.537m2.
Thứ hai, huyện cho rằng, bà Trừ xây nhà trên đất tranh chấp, ông Khuyến biết nhưng không có ý kiến hay phản đối gì. Điều này không khó hiểu bởi ông Khuyến đã cho bà Trừ sử dụng 650m2 từ năm 1989, bà Trừ xây lại nhà, xây hàng rào kiên cố trong diện tích đó nên ông không có ý kiến. Chỉ đến khi bà Trừ xin thêm 3m ngoài hàng rào thì ông mới không đồng ý.
Thứ ba, huyện Thạnh Trị cho rằng “Phần đất tranh chấp (giữa bà Trừ và ông Khuyến) diện tích là 7.676m2 chứ không phải chỉ có 1.777m2” là không đúng với bản chất vụ việc, mâu thuẫn với quyết định giải quyết của UBND huyện Thạnh Trị. Trong quyết định của mình, UBND huyện Thạnh Trị cũng khẳng định đất tranh chấp là 1.777m2, không có một văn bản nào thể hiện diện tích đất tranh chấp là 7.767m2. Khi nêu lên con số này, UBND huyện Thạnh Trị có dụng ý gây hiểu nhầm cho nhiều người khi ông Khuyến được sử dụng nhiều đất hơn bà Trừ, thậm chí huyện cho rằng bà Trừ thiệt thòi hơn ông Khuyến. Có lẽ, không khó hiểu khi UBND huyện Thạnh Trị cố tình nêu ra nội dung này.
Sau khi đối chiếu với hồ sơ quản lý đất đai của cơ quan chức năng của xã Thạnh Tân cũng như của huyện Thạnh Trị, chúng tôi phát hiện trong sổ mục kê do cơ quan địa chính (nay là Tài nguyên-Môi trường) lập ngày 20/10/1994, thửa đất số 378, tờ bản đồ số 05 tọa lạc tại ấp 21, xã Thạnh Tân do ông Đồng Văn Đạt đứng tên kê khai với diện tích 7.767m2. Giấy CNQSDĐ do UBND huyện Thạnh Trị cấp cho ông Đồng Văn Đạt ngày 27/2/1995 cũng thể hiện rõ thửa đất 378 có diện tích 7.676m2 loại đất LNK (lâu năm khác), thời hạn sử dụng 50 năm.
Như vậy cho thấy, Quyết định số 35/QĐ-CTUBND của UBND huyện Thạnh Trị chưa thuyết phục. Cụ thể, huyện khẳng định diện tích đất 7.767m2 tọa lạc tại thửa 378, tờ bản đồ số 5 là của cha mẹ ông Khuyến và bà Trừ để lại là không có cơ sở bởi trong sổ mục kê quản lý đất đai của xã lập ngày 20/10/1994, diện tích đất này do ông Đồng Văn Đạt đứng tên; ngày 27/2/1995, ông Đạt được UBND huyện Thạnh Trị cấp sổ đỏ cho diện tích đất đó cho đến khi xảy ra tranh chấp giữa bà Trừ và ông Khuyến.
Hơn nữa, khi xảy ra tranh chấp, huyện biết đất do ông Đồng Văn Đạt đứng tên trong sổ đỏ mà giải quyết tranh chấp giữa bà Trừ và ông Khuyến khi hai người này không ai có giấy tờ chứng minh đất của họ là không đúng qui định của pháp luật. Đáng nói hơn, UBND huyện Thạnh Trị lại vội vàng “cắt” đất trong sổ đỏ của ông Đồng Văn Đạt giao cho bà Trừ là không thỏa đáng.
Khi chưa xác định rõ nguồn gốc đất cũng như cơ sở pháp lý của hồ sơ về đất, UBND huyện Thạnh Trị đã khẳng định đất cha mẹ ông Khuyến và bà Trừ để lại, khác nào huyện này đã “thay” Tòa án ban hành quyết định theo kiểu “chia thừa kế”.
Trong khi đó, ông Khuyến đã thể hiện rõ cha mẹ ông để lại phần đất nền nhà có diện tích khoảng gần 1.100m2 (ngang mặt tiền là 36m, dài từ trước ra sau khoảng 30m), phần đất còn lại mà ông đang quản lý sử dụng hiện nay là do ông khai phá, canh tác trong thời gian dài. Có phải do phần đất đó nằm cặp bên nền nhà của cha mẹ, lại có mồ mả cha mẹ ông chôn trên đó nên huyện cho rằng đó là đất cha mẹ để lại.
Ông Nguyễn Văn Khuyến nói: “Tôi sống với cha mẹ từ nhỏ, cha mất năm 1945; sau đó tôi ở với mẹ, chăm sóc mẹ cho đến lúc mẹ mất (năm 1986); diện tích đất nền nhà đó tôi quản lý, sử dụng liên tục cho đến ngày bà Trừ nghỉ hưu về địa phương tôi mới nhượng cho bà một nửa. Huyện cho rằng toàn bộ diện tích đất 1.777m2 tranh chấp do bà Trừ quản lý, sử dụng từ năm 1989 đến nay. Xin hỏi, vậy thì từ trước năm 1989, ai là người quản lý ngôi nhà của cha mẹ, quản lý phần đất nói trên để đến năm 1989 bà Trừ về có đất làm nhà? Chẳng lẽ đất tự nhiên trồi lên cho bà Trừ sử dụng”.
Còn bà Nguyễn Thị Trừ cho rằng: “Đất tôi quản lý sử dụng từ năm 1989 đến nay nên tôi quyết đòi lại. Nó (ông Khuyến) đã được nhưng vẫn còn tranh chấp với tôi là không đúng”. Khi chúng tôi hỏi bà Trừ có xin ông Khuyến đất hay không thì bà Nguyễn Thị Hận (con gái bà Trừ) nói: “Mẹ tôi nói với ông là chừa phần đất từ hàng rào nhà tôi sang phía đất ông để mẹ tôi làm đường ra ruộng chứ mẹ tôi không xin. Chữ xin trong biên bản hòa giải là do cán bộ ghi không đúng nên gây hiểu lầm”.
Vì sao bà Trừ làm đơn xin 3m chiều ngang làm đường đi ra ruộng nhưng UBND huyện lại “giao” cho bà toàn bộ diện tích đất 1.537m2. Ông Tạ Văn Trưởng - Chánh Thanh tra huyện Thạnh Trị cùng cán bộ dưới quyền cho rằng: “Ban đầu bà Trừ xin 3m làm đường nhưng ông Khuyến không cho nên bà khiếu nại lên huyện, yêu cầu giải quyết đúng pháp luật và bà thay đổi ý định, yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất cho bà trên toàn bộ diện tích 1.777m2 tranh chấp. Qua động viên, bà Trừ đồng ý cho lại ông Khuyến 240m2 vì là chỗ chị em, còn lại 1.537m2 là của bà Trừ”.
Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Tại sao bà Trừ là người khiếu nại việc ông Khuyến không cho bà thêm 3m ngang đất để làm đường nhưng huyện lại cho rằng ông Khuyến lấn sang đất bà Trừ khi đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ban hành quyết định có lợi cho bà Trừ; vì sao ban đầu bà Trừ xin đất nhưng sau đó lại được UBND huyện cho là chủ đất” thì ông Chánh Thanh tra huyện Tạ Văn Trưởng không trả lời.
Liên quan đến việc khiếu nại của ông Khuyến, ông Lê Thành Trí - Phó Chủ tịch UND tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Tỉnh đã nhận được đơn khiếu nại của ông Khuyến và đã giao cho Thanh tra tỉnh xác minh làm rõ vụ việc, báo cáo UBND tỉnh để xử lý đúng đắn”.
Bạch Dương - Huỳnh Hải