Chiêu né "vạ miệng" trên mạng xã hội

Hải Hà

(Dân trí) - Dẫu biết rằng ai cũng có quyền được tự do bày tỏ quan điểm, tâm tư tình cảm của mình trên MXH nhưng không đồng nghĩa với việc tự cho mình quyền xúc phạm, miệt thị người khác.

Hiện nay, mạng xã hội là một kênh để mọi người dễ dàng chia sẻ và tiếp cận thông tin, tuy nhiên hiện nay tình trạng "câu view" bằng cách tạo "phốt" hay dùng những lời lẽ thiếu văn hóa, không đúng chuẩn mực để đạt được sự nổi tiếng, nhiều người biết đến trở thành vấn nạn lớn đáng quan tâm, lo ngại.

Thậm chí, có nhiều trường hợp người dùng không tiết chế cảm xúc, "bạ đâu nói đó", phát ngôn thiếu chuẩn mực, miệt thị người khác… đã bị xử lý nghiêm khắc. Vụ án Nguyễn Phương Hằng như một lời cảnh tỉnh về chuẩn mực khi phát ngôn và sử dụng mạng xã hội.

Quy định pháp luật về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Nhận thấy tầm quan trọng trong việc kiểm soát các phát ngôn trên mạng xã hội, ngày 21/06/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc ra đời nhằm hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, tạo thói quen tích cực đồng thời cũng tuân thủ tinh thần của pháp luật nhằm giáo dục ứng xử người dùng trên các trang mạng xã hội.

Chiêu né vạ miệng trên mạng xã hội - 1

Cơ quan CSĐT công an TPHCM xác định bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của 9 cá nhân (Ảnh cắt từ clip buổi livestream).

Theo đó, Điều 3 Quyết định 874/QĐ-BTTTT quy định về 4 nguyên tắc ứng xử chung mà người sử dụng không gian mạng xã hội cần phải tuân thủ là:

Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Quy tắc Lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin.

Quy tắc Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Và đối với các cá nhân, tổ chức cũng cần phải tuân thủ các quy tắc cụ thể tại Điều 4 của Quyết định 874/QĐ-BTTTT như: Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội...

Các mức xử phạt đối với các trường hợp phát ngôn thiếu chuẩn mực, lệch chuẩn trên mạng xã hội

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, trường hợp người dùng mạng xã hội phát ngôn thiếu chuẩn mực, lệch chuẩn trên mạng xã hội, các cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 14/2022/NĐ-CP. Nếu lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội thì cá nhân, tổ chức có thể sẽ bị phạt tiền tối đa là 30.000.000 đồng. Cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

+ Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

+ Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

+ Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

+ Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hình phạt trên quy định áp dụng cho tổ chức còn khi cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt của tổ chức theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2021/NĐ- CP

Đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Chiêu né vạ miệng trên mạng xã hội - 2

NSƯT Xuân Bắc từng bóng gió "mắng" khán giả chê chương trình Táo quân trên trang cá nhân, sự việc gây nhiều ý kiến trái chiều của dư luận hồi đầu năm (Ảnh: VTV).

Trường hợp xác định những câu nói "vạ miệng" nhằm xúc phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác, thì những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 , sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất có thể lên đến 5 năm tù.

Hoặc Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm hoặc phạt tù cao nhất lên đến 7 năm tù.

Ngoài ra, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.

Lời khuyên cho người dùng mạng xã hội tránh vấn đề "vạ miệng"

Dẫu biết rằng ai cũng có quyền được tự do bày tỏ quan điểm, tâm tư tình cảm của mình trên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa người sử dụng mạng xã hội tự cho mình quyền tự do ngôn luận ra để làm cái cớ cho phép bản thân ăn nói tùy tiện, dùng những lời lẽ thô tục, trái với thuần phong mỹ tục, xúc phạm, miệt thị người khác.

Đến khi chuyện đã rồi thì có hối hận cũng không kịp và bản thân phải trả giá cho những phát ngôn nông nổi, thiếu suy nghĩ đó.

Vì vậy, người dùng mạng xã hội nói chung, các bạn trẻ nói riêng cần phải có thái độ khiêm tốn, lắng nghe, cầu thị; nâng cao kĩ năng sống, nâng cao kiến thức cho bản thân và tôn trọng giá trị, chuẩn mực xã hội trong giao tiếp, ứng xử. Ngoài ra, việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về ứng xử là vô cùng cần thiết trong giao tiếp trên mạng xã hội.

Hãy là những người sử dụng mạng xã hội thông minh, có văn hóa, rèn cho mình cách ứng xử, tương tác thật chuẩn mực.

Mỗi người cần hoàn thiện đạo đức, nhân cách của con người trong thời đại 4.0. Có như vậy mỗi bài viết, mỗi clip mới góp phần lan tỏa những quan điểm tư tưởng tiến bộ, những giá trị cao đẹp; tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng

Mặt khác, góp phần đấu tranh với những tệ nạn tiêu cực, những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống. Hãy thực hiện đúng những quy tắc: nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng, tế nhị, tôn trọng người khác… Có như thế thì người dùng sẽ không sa vào những vấn đề tiêu cực, hệ lụy xấu từ mạng xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm