Bài 18:

Chi gần 700 tỷ cải tạo, nâng cấp "thủ phạm" bức tử sông Cầu!

(Dân trí) - Để giải cứu dòng sông Cầu đang "giãy chết", tỉnh Bắc Ninh đã quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án cải tạo, nâng cấp sông Ngũ Huyện Khê thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống.

Sau gần 20 kỳ báo của Dân trí phản ánh tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của dòng sông Cầu, ngày 15/5/2020, ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký quyết định chính thức phê duyệt điều chỉnh dự án Cải tạo, nâng cấp sông Ngũ Huyện Khê thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống.

Quyết định nêu rõ, lý do điều chỉnh, bổ sung dự án: để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương theo đúng quy định, đồng thời đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn ngân sách trung ương của dự án cải tạo, nâng cấp sông Ngũ Huyện Khê thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh làm chủ đầu tư các hạng mục: Xây dựng đập điều tiết Phú Lâm trên hệ thống CTTL, Ngũ Huyện Khê; Cứng hóa mặt đê tuyến tả, hữu Ngũ Huyện Khê; Kè mái đê những vị trí cần thiết.

Chi gần 700 tỷ cải tạo, nâng cấp thủ phạm bức tử sông Cầu! - 1
Sông Ngũ Huyện Khê, nơi đổ ra sông Cầu, đã hoàn toàn trở thành một dòng sông chết.
Chi gần 700 tỷ cải tạo, nâng cấp thủ phạm bức tử sông Cầu! - 2
Chi gần 700 tỷ cải tạo, nâng cấp thủ phạm bức tử sông Cầu! - 3

Cụm công nghiệp Phú Lâm chính là một trong những thủ phạm đã giết chết sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu.

Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Đuống làm chủ đầu tư các hạng mục công trình đã và đang thực hiện và các hạng mục công trình như sau: Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 05 cổng dọc 2 bên bờ; Xây dựng khu nhà quản lý trạm bơm Đặng Xá.

Địa điểm xây dựng được thực hiện tại huyện Đông Anh-TP.Hà Nội và huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn và TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Nội dung điều chỉnh, bổ sung của quyết định này là điều chỉnh nguồn vốn đầu tư quy định tại Khoản 4, Điều 1, QĐ số 1526/QĐ-UBND ngày 11/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án quy định tại khoản 5, điều 1, QĐ số 1526/QĐ-UBND ngày 11/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư quy định tại khoản 4, điều 1, QĐ số 1526 như sau:

Giai đoạn trước 2016: ngân sách trung ương, vốn TPCP đã bố trí cho dự án trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2016 là 273.141.000.000đ (trung hạn giai đoạn 2016-2020 không bố trí vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2014-2016 cho dự án). Ngân sách của tỉnh là 5.600.000.000đ.

Giai đoạn 2016-2020: Ngân sách trung ương, kế hoạch vốn năm 2020 là 150 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là phần còn lại.

Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh, bổ sung là 679.294.159.000đ.

Thời gian thực hiện dự án: năm 2009-2021.

Bộ TN&MT chỉ đạo quyết liệt

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký công văn số 1879/BTNMT-TCMT gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, Bộ TN&MT nhận được thông tin phản ánh của truyền thông báo chí về ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Cầu, đoạn giáp ranh giữa 02 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Bên cạnh đó, ngày 25/3/2020 UBND tỉnh Bắc Giang có công văn số 1163/UBND-MT gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu khu vực giáp ranh giữa 02 tỉnh.

Chi gần 700 tỷ cải tạo, nâng cấp thủ phạm bức tử sông Cầu! - 4

Bộ TNMT yêu cầu tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm sông Cầu.

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân 02 tỉnh trong đoạn lưu vực sông Cầu nêu trên, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh khẩn trương rà soát, kiểm tra xả nước thải của các cơ sở sản xuất tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê; kiểm soát và điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước cống tiêu Đặng Xá- nơi thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu một cách hợp lí để đảm bảo dòng chảy và không làm gia tăng ô nhiễm chất lượng nước sông Cầu, đoạn giáp ranh giữa 02 tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chỉ đạo Sở TN&MT cùng Sở, ngành liên quan chuẩn bị báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, những vấn đề tồn tại, vướng mắc và các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Cầu theo Công văn số 4725/BTNMT-TCMT ngày 04/9/2018 của Bộ TN&MT và nội dung Biên bản ngày 05/9/2018 của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Giang và gửi về Bộ TN&MT trước ngày 25/4/2020.

Công văn cũng nhấn mạnh, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, căn cứ báo cáo và tùy tình hình thực tế, Bộ TN&MT sẽ xem xét việc tổ chức cuộc họp trực tiếp với UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Cầu nêu trên, trong trường hợp đó Bộ sẽ thông báo chủ trương trước cho UBND 2 tỉnh biết và chuẩn bị.

Sông Cầu “giãy chết”, Chủ tịch 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng sốt sắng

Căn cứ văn bản số 1163/UBND-MT ngày 25/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở: NN&PTNT, Xây dựng, Công an tỉnh, UBND các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, TX Từ Sơn và TP Bắc Ninh và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, phối hợp cùng Sở TN&MT Bắc Giang và các cơ quan liên quan của tỉnh Bắc Giang xử lý sự việc trên, báo cáo UBND tỉnh Bắc Ninh trước ngày 15/4/2020.

Chi gần 700 tỷ cải tạo, nâng cấp thủ phạm bức tử sông Cầu! - 5

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo giải cứu sông Cầu sau khi nhận được công văn của Chủ tịch tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, ngày 27/2, UBND tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 521/UBND NN-TN do ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh văn phòng ký về việc xử lý hiện tượng cá chết trên sông Cầu. Công văn cho biết, xét đề nghị của Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh về tình trạng ô nhiễm sông Cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu:

Sở NN&PTNT tiếp tục có giải pháp điều tiết nước tại cống Đặng Xá (Vạn An) đảm bảo nước mặt sông Cầu trong giới hạn cho phép để sử dụng cho các trạm nước sạch phục vụ nhân dân địa phương.

Yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh tăng cường trình sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất có hoạt động xả thải không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu, báo cáo kết quả hàng tháng với Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

UBND TP Bắc Ninh phải sớm hiệu chỉnh giai đoạn I của hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê để đảm bảo xử lý nước thải tăng công suất thiết kế và quy chuẩn môi trường.

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu TP Bắc Ninh phải thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường của làng nghề để yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh ký cam kết đấu nối toàn bộ nước thải phát sinh và nộp tiền xử lý nước thải theo quy định; Tổ chức thu phí xử lý nước thải của các cơ sở đấu nối với hệ thống nước thải tập trung, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải một cách có hiệu quả; Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

UBND TX Từ Sơn tiếp tục triển khai giai đoạn II dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải TX Từ Sơn (xử lý nước thải cho các làng nghề, CCN trên địa bàn).

UBND huyện Tiên Du phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, yêu cầu các cơ sở đầu tư xây dựng và vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn Việt Nam hiện hành; Đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho CCN Phú Lâm đảm bảo nước thải nầày phải được xử lý đúng quy định.

Cùng đó, các sở ngành theo chức năng kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất về bảo vệ môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy, xây dựng… Tiến hành đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất vi phạm các quy định của pháp luật.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân