Chém vợ dã man, gã chồng vũ phu đối mặt những hình phạt nào?

(Dân trí) - Sau mẫu thuẫn, người vợ bị chồng dùng dao chém liên tiếp khiến chị này gần đứt lìa 4 ngón tay và nhiều vết thương khác trên mặt. Luật sư khẳng định, người gây án sẽ phải đối mặt với mức án phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 11/7 Công an huyện Thạch Thất cho biết đang điều tra, làm rõ vụ việc chị Lương Thị Thiết (SN 1984, trú tại xã Canh Nậu, Thạch Thất) bị chồng là Nguyễn Hữu Chính (SN 1982) chém gây thương tích nặng.

Theo thông tin ban đầu, sáng ngày 10/7, trong lúc đi làm đồng, hai vợ chồng chị Thiết xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Do chồng có nhiều hành động và lời lẽ không phải nên chị Thiết đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ.

Gần trưa cùng ngày, Chính tìm đến nhà bố mẹ vợ. Thấy chị Thiết đang nằm cùng 2 con trên giường, Chính xông đến, dùng dao chém liên tiếp vào người chị Thiết. Gây án xong, Chính đến cơ quan công an đầu thú.

Phân tích hành vi của Nguyễn Hữu Chính trong vụ việc vừa diễn ra Ls Nguyễn An, Hãng Luật Cộng đồng cho rằng:

Thứ nhất, hành vi của Chính được thực hiện một cách cố ý (cố ý dùng dao chém liên tiếp vào người chị Thiết). Lúc này, Chính ý thức được tính chất nguy hiểm của hành vi do mình gây ra, thấy trước và mong muốn hậu quả sẽ xảy ra.


Chị Lương Thị Thiết đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt - Đức.

Chị Lương Thị Thiết đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt - Đức.

Thứ hai, xét về mục đích của việc thực hiện hành vi: Mục đích hay hậu quả có thể là mong muốn chết người. Đây chỉ là nhận định ban đầu khi phát hiện ra hành vi có dấu hiệu của tội phạm và đang trong quá trình điều tra, nên cơ quan điều tra cần phân tích mong muốn, hậu quả của hành vi chém người. Bởi, ý thức mong muốn hậu quả xảy ra trong hành vi này là yếu tố để xác định tội danh của Chính.

LS Nguyễn An phân tích thêm, những hành vi đánh chém người man rợ gây thương tích nặng cho người bị hại có thể bị truy tố theo 2 tội, 1 là tội giết người, 2 là tội cố ý gây thương tích.

“Trước hết phải cho Chị Thiết được giám định pháp ý, từ kết quả giám định tỷ lệ thương tật của chị Thiết mới xác định được Chính sẽ bị xử lý vì tội Cố ý gây thương tích theo Khoản 1 Điều 104 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) hay Điều 93 (tội giết người) của Bộ luật hình sự hay không?

Cụ thể, trong trường hợp cố ý gây thương tích, kể cả tỷ lệ thương tật của Chị Thiết dưới 11% (mức chưa phải truy tố) thì pháp luật buộc phải xử lý theo Điểm a, Khoản 1 Điều 104 BLHS vì Chính đã dùng hung khi nguy hiểm. Việc xử lý không phụ thuộc vào việc yêu cầu hay không yêu cầu của người bị hại”, kể cả người vợ làm đơn xin thôi kiện hoặc xin miễn truy tố, khởi tố cũng sẽ không được chấp nhận.

Phía người vợ chỉ có thể làm đơn trong trường hợp người bị khởi tố theo Khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự. Tức là, người vợ bị thương tích dưới 30% nhưng thủ phạm gây án không dùng hung khí nguy hiểm. Nhưng trong trường hợp này, thủ phạm sử dụng hung khí nguy hiểm là dao – một dụng cụ có tính sát thương cao

Chính dùng dao chém liên tiếp vào người chị Thiết, như vậy việc này có khả năng dẫn tới việc có thể tước đoạt đi mạng sống của chị Thiết, mong muốn hậu quả chết người thì Chính phạm tội Giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009). Việc chị Thiết may mắn không chết là nằm ngoài ý muốn của người phạm tội” – LS An nói.

Đối với mức án phạt, theo điều 93: Tội giết người

1.Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

n) Có tính chất côn đồ.”

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm