Chế tài xử lý của pháp luật đối với loại tội phạm lừa đảo trên mạng

(Dân trí) - Ngày 8/2/2012, sau khi Dân trí đăng tải bài viết “Mua sắm online: Lật tẩy những thủ đoạn lừa đảo mới”, đã có rất nhiều phản hồi từ phía độc giả quan tâm đến loại tội phạm mới này.

Chế tài xử lý của pháp luật đối với loại tội phạm lừa đảo trên mạng - 1
 
Hầu hết các ý kiến của bạn đọc thể hiện rõ sự lo lắng và bức xúc trước những thủ đoạn và hành vi lừa đảo hết sức tinh vi và trắng trợn của những kẻ coi thường pháp luật.

Trước thực trạng trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) về vấn đề chế tài xử lý của pháp luật đối với loại tội phạm này, được ông cho biết:

Đây là loại tội phạm mới và hiện nay đang gây bức xúc trong dư luận bởi lòng tin của họ bị những kẻ lừa đảo lợi dụng để kiếm lợi bất chính.

Những hành vi giao bán sản phẩm trên mạng lừa người mua chuyển tiền vào tài khoản của mình nhưng người mua không nhận được hàng hóa, hoặc có nhận được nhưng không đúng chất lượng, số lượng như đã thỏa thuận; hay như người mua hẹn giao trước một khoản tiền cho bên bán và sau khi nhận được đúng hàng hóa như đã thỏa thuận thì sẽ chuyển nốt số tiền còn lại, nhưng sau khi nhận được sản phẩm thì cố tình không thực hiện nốt nghĩa vụ thanh toán của mình…

Điều này không chỉ nạn nhân thiệt hại về tài sản mà những người đã đang và sẽ sử dụng hình thức mua bán online phải nghi ngờ về tính hữu ích thực sự của nó khi phương thức mua bán hiện đại này đã bị biến tướng dưới tay của những kẻ lừa đảo “có nghề”.

Trường hợp của Hoàng Thế Anh (trú tại phố Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ điển hình của những kẻ “siêu lừa” sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn gian dối của hắn có sự tính toán và hết sức tinh vi, qua mắt được cả những người có am hiểu về việc mua bán online.

Thế Anh cao tay khi vừa lừa được người chuyển tiền và người giao tài sản, hắn là kẻ ở giữa thu lợi tới hàng chục triệu đồng, lừa được anh Phạm Văn Hùng (trú tại Đồng Nai) tin rằng mình đã thắng trong cuộc đấu giá do Thế Anh tổ chức là 1 chiếc điện thoại đắt tiền, mặc dù anh Hùng đã cảnh giác bằng việc yêu cầu thanh toán qua website: xxx.vn. Thế Anh tạm thời trì hoãn việc mua bán với anh Hùng để lên mạng đặt mua của anh Trần Công Thành (Cổ Nhuế, Hà Nội) 2 chiếc ĐTDĐ với giá 13 triệu đồng. Sau đó, Thế Anh yêu cầu anh Hùng chuyển tiền vào tài khoản của anh Thành. Chờ đến khi anh Thành thông báo đã nhận được tiền, Thế Anh ra cửa hàng của anh Thành lấy điện thoại rồi bán đi ăn tiêu.

Hành vi của Hoàng Thế Anh đã có dấu hiệu rất rõ của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 139 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, đó là: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đến dưới năm mươi triệu đồng…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm với tình tiết tăng nặng quy định tại điểm b, khoản 2 điều 139 BLHS: “dùng thủ đoạn xảo quyệt” và có thể Hoàng Thế Anh sẽ phải chịu mức án từ 2 đến 7 năm tù và phải bồi hoàn lại tiền và tài sản cho các nạn nhân.

Trên thực tế thì những người sử dụng internet đều là những người có hiểu biết và khả năng nhận thức nhanh nhạy. Vì vậy, cần phải hết sức cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao, người mua hàng trên mạng cần phải tìm hiểu thông tin thật chính xác, tránh việc chuyển tiền vào tài khoản hay giao tài sản cho những đối tượng chưa từng giao dịch.

Trước khi Nhà nước, các cơ quan chức năng có các biện pháp mới, đưa ra chế tài cụ thể để bảo vệ quyền lợi của những người tham gia các sàn thương mại điện tử, các forum, diễn đàn hay các website cho phép thực hiện hoạt động thương mại, thì người tiêu dùng hãy chủ động tự bảo vệ quyền lợi của mình, hãy là những người tiêu dùng sáng suốt và tốt nhất nên mua bán trực tiếp khi chưa có khả năng kiểm chứng thông tin.

Vũ Văn Tiến