Chạy việc, chạy chức
Để được vào dạy trường chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, cô giáo Đinh Thị Diệu Trang phải chi cho ông chuyên viên của Phòng Tổ chức Sở GDĐT tỉnh 25 triệu đồng.
Nhiều người vì mong có được việc làm nên phải chạy, tất nhiên là việc trong các cơ quan nhà nước. Không phải ở đâu cũng tồn tại tệ nạn này, nhưng nó rất phổ biến.
Ở những cơ quan có điều kiện tiếp xúc doanh nghiệp, dễ kiếm tiền thì người muốn xin vào phải tính đường chạy.
Chạy cũng phải biết đường, tiền không chưa đủ, trừ phi có bề trên đỡ đầu. Người ta sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn, có thể bằng nhiều năm lương của công việc đó, trước hết là để có việc làm, ổn định cuộc sống; sau nữa là hy vọng sẽ có điều kiện làm ra tiền, bù đắp vào khoản đã chi.
Ở những vị trí dễ kiếm chác thì việc bỏ tiền “đấu thầu” là chuyện đương nhiên, bởi vì nhiều người nộp đơn xin làm công việc đó.
Cũng có nhiều trường hợp, công việc bình thường, chỉ làm nhân viên hay cán bộ quèn của một cơ quan chính quyền, nhưng lót tay khi xin việc đã trở thành tập quán, nó tồn tại như một thứ văn hóa hành chính, con người chấp nhận nó như “một phần tất yếu của cuộc sống”.
Để có việc làm như một kế sinh nhai thôi, con người ta đã phải chạy, cho nên muốn có chức vụ, địa vị thì chạy càng ghê gớm hơn, thậm chí là những cuộc đua.
Còn nhớ, có vị bí thư tỉnh ủy của một tỉnh ĐBSCL nộp lại phong bì tiền tỉ do cán bộ trong địa phương chạy chức trước một cuộc họp phân công nhân sự.
Ở một tỉnh nông nghiệp nghèo xa xôi mà cán bộ chạy chức tới bạc tỉ, thì những nơi phồn thịnh khác chức tước giá cao hơn nhiều.
Nạn chạy chức từng được đưa ra phân tích ở các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu lên tiếng phải tìm cách ngăn chặn. Nếu còn nạn chạy chức thì người có năng lực bị đào thải, người có tiền nhưng tài hèn đức mỏng lại được sử dụng.
Chạy việc, chạy chức không chỉ là tệ nạn mà là một mối nguy cho đất nước. Bởi vì, người bỏ tiền ra chạy xem đó như một khoản đầu tư và phải khai thác nó để mang lại lợi nhuận.
Tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ tồn tại trong hệ thống cơ quan nhà nước một phần là do nạn chạy việc, chạy chức, là do người giữ những vị trí trong bộ máy đó từng phải chạy việc, chạy chức và họ đang tích cực thu hồi vốn cùng với lãi.
Cái vòng đầu tư để có việc làm “đấu thầu” để có chức vụ và khai thác kinh doanh từ công việc và chức vụ diễn ra như một phản ứng dây chuyền, tồn tại như một quy luật, ngăn chặn được nó là điều không phải dễ.
Lê Thanh Phong
(Theo Lao động)