Chất lượng MBA và DBA sẽ đi về đâu?

Ngày nay, cơ hội được học thạc sỹ, tiến sỹ bằng cấp nước ngoài ngày càng dễ dàng hơn, đặc biệt là các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam, nhưng rất đáng tiếc về tình trạng “học giả, bằng thật”.

Hiện nay ở TPHCM có rất nhiều trường đại học liên kết đào tạo MBA, DBA (Thạc sĩ, Tiến sĩ quản trị kinh doanh) với đủ loại mức học phí khác nhau, các nơi thi nhau tuyển sinh và cũng thu hút được khá nhiều học viên, số lượng thì có còn chất lượng thì sao? Khó ai có thể đo lường được. Việc đào tạo từ xa các loại bằng cấp này cũng rất phổ biến và đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho học viên. Tôi cũng đã từng học MBA (Thạc sỹ quản trị kinh doanh) với hình thức như thế, với tư cách là “người trong cuộc” tôi nhận thấy việc học này rất có ích cho những người học thật sự vì kiến thức, họ đã bỏ ra rất nhiều công sức để học tập, nghiên cứu để có thể hoàn thành tốt khóa học.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nhưng cũng không ít người chỉ chạy theo bằng cấp, chỉ bỏ tiền ra đóng học phí rồi thuê người khác làm bài thay. Tôi nhớ có lần một người bạn hỏi tôi rằng ngoài giờ đi dạy ra tôi có muốn làm gì thêm không? Tôi hỏi: “làm gì?”, bạn tôi bảo có nhiều người đang học MBA khóa sau chúng tôi cần người làm bài thuê với thù lao 100 USD/môn, yêu cầu chỉ cần pass thôi (đủ điểm đậu). Tôi lắc đầu từ chối, vì tôi là một giáo viên làm sao có thể làm được việc đó, tôi nghĩ đó là việc làm rất “unethical” (vô đạo đức), trong giáo dục không thể chấp nhận được. Bạn tôi cười bảo: “có gì mà unethical, bạn phải bỏ công sức, trí tuệ ra để làm lấy tiền mà, thời buổi này bạn còn nghĩ vậy thì sao khá nổi?, bạn không làm thì nhiều người khác cũng làm thôi và họ có thể kiếm vài chục triệu/tháng đấy!”. Tôi cảm thấy buồn cho những người “học giả mà bằng thật”, nhưng làm sao trách được bởi vì tấm bằng MBA có thể là “tấm vé” cho họ thăng chức, tăng lương và có được địa vị cao trong xã hội.

Ngày xưa tấm bằng MBA rất được coi trọng, giờ đây nó rất phổ biến và không còn được coi trọng như ngày trước nữa, và người ta đã bắt đầu đổ xô đi học DBA (Tiến sỹ quản trị  kinh doanh), đặc biệt là bên ngành giáo dục. Qua tìm hiểu tôi được biết có ít nhất hai nơi ở TPHCM đều tuyển sinh DBA cho một trường ở Mỹ.

 

Mặc dù mang tiếng là tuyển sinh cho cùng một trường nhưng một nơi thì mức giá 5.000 USD, một nơi thì 5.500 USD. Điều kiện đầu vào thật dễ dàng, chỉ cần có bằng thạc sỹ bất cứ  ngành nào cũng được không cần đúng chuyên ngành. Mà điều đặc biệt là chỉ học 6 môn thôi. Có nhiều giảng viên tiếng Anh chưa hề học gì về kinh tế vậy mà chỉ cần học 6 môn và viết một bài luận là có thể trở thành tiến sỹ kinh tế rồi. Mỗi môn học chỉ học vài buổi với các thầy chủ yếu từ Malaysia hoặc Ấn Độ và có người phiên dịch. Mỗi môn làm bài nộp cho thầy và điểm thì chỉ có cao hay thấp chứ không hề có người rớt. Có lần tôi gọi điện hỏi về khóa học, họ bảo có khóa đã khai giảng được 2 tháng rồi nhưng không sao chỉ cần đóng tiền là có thể đem sách về đọc và làm bài luôn. Tôi rất ngạc nhiên vì sao học tiến sỹ mà lại dễ và đơn giản như vậy? Chỉ sau hơn một năm, một người bạn của tôi học ở đây đã có chữ Dr. hoành tráng trước tên mình trong Namecard của anh ấy.  Vậy chất lượng thật sự của tấm bằng này là như thế nào và sẽ đi về đâu?

 

                                                                                    Hồng Ngọc

 

LTS Dân trí - Bài viết trên của “người trong cuộc” nói lên rất rõ tình trạng “học giả, bằng thật” ở bậc đào tạo sau đại học để có bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) và DBA (tiến sĩ quản trị kinh doanh) với tấm bằng của Đại học nước ngoài hẳn hoi.

Sự liên kết đào tạo với nước ngoài là cần thiết nhưng nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ thường dẫn tới tình trạng chạy theo lợi nhuận, cho nên nới lỏng “đầu vào”, miễn là có tiền nộp đủ thì sẽ được vào học, đồng thời lại “châm chước” quá trình học cũng như dễ dãi về tiêu chí và thủ tục nhận bằng, vì thế dẫn tới tình trạng “lạm phát” những loại bằng vốn có giá trị như MBA và DBA.

Mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có biện pháp quản lý chặt chẽ việc đào tạo ở bậc sau đại học, nhất là việc “liên kết” đào tạo với nước ngòai để khắc phục tình trạng “học giả, bằng thật”, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như quyền lợi của những người mong muốn được học thật và được nhận tấm bằng xứng đáng với trình độ học vấn của mình.