Chào đón những người con đất Việt phương xa

(Dân trí) - Dịp cuối mỗi năm, khi bầu không khí đang lên tới đỉnh điểm của sự chộn rộn, náo nức, rạo rực sắc Xuân, chúng tôi lại có thêm một điểm đến trong lịch trình - ra sân bay đón dòng kiều bào Việt Nam về quê hương chung vui Tết cổ truyền dân tộc.

Chào đón những người con đất Việt phương xa  - 1
 
Niềm vui của các kiều bào trong buổi gặp mặt xuân 2011.
(ảnh: Việt Dũng, báo Sài Gòn giải phóng)

 

Tết, Tết, Tết đến rồi...! Cứ nghe giai điệu rộn rã ấy qua kênh VTV4 là cả gia đình tôi lại rưng rưng nước mắt. Chẳng còn mong muốn gì hơn là gác hết tất cả những lo âu toan tính cơm áo gạo tiền ngày thường sang bên, để thu xếp đưa cả nhà về Việt Nam đón Tết” – Email  mới nhất của một độc giả Việt kiều vốn là đồng nghiệp làm báo với tôi, mở đầu bằng đôi dòng nghẹn ngào như vậy. Quen biết vợ chồng anh đã lâu, tôi rất hiểu nỗi niềm cố hương của họ qua bao tháng năm ở xứ sở hoa Tulip.

 

Năm nay do hãng lữ hành của bà xã quá bận rộn vì khách đặt vé về quê và cả đi tour Việt Nam khá đông, nên phải sát Tết anh mới về TP. Hồ Chí Minh được. Nhưng trước đó cả tháng, anh đã háo hức kể về niềm vui sắp được sum họp cùng đại gia đình gồm: mẹ già và hai cô em gái (nhất quyết ở lại Việt Nam, không chịu xuất ngoại theo vợ chồng con trai trưởng là anh), cùng vợ chồng cậu cả (mà cô dâu là do anh kỳ công về nước chọn mặt… gửi con trai cho một cô gái Sài Gòn “xịn” rất nết na, nền nã), nhân thể mừng thôi nôi cậu cháu đích tôn.

 

Tiếp đó anh hỏi kỹ về chương trình giao lưu mừng Xuân Tân Mão với chủ đề “Kiều bào và hội nhập”, do Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài Tp. HCM tổ chức hôm 22/1 tại Hội trường Thống Nhất, thu hút hơn 600 kiều bào các nước về dự. Trong đó, anh đặc biệt quan tâm tới những nội dung mới về phát huy năng lực kiều bào, môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động xúc tiến thương mại, các chính sách mới thu hút kiều bào trở về nước làm ăn.

 

Có cùng một điểm chung là khao khát được đóng góp cho quê hương, anh là một trong những Việt kiều người luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để mọi khoảng cách đều thực sự được khép lại, để ngày càng nhiều kiều bào ta ở nước ngoài đều có thể trở về nước cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam.

 

Công việc làm báo giúp tôi có không ít dịp gặp gỡ bà con Việt kiều từ nước ngoài trở về Việt Nam, nhất là nhân dịp Quốc khánh 2/9 hoặc đón Tết cổ truyền. Cùng với năm tháng,  tôi nhận thấy những e dè, những né tránh và cả những khoảng cách trong suy nghĩ nhiều kiều bào ta đã dần khép lại. Thay vào đó là những tâm sự chân tình, cởi mở, những góp ý thẳng thắn đầy tinh thần xây dựng, hướng về nguồn cội của những người con đất Việt từ những phương trời xa.

 

Với nguồn tiềm năng lớn nhất của kiều bào là chất xám, trên các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam ngày càng xuất hiện thêm nhiều những bài viết, những ý kiến tâm huyết của những đại diện các cộng đồng người Việt Nam từ khắp các nước. Đó là các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, sinh viên, học sinh, bà nội trợ, các bác hưu trí…Rất nhiều thành phần, lứa tuổi và  được kết nối với nhau qua tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam.

 

Đóng góp của bà con kiều bào có thể là từ nguồn kiều hối gửi về nước cho người thân đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Hoặc cũng có thể là do đích thân họ trở về, lựa chọn đầu tư vào các dự án, mở công ty, xí nghiệp, trang trại… Nhưng cũng có thể là những việc làm thầm lặng, việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn; những ý kiến đóng góp quý báu đúc rút từ chính kinh nghiệm làm việc “xương máu” của bản thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nước ngoài…
 
Chào đón những người con đất Việt phương xa  - 2
Tiết mục múa lân trong buổi gặp mặt Việt kiều

Tết Tân Mão 2011 tại San Francisco, Mỹ (ảnh: báo Quê Hương).

 

Về đóng góp của bà con kiều bào, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã nhấn mạnh trong một cuộc trả lời phỏng vấn dịp cuối năm nay: “Chúng ta có hơn 4.000 trí thức người Việt ở các nước, với rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học lớn, giáo sư, tiến sỹ đang làm việc ở những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… Rất nhiều chuyên gia, trí thức được đào tạo trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, kinh tế đã về nước giảng dạy, trực tiếp cùng với các chuyên gia trong nước thực hiện các dự án đầu tư. Tôi cho đây là sức mạnh cộng đồng của chúng ta bên ngoài, và sức mạnh này còn tiềm ẩn rất lớn”.

 

Phát biểu tại cuộc gặp mặt Việt kiều tại California ngày 21/1 nhân tết cổ truyền Tân Mão,  Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Lê Quốc Hùng cũng nêu rõ: Những thành công của Việt Nam trong năm 2010 trên nhiều mặt có một phần đóng góp rất quan trọng, rất có ý nghĩa của cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung và tại Mỹ nói riêng... Năm 2010 có khoảng 600.000 kiều bào về thăm quê hương; lượng kiều hối năm 2010 ước khoảng 8 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2009; hiện cả nước ta có trên 3.200 dự án đầu tư của kiều bào với tổng số vốn gần 5,7 tỷ USD. Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cũng đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện tại Việt Nam. Chỉ riêng đợt đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt đã quyên được hơn 16 tỷ đồng...

 

Chào đón bà con kiều bào, chúng tôi xin được trích  ý kiến của bạn đọc có nick Đổ Hai- email: ĐoHảiOanh @ yahoo.com viết về Giáo sư Trương Nguyện Thành, người sau gần 30 năm định cư tại Mỹ đã trở về nước dành phân nửa thời gian làm việc tại quê hương trên cương vị Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM:

 

“Thật tuyệt vời khi những người tài giỏi đang sống ở nước ngoài đều hướng về quê như Giáo sư Thành. Đó là vận may cho đất nước, mong tất cả những người VN đang sống ở nước ngoài hãy hết lòng vì Tổ quốc thân yêu...”

 

Thanh Nguyễn