Chân thành cầu hiền
(Dân trí) - 61 năm trước, Quốc hội lập hiến vừa thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì Hồ Chủ tịch có "chiếu cầu hiền" bằng bài viết "Tìm người tài đức" trên báo Cứu Quốc.
Mở đầu "chiếu cầu hiền" Bác viết: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có người tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không thấu, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận...".
Nay, đất nước ta đang trên đà đổi mới, hội nhập mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Điều đó càng đòi hỏi Đảng, Chính phủ phải có chính sách chọn lựa, sử dụng người tài đức tốt hơn. Bởi thực tế vẫn còn không ít người tài đức đang "ẩn mình" hoặc chưa có cơ hội cống hiến cho đất nước vì những "lệ" riêng của từng cơ quan, từng địa phương khi gặp phải "rào cản" là họ chưa đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ý kiến của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc mới đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhân sĩ, trí thức khi ông đưa lên diễn đàn Quốc hội chất vấn về việc sử dụng người tài ngoài Đảng, về "lãng phí nguyên khí quốc gia". Thực tế cho thấy, xã hội hiện đang tồn tại hai mặt của vấn đề này.
Thứ nhất, có không ít người tài đức không có nhưng vẫn cố tìm mọi cách luồn lọt để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, để từ đó kiếm cái "ghế" trên con đường quan chức nhằm tìm cách trục lợi cá nhân. Động cơ của loại người này khi họ làm bất cứ việc gì cũng chỉ nhằm đem lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp đến công việc làm ăn của họ. Quá đáng hơn, họ còn có tính hẹp hòi, ích kỷ, đố kỵ với người tài đức. Chính vì thế, những người này luôn tìm cách trù đập, "kéo rào ngược" với những tiến bộ, nỗ lực phấn đấu của đồng nghiệp, làm nản lòng những cá nhân có ý chí vươn lên.
Thứ hai, hiện xã hội ta có không ít người đủ tài đức, thực sự tâm huyết mong muốn cống hiến sức lực để xây dựng cơ quan, tổ chức thì lại không có cơ hội thực hiện những hoài bão, khát vọng chính đáng đó, chỉ bởi những cái "lệ" bất thành văn: "chưa đứng trong hàng ngũ của Đảng thì chớ có nghĩ tới thăng tiến".
Nói về điều này, mới đây nhà báo Hữu Thọ nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá trung ương đưa ra một dẫn chứng mà nhiều vị có trách nhiệm trong khâu tổ chức cán bộ cần suy nghĩ: "Tôi biết mấy khoá trước, các đồng chí lãnh đạo cấp cao còn có ý định mời anh Tôn Thất Bách, không phải là Đảng viên, làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Cấp cao như thế đã duyệt, vậy mà tới các khâu của quy trình cán bộ như lấy phiếu kín, tín nhiệm... thì lại không lọt!".
Như vậy có thể thấy hiện nay không phải là không tồn tại những tư tưởng phân biệt người tài đức trong Đảng và người tài đức ngoài Đảng. Điều cốt yếu đất nước đang trông đợi, đó là đừng khô cứng trong việc "cầu hiền", như ý kiến ông Hữu Thọ tuần qua trả lời phỏng vấn của báo Pháp luật TPHCM về nội dung này: "Không phải cứ đảng viên mới giữ được trọng trách. Nhân tài ngoài Đảng phải đốt đuốc mà tìm, trân trọng mà mời". Muốn như vậy mỗi chúng ta phải có lòng chân thành cầu hiền!
Vũ Văn Tiến