Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông

Thế Hưng

(Dân trí) - Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A qua Văn Điển - Ngọc Hồi khởi công 10 năm vẫn vướng mắc giải phóng mặt bằng. Tuyến đường trọng yếu gặp nhiều vấn đề mất an toàn giao thông.

Điểm đen giao thông

Quốc lộ 1A có vai trò lớn tạo động lực phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, góp phần hoàn thiện tiêu chí về mật độ đường giao thông đô thị. Thế nhưng, sau 10 năm khởi công mở rộng đến nay, dự án vẫn còn dang dở.

Theo ghi nhận của Phóng viên Dân trí, một bên đường chờ đền bù là hàng loạt dãy nhà tạm, mái che lụp xụp. Đan xen nhau là các đoạn đường đã hoàn thiện và các đoạn chưa được đền bù. Cột điện được dựng la liệt giữa đường. Các búi dây điện quấn lấy nhau chằng chịt, có nơi dây điện còn rủ xuống đường gây mất an toàn.

Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông - 1

Các đoạn đường đã hoàn thiện và đoạn chưa được giải phóng đan xen nhau.

Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông - 2

Giao thông hỗn loạn trên đoạn đường Quốc lộ 1A.

Thường xuyên qua lại trên đoạn đường này, anh Đinh Văn A. (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, đoạn đường Quốc lộ 1A đang làm dang dở tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Các phương tiện lưu thông với tốc độ cao nhưng đường lại không thông suốt.

"Đan xen nhau là các đoạn trồi, thụt khiến các tài xế mới đi vào đoạn đường này rất bỡ ngỡ. Không ít tài xế đã vô tình đi ngược chiều và phải lùi lại khi đi nhầm làn. Vào ban đêm, đã từng xảy ra việc các ô tô đối đầu nhau do các vạch kẻ đường đã bị mờ khó quan sát làn đường, phần đường", anh A. nói.

Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông - 3

Vào ban đêm, các tài xế không tập trung rất dễ đi vào đường ngược chiều.

Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông - 4

Cột điện hư hỏng phần chân, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông - 5

Dây điện rủ xuống gây nguy hiểm.

Theo người dân sinh sống quanh đoạn đường Quốc lộ 1A chưa được giải tỏa, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trên địa bàn do hạ tầng và giao thông chưa được phân định. Đây có thể coi là điểm đen nguy hiểm trên suốt tuyến Quốc lộ 1A.

Theo Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT - CA TP Hà Nội, hàng ngày Đội CSGT số 14 đều tuần tra kiểm soát 24/24 để đảm bảo giao thông và xử lý các vi phạm trên tuyến đường này. Đơn vị đã có các kiến nghị về tổ chức giao thông liên quan đến hoàn thiện các vấn đề về hạ tầng giao thông.

Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông - 6

Vạch kẻ đường đã mờ, không có hướng dẫn di chuyển rõ ràng cho người dân.

Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông - 7

Cột điện mọc lên giữa đường.

"Tuy nhiên để đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao nhau nguy hiểm thì cần hoàn thiện về hạ tầng và cần đặt thêm biển cảnh báo, sơn kẻ làn đường thường xuyên, hệ thống chiếu sáng buổi tối cũng cần phải nâng cấp. Kiến nghị trên đã được chúng tôi gửi lên Phòng Cảnh sát Giao thông và có văn bản gửi sang Sở Giao thông vận tải khắc phục", Đội trưởng đội CSGT số 14 nói thêm, để hoàn thiện hạ tầng thì cần Sở Giao thông vận tải giải quyết.

Chậm giải phóng mặt bằng

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban QLDA), tổng chiều dài nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn qua Văn Điển - Ngọc Hồi là 3,8 km. Tổng mức đầu tư hơn 887 tỷ đồng. Dự án được bắt đầu triển khai từ tháng 3/2012, đến nay đã thi công cơ bản xong 1/2 mặt cắt ngang đường thuộc làn bên phải và một số đoạn bên trái tuyến đến lớp bê tông nhựa hạt mịn.

Ban QLDA đã sơn kẻ đường, tổ chức giao thông và bàn giao cho các đơn vị duy tu, duy trì để phục vụ đi lại của người và các phương tiện giao thông tham gia trên tuyến được thuận lợi, an toàn.

Tuy nhiên theo văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, Ban QLDA cho biết, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là khối lượng giải phóng mặt bằng của các hộ dân lớn. Bên cạnh đó, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ rất phức tạp. Có khoảng 450 hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc là đất lấn chiếm, đất được giao trái thẩm quyền. Trên thực tế, các hộ vẫn sử dụng ổn định đến khi Nhà nước thu hồi đất và được UBND các xã xác nhận là sử dụng ổn định không tranh chấp dẫn đến không bồi thường được về đất.

Ngoài ra, Ban QLDA cho hay, quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án phải xử lý rất nhiều đơn thư, kiến nghị của các hộ dân nằm trong chỉ giới thu hồi đất của dự án về đơn giá bồi thường, tái định cư, về mặt cắt mở rộng cục bộ một số đoạn tuyến. Vì thế, dự án phải tạm dừng công tác giải phóng mặt bằng để tổ chức kiểm tra, làm rõ nguồn gốc đất đai, thời điểm bắt đầu sử dụng đất và quá trình sử dụng đất của các hộ dân.

Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông - 8

Công tác giải phóng mặt bằng chậm.

Để sớm hoàn thành tuyến đường Quốc lộ 1A, Ban QLDA đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Thanh Trì khẩn trương phê duyệt, bổ sung, điều chỉnh 140 phương án giải phóng mặt bằng còn lại để thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng.

Về công tác giải phóng mặt bằng, sau 10 năm vướng mắc, đến ngày 15/9/2022 vừa qua, UBND huyện Thanh Trì mới tổ chức cưỡng chế thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý toàn bộ phần diện tích nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng của các hộ dân thuộc xã Tứ Hiệp (45PA với diện tích khoảng 2.800 m) và khoảng 140 hộ gia đình nằm rải rác trên tuyến đã bàn giao mặt bằng nhưng tái lấn chiếm, ăn ở, sinh sống trên thửa đất.

Chậm giải phóng mặt bằng, Quốc lộ 1A tiềm ẩn mất an toàn giao thông - 9

Dự kiến tháng 12/2022 hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, UBND huyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch để cưỡng chế thu hồi đất các hộ dân, cá nhân, tổ chức còn lại không bàn giao mặt bằng trên địa bàn 3 xã còn lại, dự kiến trong tháng 12/2022 sẽ hoàn thành.

Đối với các hạng mục, khối lượng còn lại, dự kiến trong tháng 12/2022, UBND huyện Thanh Trì bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại của dự án cho Ban QLDA để tổ chức thi công.