Cha mẹ có quyền kiểm soát điện thoại nhưng "bêu" con lên mạng là phạm luật!

Hải Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, cha mẹ có thể kiểm soát máy tính, điện thoại của con để ngăn chặn thông tin độc hại; nhưng nếu lạm dụng, thậm chí "bêu" riếu con lên mạng là vi phạm pháp luật.

Chuyện một bà mẹ nổi tiếng đăng đàn Facebook kể chuyện con mình truy cập và xem những hình ảnh nhạy cảm đang khiến dư luận xôn xao. Trong bài đăng, bà mẹ cho biết cảm thấy bất ngờ khi phát hiện con trai tuổi teen bị thành phần xấu lôi vào nhóm chứa những hình ảnh khiêu dâm trên mạng. Vì tức giận, bà mẹ đã đập điện thoại, đồng thời chia sẻ lên mạng cảnh báo các ông bố bà mẹ khác.

Câu chuyện đang thu hút những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, đặc biệt là sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Có ý kiến cho rằng bà mẹ này đang vi phạm quyền trẻ em, quyền riêng tư của trẻ và nếu ở các nước phương tây thì chắc chắn đây sẽ không chỉ là câu chuyện nội bộ gia đình hay chỉ dừng lại ở những cuộc tranh luận trên mạng xã hội mà lực lượng chức năng sẽ vào cuộc.

Cha mẹ có quyền kiểm soát điện thoại nhưng bêu con lên mạng là phạm luật! - 1

Hãy nhớ rằng việc con tìm kiếm web đen đồng nghĩa với việc con đang thắc mắc và đang đi tìm câu trả lời. Hãy cho con câu trả lời thay vì cho đòn roi và làm con xấu hổ (Ảnh minh họa: theasianparent).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Pháp Trị cho rằng trẻ em có những quyền đối với bí mật đời sống riêng tư. Điều này được quy định tại điều 21 Luật Trẻ em năm 2016:

"1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư".

Theo quy định trên đây để đánh giá hành động của cha mẹ có phù hợp hay không cần phải dựa trên cơ sở việc kiểm tra điện thoại đó có vì lợi ích tốt nhất của trẻ em hay không.

Nếu cha mẹ nhận thấy điện thoại, máy tính cá nhân của con có những thông tin độc hại, không phù hợp độ tuổi, bạo lực, vi phạm pháp luật thì cha mẹ có quyền kiểm tra điện thoại để phát hiện kịp thời và có giải pháp can thiệp để bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Tuy nhiên nếu cha mẹ lạm dụng việc kiểm tra điện thoại, máy tính để lấy những thông tin cá nhân, riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em không thuộc các thông tin gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý bình thường rồi can thiệp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em thì hành động này của cha mẹ là vi phạm pháp luật.

Thêm nữa Luật Trẻ em năm 2016 tại khoản 11 điều 6 quy định nghiêm cấm "Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên ...". Do vậy, dù con cái có hành vi sai, chưa phù hợp đạo đức hay pháp luật, đó cũng là bí mật cá nhân của trẻ; cha mẹ không có quyền công bố, tiết lộ công khai làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của trẻ.

Luật sư Lực chia sẻ, tâm lý cha mẹ thường rất thương yêu con, thương quá nên khi con phạm lỗi thường dùng mọi cách để giúp con nhận ra sai lầm và sửa chữa. Vì cha mẹ hành động, phản ứng thường dựa trên tình cảm, cảm xúc nên đôi khi thường lấn át ý chí và có hành động làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Trẻ em hiện nay sống trong môi trường mới, cởi mở và phẳng hơn, ít khuôn khổ và giới hạn hơn xưa nên cha mẹ cũng cần phải nâng cao trình độ, bồi dưỡng thêm kỹ năng, kiến thức để có ứng xử phù hợp, bắt kịp với sự phát triển của con cái.