Cần xử lý nghiêm hành vi chế biến cá nóc độc

Báo Dân trí điện tử ngày 5/3/2009 đưa tin “Phát hiện cơ sở chế biến hơn 1.600 kg cá nóc độc” ở Kiên Giang.

Bài báo viết: “Chánh Thanh tra sở Y tế tỉnh Kiên Giang, ông Lê Thanh Liêm, cho biết: Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện cơ sở chế biến thủy sản Vĩnh Trang ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, chế biến 1.635 kg cá nóc độc, trong đó có 500 kg cá nóc khô”. Bài báo cho biết thêm: đấy là loại cá nóc có độc tố mạnh, hàng năm có nhiều người dân ăn phải đã tử vong.

 

Đọc bài báo khiến chúng tôi giật mình về những nguy cơ, hiểm họa từ món cá khô vốn là đặc sản ưa thích của người dân nói chung và “dân nhậu” nói riêng. Năm nào báo chí cũng đưa tin về những cái chết thương tâm do ăn phải cá nóc độc. Thế nhưng vẫn có những kẻ vì hám lợi mà bất chấp tính mạng của đồng bào, vẫn đánh bắt, thu mua và chế biến thành sản phẩm với khối lượng lớn đem bán. Lẽ nào chỉ vì đồng tiền, vì lợi nhuận mà có người nỡ đang tâm làm liều, đem tính mạng của nhiều người khác ra đùa giỡn với tử thần.

 

Điều khủng khiếp là tử thần rình rập ngay trong những thứ có mác “đặc sản”, với vẻ ngoài hấp dẫn, thơm ngon, lại xuất xứ từ biển, vốn được người dân rất yên tâm, tin tưởng về chất lượng và sự an toàn.

 

Liên hệ với những hành vi vụ lợi bất chấp đạo lý khác ngày một nhiều, chúng tôi nghĩ đến một câu hỏi nhức nhối: Đạo lý dân tộc suy vi rồi chăng?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Nhưng chúng tôi còn giật mình vì một lẽ khác: đó là cách xử lý quá “đơn giản, gọn nhẹ” của cơ quan chức năng đối với kẻ có hành vi này. Bài báo cho biết: “Cách đây không lâu đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện cơ sở chế biến cá khô Nguyễn Văn Đời ở TP Rạch Giá đã chế biến thành phẩm cá khô nóc. Đoàn yêu cầu thiêu hủy và làm cam kết không tái phạm”. Dĩ nhiên trong vụ này không biết sẽ bị xử lý ra sao, song rất có thể cũng được xử lý theo tiền lệ.    

 

Như vậy, trước một hành động có chủ ý (không có chuyện cơ sở thu mua, chế biến hải sản lại không biết về độc tố, tác hại của cá nóc), vì động cơ vụ lợi đe dọa tính mạng nhiều người, và sẽ gây ra hậu quả nguy hại, không thể khắc phục được(chết người) nếu cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời mà chỉ bị xử lý giống như một lỗi nhỏ thì thật khó hiểu. Nếu số lượng cá nóc khổng lồ ấy phát tán trong thị trường thì sẽ gây ra biết bao cái chết thương tâm?

 

Chúng tôi không hiểu biết nhiều về luật, song thiết nghĩ có thể xếp hành vi này thuộc dạng hành động bởi “động cơ đê hèn” (cụm từ được dùng nhiều trong giới tư pháp) với tình tiết tăng nặng, mặc dù chưa kịp gây ra hậu quả.

 

Chỉ với hành vi đi xe máy không mua bảo hiểm hay quên mang giấy tờ, chúng ta đã có những chế tài xử phạt nghiêm khắc. Thế nhưng đối với một hành vi “tày trời” như thế mà chỉ bị tiêu hủy sản phẩm (tất yếu) và viết cam kết không tái phạm, thì quả là một điều hết sức phi lý. Không ai dám bảo đảm rằng, những cơ sở có hành vi nghiêm trọng như thế mà chỉ bị xử lý theo kiểu “vụt chổi lông” có thực hiện đúng cam kết hay không.

 

Lại nghĩ đến sự khôi hài của cái gọi là “bản cam kết”. Mỗi người dân từ nhỏ đến lớn đã không biết bao lần phải viết, hay kí tên vào những bản cam kết in sẵn với rất nhiều nội dung như: cam kết không đổ rác nơi cấm đổ, cam kết không đốt pháo, cam kết bảo đảm an toàn giao thông, cam kết không tham gia tệ nạn ma túy…Kết quả của những bản cam kết ấy ra sao, không cần nói cũng đã biết. Có thể xem đó là một “liệu pháp tinh thần”, mang tính “an ủi” nhiều hơn là hiệu quả thực, và có thể nói đó là một biến tướng của “bệnh thành tích”.

 

Xin có thêm một so sánh, dù khập khiễng: ma túy và cá nóc, cái nào “độc” hơn cái nào. Dĩ nhiên ma túy đáng lên án, song nó chưa nguy hiểm bằng cá nóc: ăn vào chết ngay. Thứ nữa là người bán ma túy nói trắng với người mua đây là ma túy, chứ không nói với người mua đây là đặc sản như người bán cá nóc. Thế nhưng chỉ cần ai đó bị phát hiện mang 100 gam heroin trở lên, dĩ nhiên là chưa gây tác hại cho ai, thì đã có thể lãnh án tử hình. Song có kẻ chế biến, buôn bán hàng tấn chất độc có thể gây ra cái chết tức thì cho người dùng là cá nóc thì chỉ phải viết bản cam kết!

 

Dĩ nhiên, cách xử lý của cơ quan chức năng phải dựa trên những chế tài pháp luật hiện hành, song nếu cảm thấy bất hợp lý, sao không kiến nghị cơ quan lập pháp sửa đổi, bổ sung để đủ sức mạnh răn đe, và bảo đảm sự tương đương giữa tính chất, hành vi phạm tội với mức trừng phạt? Hoặc đề nghị chính quyền địa phương có ngay những biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn,  nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nhân dân? Phải chăng đây là một biểu hiện của sự vô cảm?

 

Pháp luật là do con người làm ra, của con người và vì con người: con người làm ra luật thì cũng sửa đổi được luật. Nếu không có chế tài xử lý nghiêm khắc với những hành vi tội ác thì khác nào dung dưỡng cái ác nảy mầm.

 

Rất mong sự phản hồi từ phía các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang.

 

Trọng Nghĩa

 

LTS Dân trí - Đã từ lâu, các cơ quan thông tin đại chúng lên tiếng cảnh báo về độc tố nguy hiểm gây chết người của cá nóc; các cơ quan chức năng cũng đã nghiêm cấm việc bán và chế biến cá nóc khô. Tuy nhiên, những kẻ hám lợi vẫn lén lút tiêu thụ và chế biến cá nóc khô, cho nên hằng năm vẫn gảy ra nhiều cái chết thương tâm vì ăn phải cá nóc.

 

Những người có lương tri đều thấy đồng tình với ý kiến của tác giả viết bài trên đây.
 

Cần xử lý thật nghiêm những kẻ hám lợi lén lút buôn bán hoặc chế biến cá nóc khô để không còn tái diễn cái cảnh chết chóc oan uổng do ngộ độc cá nóc.