Cần thanh tra ngay những dự án đô thị mới

Là một người dân Hà Nội, tôi thấy mấy chục năm qua, đời sống vật chất của người Hà Nội được nâng lên, nhưng môi trường sống chưa được cải thiện bao nhiêu và có mặt còn xuống cấp hơn.

Việc đầu tư vào những khu đô thị mới, những tưởng làm thay đổi bộ mặt của Thủ đô, tạo cơ hội cho người dân được có nhà ở theo đúng nghĩa của từ "nhà", tuy vậy chưa đạt được mục đích mong muốn. Hiện còn rất nhiều tồn tại lâu dài, dai dẳng chưa được giải quyết.

 

Cụ thể :

 

1. Chưa có một khu đô thị mới nào được đầu tư và hoàn thiện đồng bộ. Tất cả các khu đô thị mới ở Hà Nội đều đang dở dang, kể cả nhưng khu đã hết thời hạn thực hiện dự án như Linh Đàm, Định Công, Đại Kim - Định Công.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

2. Hệ thống hạ tầng (điện, nước, thoát nước, đường nội bộ, trường học, bưu điện....) hoặc được xây dựng với chất lượng thấp, hoặc chưa được xây dựng, thậm chí không có trong qui hoạch. Nhiều khu (Linh Đàm, Đại Kim, Pháp Vân, Định Công, Mỹ Đình...) có nhiều khu đất trống, cỏ mọc cao nhưng chủ đầu tư không xây công trình công cộng theo đúng quy hoạch, bởi một lý do đơn giản là tập trung vốn xây nhà bán lãi hơn, có "mầu" hơn.

 

3. Nhiều khu như ốc đảo, không có đường ra vào đủ lớn, thường xuyên chịu cảnh ùn tắc giao thông. Người dân Định Công, Đại Kim hẳn hiểu rõ điều này hơn ai hết. Vấn đề này đã được nói đến rất nhiều năm nay, người dân các khu này làm đủ các loại đơn, gửi đến đủ các cấp, nhưng đâu vẫn hoàn đấy.

 

4. Chất lượng xây dựng nhà chung cư, kể cả cái gọi là "chung cư cao cấp" đều rất tệ. Các chung cư cao cấp của Việt Nam chỉ đáng gọi là "chung cư cao" mà thôi. Đến mức vữa trần rơi xuống giường mà rồi cuối cùng không ai làm sao, không có khởi tố vụ án thì đúng là không thể hiểu nổi công lý ở đâu.

 

5. Với chất lượng như vậy, nhưng giá cả lại "trên trời". Cay đắng hơn nữa là những người có nhu cầu thật sự lại không mấy khi mua được giá gốc, dù đã rất cao so với thu nhập bình quân. Để mua được, họ phải trả một khoản tiền chênh lệch rất lớn.

 

Ví dụ, dự án Nam TDH, môi giới đòi 9.000 - 10.000 USD/căn hộ, tức là phải trả khoản tiền này mới được nộp đơn và mua căn hộ theo giá gốc chủ đầu tư bán ra. Dự án 229 phố V, giá gốc ban đầu chỉ là trên dưới 6 triệu VNĐ/m2, trước tết âm lịch 2007 phải trả thêm 2-3 triệu/mét, đến nay giá bán trọn gói (cả tiền chênh và giá gốc) đã là 12-13 triệu/mét. Những thông tin này quảng cáo đăng nhan nhản trên mạng rao vặt hoặc trên các báo.

 

Điều đáng nói là các dự án này đều do các công ty nhà nước, thậm chí trực thuộc cơ quan Đảng (như dự án M3, M4, M5 NCT, 229 phố V) nhưng đều không được công bố rộng rãi. Các căn hộ đều đã được đăng ký hết và tuồn ra ngoài bán để ăn chênh lệch. Giá gốc càng thấp, chênh lệch càng cao và người sử dụng cuối cùng phải mua với giá do cung - cầu của thị trường quyết định.

 

6. Sự bất cập trong quản lý đô thị, xã hội dẫn đến xâm hại quyền lợi của người dân. Có tiền, đi mua nhà, mua ô tô mà vẫn cứ như đi xin, thậm chí phải mất thêm tiền, chạy chọt thì mới mua được. Người dân còn nhiều thứ sợ… Ra đường là sợ ô nhiễm, sợ tai nạn, sợ cướp giật… Vào bệnh viện sợ y tá, bác sỹ. Về nhà sợ nước ăn bẩn, ra chợ mua thực phẩm sợ có hoá chất độc hại...

 

Hà Nội, TPHCM ngày càng đông đúc, chật chội, nhu cầu nhà ở, đi lại ngày một bức xúc. Nếu không có các biện pháp mạnh, quyết liệt thì sẽ không cải thiện được tình hình. Tôi đề nghị tiến hành một số việc sau:

 

1. Tiến hành thanh tra nghiêm túc, triệt để tất cả các dự án đô thị mới đã, đang triển khai. Nên tập trung vào việc kiểm tra xem có xây dựng theo đúng quy hoạch ban đầu không,  giá bán như thế nào và bán có đúng đối tượng không, qui trình xét duyệt, ký hợp đồng mua bán, chất lượng hoàn công, quyết toán... Thông báo công khai thông tin dự án, tiến hành đấu giá mua bán bất động sản tại các dự án này. Hiện mới chỉ đấu giá quyền sử dụng đất, cần mở rộng sang đấu giá các căn hộ chung cư. Nếu phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

2. Khẩn trương làm đường thông vào các khu đô thị Định Công, Đại Kim Định Công, Linh Đàm, Pháp Vân.

 

Hai việc này không tốn kém nhiều, góp phần giải quyết bức xúc trước mắt về nhà ở và đi lại của người dân. Các bức xúc còn lại đòi hỏi giải pháp đồng bộ, tốn kém, lâu dài, ở tầm vĩ mô nên ở đây tôi không đủ khả năng bàn đến. Rất mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, chứ nếu cứ để các Thành phố chỉ đạo, e rằng mọi việc sẽ lại giậm chân tại chỗ như nhiều năm qua.

 

Thien Tam

(Thientam1970@yahoo.com)

 

LTS Dân trí: Công bằng mà nói, các khu đô thị mới đã góp phần kiến tạo nên bộ mặt mới của Thủ thô Hà Nội cũng như TPHCM và nhiều thành phố khác. Những khu đô thị mới đã đáp ứng phần nào nhu cầu mở rộng đô thị và nhu cầu nhà ở của nhân dân. Song còn nhiều điều tồn tại, bất cập như nội dung bài viết trên đây đã phản ánh đúng sự thật và cần kiên quyết khắc phục để nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần tạo ra diện mạo mới của đô thị văn minh, hiện đại và tạo thêm quỹ nhà ở cho người dân được mua với giá gốc (không phải mua lại với giá chênh lệch quá cao).

 

Cần thanh tra kịp thời và xử lý nghiêm minh những trường hợp làm ăn trục lợi, không xây dựng đúng quy hoạch ban đầu, cắt xén những công trình phúc lợi công cộng, chỉ cốt xây được nhiều nhà để bán kiếm lời là cách thức làm ăn không chân chính của không ít các công ty xây dựng những khu đô thị mới.