Nghệ An:

Cần thẩm tra lại vụ đang thụ án về tội giết người vẫn về nhà làm thợ xây!

(Dân trí) - Đó là ý kiến của thạc sĩ, luật sư Nguyễn Vinh Diện - Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự trả lời PV Dân trí sáng 3/4 về sự việc liên quan đến vụ việc “Đang thụ án về tội giết người vẫn về nhà đi làm thợ xây!”.

Phạm nhân Lê Văn Hồng vẫn đi làm thợ xây bình thường.

Luật sư Diện nói: Theo thông tin báo chí phản ánh, ngày 05/7/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An dựa trên đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù của Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định tạm đình chỉ số 13 về việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù 6 tháng đối với ông Lê Văn Hồng.

Theo quy định tại tại Điều 62 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009, thì người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh nặng thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Anh Hòa đã bị ông Hồng hàng xóm giết chết, tòa tuyên phạt 13 năm tù, song chưa chấp hành được bao lâu thì ông được cho ra ngoài vì lý do điều trị bệnh thận giai đoạn cuối đang khiến dư luận bức xúc.
Anh Hòa đã bị ông Hồng hàng xóm giết chết, tòa tuyên phạt 13 năm tù, song chưa chấp hành được bao lâu thì ông được cho ra ngoài vì lý do điều trị bệnh thận giai đoạn cuối đang khiến dư luận bức xúc.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế ngày 15 tháng 03 năm 2013, thì “Người bị bệnh nặng quy định tại khoản này là người mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ trướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng…”.

Theo công văn trả lời đơn bà Huyền của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 07/8/2017 thì lý do để tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho ông Hồng là “đang mắc bệnh hiểm nghèo suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo chu kỳ”. Theo quy định, việc kết luận một người bị bệnh nặng thuộc thẩm quyền Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên.

Vì thế, việc công dân phản ánh ông Hồng bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối sau khi được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù về nhà mà vẫn đi làm thợ xây bình thường, không có dấu hiệu của người bệnh nặng thì phải kiểm tra lại hồ sơ bệnh án của ông Hồng và kết luận chuyên môn để xác định chính xác có đúng ông Hồng bệnh nặng đủ điều kiện để được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hay không.


Theo luật sư Diện, thì cần phải xem xét, kiểm tra lại quá trình tạm đình chỉ chấp hành án phạt.

Theo luật sư Diện, thì cần phải xem xét, kiểm tra lại quá trình tạm đình chỉ chấp hành án phạt.

Nếu có sự khuất tất trong hồ sơ bệnh án, trong kết luận chuyên môn thì cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan đã kết luận về bệnh của ông Hồng và của cơ quan liên quan trong việc cho ông Hồng tạm đình chỉ thi hành án. Bà Huyền có quyền tố cáo hoặc khiếu nại nếu có căn cứ cho rằng việc kết luận bệnh của ông Hồng và việc cho ông Hồng tạm đình chỉ thi hành án không đúng quy định của pháp luật.

Về việc công dân phản ánh ông Hồng được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù với thời gian chữa bệnh là 06 tháng nhưng đến nay đã gần 01 năm vẫn chưa tiếp tục chấp hành án trở lại.

"Về thời hạn được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với trường hợp của ông Hồng thì tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế ngày 15 tháng 03 năm 2013 quy định như sau: “Phạm nhân bị bệnh nặng được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục”.

Ở đây, cần xem xét ông Hồng thuộc trường hợp tạm đình chỉ 1 lần hay nhiều lần? Nếu nhiều lần thì phải có quyết định tạm đình chỉ mới khi lần tạm đình chỉ trước đã hết. Nếu như ông Hồng chỉ được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù 1 lần với thời hạn 06 tháng mà đến nay đã gần 1 năm mà chưa chấp hành án trở lại thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan", luật sư Diện cho biết.

Phạm nhân Hồng vẫn đi làm thợ xây bình thường như bao người khác.
Phạm nhân Hồng vẫn đi làm thợ xây bình thường như bao người khác.

Về trách nhiệm của Cơ quan thi hành án trong trường hợp tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù trong trường hợp bị bệnh nặng cũng đã được quy định rõ tại Điều 32 Luật Thi hành án hình sự 2010, khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế được quy định như sau:

“Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh nơi người đó cư trú có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa cấp tỉnh, nếu kết quả giám định sức khỏe của người được tạm đình chỉ đã phục hồi thì Cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện thực hiện việc đưa người đó đến nơi chấp hành án và thông báo cho Chánh án tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ. Nếu sức khỏe của họ chưa phục hồi, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi họ về cư trú thông báo bằng văn bản cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định việc có tiếp tục cho họ được tạm đình chỉ hay không?”

Vì vậy, cần phải xem xét, kiểm tra lại quá trình tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của ông Lê Văn Hồng đã thực sự đúng trình tự, thủ tục hay chưa.

Cần thẩm tra lại vụ đang thụ án về tội giết người vẫn về nhà làm thợ xây! - 4
Nhân dân xóm 7 đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng.
Nhân dân xóm 7 đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng.

Nhân dân xóm 7 gửi đơn kiến nghị lên cấp có thẩm quyền

Trước sự việc phạm nhân Lê Văn Hồng bị tòa tuyên phạt 13 năm tù bỗng dưng được tạm thi hành án về gia đình hằng ngày vẫn đi làm thợ xây dựng đã khiến cho bà con nhân dân xóm 7, xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc) hết sức bức xúc. Sự việc trên, nhân dân xóm 7 đã làm đơn kiến nghị gửi tới: TAND tỉnh, VKSND, CA tỉnh và đại diện các cơ quan báo chí tại Nghệ An phản ánh sự việc này.

Trong đơn, nhân dân xóm 7 trình bày rõ: Việc ông Hồng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như thế đã được hưởng các chế độ giảm nhẹ của tòa tuyên trong bản án; nhà phạm nhân Hồng ở gần nhà anh Hòa (ông Hòa bị ông Hồng giết chết-PV) và hằng ngày phạm nhân Hồng vẫn đi làm bình thường, luôn có thái độ bất cần, “coi trời bằng vung” nên gây ra mối bất an cho bà con xóm 7 chúng tôi.

Kể từ ngày anh Hồng sát hại anh Hòa đến nay nhân dân xóm 7 chúng tôi mất đi danh hiệu làng văn hóa; nay Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cho anh Hồng được tại ngoại gây nên cho chúng tôi sự bất bình. Đặc biệt, từ khi được tha về, anh Hồng luôn đe dọa, thách thức bà con nhân dân (anh ấy luôn dọa: tau đang mang bản án tử hình trong người tau không sợ ai, kể cả phụ nữ anh Hồng cũng hù dọa) tạo cho chúng tôi sự bất an”, trong đơn ghi rõ.

Trong đơn nhân dân xóm 7 cũng nói rõ: “Hiện nay chúng tôi thấy anh Hồng rất khỏe mạnh hằng ngày vẫn đi làm, đi cày, đi cấy, đi xây, đi giữ xe ở Cửa Lò… và ăn uống, sinh hoạt giao lưu bình thường. Gia đình anh Hồng có con cái đã trưởng thành (hầu hết con cái là công nhân viên chức nhà nước, bộ đội…) thì ông Hồng không phải là lao động chính trụ cột gia đình. Theo chúng tôi được biết, trại giam trong cả nước đều phối hợp với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương có khu điều trị cho phạm nhân có cán bộ trông coi và chăm sóc…

Do đó, bà con xóm 7 chúng tôi kiến nghị: Không để anh Hồng nhởn nhơ trước pháp luật, tạo ra sự bất an cho nhân dân chúng tôi. Không để anh Hồng khơi gợi đau thương tổn thất về mặt tinh thần cho gia đình và anh em gia đình anh Hòa; nếu anh Hồng có bệnh yêu cầu đi điều trị tại bệnh viện nơi có sự quản lý của cơ quan công an tránh những hệ lụy khác có thể xảy ra…”

Nhóm PVĐT