Xung quanh nỗi khổ của người dân khi đi làm sổ đỏ:

Cần phải tố cáo hành vi sách nhiễu với các cấp chính quyền

(Dân trí)- Vấn đề cấp sổ đỏ hiện quá nan giải và bức xúc với nhiều người, đó là nhận xét chung của hàng nghìn bạn đọc gửi về tòa soạn. Ngoài ra, có nhiều ý kiến cám ơn Dân trí đã mở diễn đàn trên để bạn đọc “hiến kế” khắc phục những nhược điểm đó.

Cần phải tố cáo hành vi sách nhiễu với các cấp chính quyền - 1
 
Vấn đề về cuốn sổ đỏ và những câu chuyện không hay xung quanh nó xuất hiện trên Dân trí nhiều ngày qua. Người dân được dịp giải tỏa bức xúc lâu nay và những trường hợp bạn đọc nêu ra cũng có thể coi như những lưu ý đáng quan tâm về công tác điều hành quản lý bộc lộ qua thực tiễn.

Tuylipden (tuylipden@yahoo.com):

Bây giờ chỉ có báo điện tử Dân trí là phản ánh rất kịp thời những búc xúc của dân và những vướng mắc của các quan hệ trong cuộc sống. Rất cảm ơn báo Dân trí, mong rằng báo cố gắng hơn nữa trong việc phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân đến các cơ quan Nhà nước và tạo cơ hội cho nhân dân được giao lưu, chia sẻ, bày tỏ những ý kiến của mình.

Trần Hùng Hà (hunglaw67@gmail.com):

Cám ơn Dân trí đã khách quan đưa vào diễn đàn những ý kiến trái chiều. Tôi cho rằng anh Hà Hùng nói chỉ đúng một phần. Nói như anh thì chuyện làm sổ đỏ cứ dài dài vẫn là vấn đề không có lối thoát. Vì anh nói: "Tôi là một người không làm trong lĩnh vực địa chính nhà đất, tuy nhiên tôi có rất nhiều bạn bè, người quen làm trong lĩnh vực này và tôi cũng làm công tác quản lý nhà nước nói chung"- thì chúng tôi hiểu cá nhân anh sẽ không khổ sở chuyện làm sổ đỏ. Vì có nhiều người quen biết trong lĩnh vực này mà. Đa số người dân đâu có mối quan hệ như anh để được thuận lợi nếu cần làm sổ đỏ.

Là một chuyên gia pháp luật, tôi cũng bị hành rất nhiều trong việc này. Kiến thức pháp luật có thừa mà phải van nài,  phải quỵ lụy. Quỵ lụy vẫn không được vì vấn đề không phải đơn giản vậy. Tôi đã phải tiếp xúc với "quan" phường, "quan" quận tại... quán nhậu. Trình độ của họ, đúng như anh nói, bất cập lắm nhưng họ rất sành điệu tại nơi ăn chơi, coi tiền như rác.

Vậy bản chất là gì? Kiến thức kém thì tôi thừa kiến thức để mách bảo họ, nhưng vẫn không được. Họ hiểu vấn đề lắm, hiểu pháp luật và hiểu giá trị của cái sổ đỏ đối với người dân lắm. Và vì thế mà "dân có cần nhưng quan không chịu...".

Tại sao họ gây khó cho dân? Không nói thì ai cũng hiểu. Tại sao mảnh đất mình mua không thể làm sổ đỏ mà khi bán lại giá bèo cho người khác thì chỉ trong vài tuần họ có sổ đỏ ngay? Tôi cho rằng vấn đề này cần đưa ra Quốc hội thảo luận, Chính phủ cần có Nghị quyết và pháp luật cần có chế tài nghiêm với những cán bộ hành dân, ăn hối lộ.

Đề nghị các bác, các cô, các chú và các bạn phải mạnh tay với vấn nạn này. Cần phải ghi âm, chụp ảnh, quay video hành vi vòi vĩnh để tố cáo với các cấp chính quyền, đưa công khai lên báo chí, vì chuyện này không còn là cá biệt nữa! Xin cám ơn!

Chie (thoibe_chie@yahoo.com.vn):

Thông qua các bài phản ánh trên Dân trí ta thấy rằng người đi làm sổ đỏ đã tìm hiểu rất rõ luật, hỏi người thân về những vướng mắc, giấy tờ cần chuẩn bị trước để rút ngắn thời gian đi lại. Tuy nhiên việc hành dân của phòng địa chính được coi là việc tất yếu mà lâu nay vẫn xảy ra, không ai bàn cãi. Có ý kiến thì cũng chỉ được trả lời gọi là có một cách rất vòng vo, vì thế người dân không biết kêu ai.

Còn nói về thu nhập thấp mà việc lại quá nhiều thì càng vô lý hơn. Cán bộ địa chính phường chỉ giải quyết công tác đất đai, còn dịch bệnh, vệ sinh đã có công ty môi trường đô thị và thú y lo, đâu phải cán bộ địa chính cáng đáng hết. Đến cấp huyện càng rõ trong việc phân công chức năng, nhiệm vụ của từng ban, các tổ, nhóm trong phòng ban. Còn lương thì làm nhà nước ai chẳng giống ai, mà có thể lấy lý do đó. Việc coi thường pháp luật gây khó dễ cho dân chỉ với một mục đích duy nhất là ăn chặn những đồng tiền mồ hôi công sức của người dân mà thôi.

Trần Văn Hạ (tvanhacs@yahoo.com):

Bổ sung thêm "lý giải" nguyên nhân của anh Hà Hùng đã đăng trên Dân trí:

Tôi là người trong ngành nên nhận diện được một số vấn đề cần bổ sung cùng anh để làm sáng tỏ nguyên nhân này. - "5. Trình độ": Phải nói thêm rằng phần lớn cán bộ địa chính ở cấp xã, huyện hiện nay có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu không nói rằng họ quá yếu (kể cả thủ trưởng của cơ quan chuyên môn này). Vì rằng chính sách tuyển dụng và bổ nhiệm hiện tại không lựa chọn được người có năng lực thật sự (chưa nói đến người tài). Tuyển dụng thì do sự quen biết, nể tình; bổ nhiệm thì do cơ cấu... vậy thì làm sao đáp ứng được các yêu cầu của một chuyên ngành có tính phức tạp này.

13. Sự hợp tác của người đăng ký: Việc thụ lý hồ sơ nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào việc ứng xử và sự hợp tác của người đăng ký. Rất nhiều trường hợp khi đăng ký, người đăng ký thường đòi hỏi "quyền nhiều hơn nghĩa vụ". Dễ thấy nhất là trong các loại đăng ký cấp GCN lần đầu, chuyển nhượng QSD đất, thường cố tình khai man, sửa chữa, tẩy xóa... thì làm sao hồ sơ hợp lệ. Do đó hồ sơ phải kéo dài thẩm tra hoặc phải thực hiện lại. Từ đây cho thấy sự trung thực và thái độ hợp tác của người đăng ký cũng là một trong những điều kiện để giúp cơ quan chuyên môn này thực hiện tốt nhiệm vụ.

14. Năng lực và tính chấp hành pháp luật của người có thẩm quyền: Năng lực điều hành giải quyết vấn đề của người có thẩm quyền là yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định giải quyết hồ sơ. Thực ra có những nơi cơ quan đăng ký QSD đất làm rất tốt, nhưng khi trình cơ quan và người có thẩm quyền quyết định giải quyết thì hồ sơ dừng lại thời gian khá lâu do không nắm được những quy định cụ thể cũng như khái quát chung về nguyên tắc thụ lý hồ sơ. Do vậy cơ quan cấp dưới phải giải trình nhiều lần thì mới "thông" được. Đó là chưa kể có những văn bản chỉ đạo hoặc chỉ đạo miệng trái với quy định pháp luật đất đai mà cơ quan đăng ký mặc dù có bảo lưu nhưng phải chấp hành.

Nguyễn Thị Thanh Tâm (tamdttccb@yahoo.com.vn):

Cứ ngụy biện mãi thì không biết bao giờ mới giải quyết được ách tắc. Tất cả chỉ tạo điều kiện cho cán bộ thoái hóa biến chất, luôn nhũng nhiễu để lấy tiền của dân. Tại sao có trường hợp quen biết thì lại được làm rất nhanh, còn dân không quen biết thì hạnh họe đủ điều mặc dù thủ tục đầy đủ. Nên xem xét lại khâu cán bộ....

Duyz (dang_duyz@yahoo.com):

Qua bài báo “Lý giải” nguyên nhân nỗi khổ khi làm sổ đỏ” tôi xin có ý kiến như sau : Tôi đồng tình với bạn Ha Hung (hahung1052010@yahoo.com.vn): Với một số nội dung như đã trình bày, nhưng có một vài nội dung tôi chưa đồng thuận, cụ thể:

Không thể đổ lỗi do nhân lực ít, công việc nhiều, thu nhập thấp, thời gian bị bó buộc, trình độ bị hạn chế không có thời gian học thêm, nghiên cứu thêm. Bởi học thêm, nghiên cứu thêm là việc riêng cá nhân của anh, anh có thể lo liệu sắp xếp ngoài giờ làm việc, chẳng có ai bố trí việc ít để anh ngồi học thêm và nghiên cứu, nghe bất hợp lý quá.

Bạn nói thái độ làm việc “hành dân”, theo tôi, có một số cán bộ tuy có trình độ nhưng muốn hành dân để kiếm tiền (việc đó có). Một số thì nói thực là không có đủ trình độ để tìm ra một lúc tất cả các thiếu sót trong hồ sơ (họ là con em, người thân hoặc đã bỏ tiền để kiếm chỗ làm tốt, học vấn chưa cao những sẽ tìm cách làm đầy đủ hồ sơ bằng các khóa học ngắn hạn hoặc bất kỳ một hình thức nào đó…).

Như tôi đây chẳng hạn có gần 30 năm làm trong cơ quan, khi tôi đến 2 cấp xã và huyện làm thừa kế, tôi làm rất kỹ và hỏi cán bộ địa chính rất cặn kẽ cần bổ sung những giấy tờ gì tôi đều phúc đáp. Nhưng mỗi lần đến cứ bổ sung thêm, cái đã làm trước thì cứ lần lượt trả lại bảo là thừa. Tôi bực mình đề nghị hồ sơ tôi thiếu những gì cần bổ sung nói cụ thể, các ông địa chính đổ lỗi do thế này, thế khác v.v.. và v.v…

Quang Minh (ddtuphuxuan@gmail.com):

Trong các thủ tục để cấp sổ đỏ, có nhiều điều bất cập đến mức rất đáng... "cười": Ví dụ, một thửa đất do ông nội tôi để lại cho cha tôi và các chú tôi, nay muốn cấp sổ đỏ phải khai tông chi. Ông tôi sinh năm 1895, bà tôi sinh năm 1897, nếu khuyết mất giấy tờ chứng minh rằng ông, bà tôi đã mất thì sẽ không được cấp sổ. Nếu giấy tờ chứng tử của cả ông bà tôi đầu thất lạc (do chiến tranh, do không làm chứng tử...) thì khi nào sẽ được cấp sổ? Có thể nói luôn: không bao giờ ! Một phép tính đơn giản, nếu ông bà tôi còn sống thì đã lập kỷ lục thế giới về tuổi thọ rồi. Và nếu bà tôi ở tuổi này mà còn sinh đẻ thì cả thế giới phải biết. Vậy mà chưa có chứng tử thì coi như còn sống! Nên chăng, cần có những "độ thoáng" nhất định thì tiến trình cấp sổ đỏ mới nhanh hơn được.

Thành Lê (thanhdol@yahoo.com):

Tôi đọc ý kiến của bác Hà Hùng mà thấy buồn cười, có phần “ngụy biện” cho một số cán bộ gây phiền hà đối với người dân khi đi làm sổ đỏ mà thôi:

1 Nhân lực: không phải mỗi phường chỉ có một CB đâu, nhất là các phường ngoại ô đất cát nhiều, điển hình phường tôi không dưới 5. Có chăng là chỉ một CB phụ trách.

2. Công việc: Công việc cấp sổ đỏ do cả cấp quận và phường cùng làm, do vậy đã giảm tải rất nhiều. Còn với các hồ sơ nhạy cảm thiếu nọ thiếu kia, cán bộ phải có trách nhiệm giải thích hướng dẫn cho người dân chứ, sao lại đút ngăn kéo để tránh trách nhiệm là sao???

3. Thái độ làm việc: Không thể đổ lỗi là làm nhiều bị stress được. Ngành nào chẳng vất vả, chỉ có mấy ông "con cháu" muốn làm công chức nhàn thân, nhiều tiền mới nghĩ vậy. Còn đám "con cháu" học tại chức, ngắn hạn nếu thấy stress thì nên cho “lượn” hết đi, để cử nhân địa chính xịn đang thất nghiệp đầy đường vào làm.

4. Thu nhập: Nếu vì thu nhập thấp mà có năng lực, sao không chủ động tìm kiếm việc khác tốt hơn. Còn nếu đang làm hãy làm cho hết trách nhiệm của mình đi đã, nếu là người có trách nhiệm với công việc.

5. Trình độ: Công việc nào cũng vậy, nếu tâm huyết thì tự nâng trình độ lên nhanh lắm, không gì bằng học thực tế. Đừng đổ lỗi cho quá bận. Có chăng các vị đó chỉ nghĩ cách kiếm tiền mà thôi.

6. Thời gian: Chính vì không giải quyết hồ sơ rốt ráo nên dẫn đến ùn tắc hồ sơ. Vì đất đai không sinh nở, chỉ chia tách nên nếu làm hết sổ đi, sau chỉ giải quyết sang nhượng chia tách, sẽ giảm nhiều nội dung công việc đấy, mà đương nhiên lúc đó hồ sơ đã có nguồn gốc nên truy suất sẽ nhanh hơn.

7. Trang thiết bị: Tôi thấy hiện các phường đều được trang bị máy tính, máy in, phần mềm bản đồ số... Không lẽ thế vẫn chưa đủ???

8. Người dân: Đương nhiên người dân không thể nắm hết mọi luật, trách nhiệm của công chức là phải hướng dẫn họ chứ! Chỉ tại công chức thích mỗi lần sửa một tí nhằm mục đích hành dân đi lại chờ đợi, phải chi phí mới được sửa, hướng dẫn 1 lần thôi.

9. 10. 11. 12. Về cơ chế, chính sách, thủ trưởng: Cuối cùng cũng dẫn đến nội dung này, cũ rích nhưng không phải nguyên nhân chính. Vì nếu vướng, sao không làm tư nhân, cơ chế thoáng, thu nhập nhìn thấy cao???? Một vài ý phản biện!

Thảo Nguyên (nguyen.thao.71109@gmail.com):

Trước hết tôi cảm ơn Dân trí nhiều lắm! Tôi đọc mục này mà như cởi được tấm lòng. Nghĩ tới quãng thời gian gia đình tôi khó nhọc đi làm sổ đỏ (đã được 2 năm) và đến nay vẫn chưa xong... mà hằng đêm tôi rơi nước mắt. Nhất là những hôm gia đình tôi đến hạn nộp tiền thuê nhà, rồi trời mưa, nhà trọ giột nước ngay trên mặt khi đang ngủ... Nghĩ tới cảnh biết bao giờ làm xong sổ đỏ để có nhà ở mà tôi thức trắng đêm!

Dân tỉnh lẻ ra ngoài này mưu sinh, mua được nhà đã khó còn bị người chủ cũ chiếm đoạt nhà, chính quyền muốn can thiệp giúp nhưng phải có sổ đỏ. Mà đi làm sổ đỏ thì lúc cán bộ bảo thiếu cái này, lúc bảo thiếu cái kia. Mỗi lần nghỉ việc để đi làm thì lại bớt lương đi, màu mè thì không biết kiếm đâu ra... Và cứ thế!

Nỗi oán giận những cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình tôi đi làm sổ đỏ cứ tăng lên... như chứa cả nỗi căm tức và thất vọng! Bởi những lý do cán bộ đưa ra với người học luật như tôi tôi thấy coi thường.

Tôi đề nghị các cơ quan chức  năng có thẩm quyền nhanh chóng can thiệp ngay nỗi bức xúc của người dân nghèo khi đi làm sổ đỏ. Chứ nhiều khi, tôi như mất hết niềm tin.
Vũ Văn Tiến (tổng hợp)