Cần nhìn nhận đúng về chất lượng giáo viên hiện nay
(Dân trí) - Vừa qua, báo Dân trí cũng như một số báo khác đăng nhiều bài bàn về chất lượng giáo viên và các vấn đề liên quan đến tiền lương và cuộc sống của người thầy hiện nay. Đấy thật sự là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Chúng ta thừa nhận rằng: sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn nghề nghiệp của học sinh phổ thông cũng như sự định hướng nghề nghiệp cho con cái mình của các bậc cha, mẹ học sinh. Xu thế chung trong việc định hướng chọn nghề hiện nay của học sinh hiện nay là các ngành kinh tế, ngân hang, tài chính và một số ngành kỹ thuật, công nghệ như điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Tuy nhiên, xu hướng trên đây chỉ xuất hiện trong những năm gần đây, khi mà chính sách chăm lo đời sống giáo viên của Đảng và Chính phủ vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ hệ trọng “trồng người” và sự cống hiến của họ cho xã hội, trong khi các ngành nghề phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế của đất nước ngày càng có thu nhập cao.
Để nhìn nhận và đánh giá đội ngũ giáo viên một cách khách quan, tôi thấy có hai vấn đề cần bàn thêm:
Thứ nhất, chúng ta có thể gọi là cảnh báo về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai vì việc tuyển sinh những năm gần đây của ngành sư phạm chưa thu hút được nhiều học sinh giỏi. Nhưng chúng ta không thể đánh đồng chất lượng giáo viên trong tương lai với chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay. Bởi vì cách đây 6-7 năm trở về trước, các ngành sư phạm luôn là những ngành “hot” và có tỉ lệ chọi cao nhất trong các kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng vì sinh viên sư phạm được hưởng chế độ ưu đãi và đời sống giáo viên khi đó so với cán bộ các ngành kinh tế chưa chênh lệch nhiều. Chính vì đặc điểm đó, chất lượng của đội ngũ giáo viên đã và đang giảng dạy hiện nay ở các cấp học, bậc học là đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt. Đặc biệt, với những giáo viên thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề, họ vẫn biết nghề giáo là nghề chịu nhiều áp lực, vất vả mà lương không bằng nhiều nghề khác, nhưng họ vẫn yêu nghề giáo và muốn thực hiện ước mơ của mình.
Ảnh minh họa (Ảnh: nld.com.vn)
Từ đó mà tôi tin rằng, cuộc sống phát triển trong tương lai lại mở đường cho việc lựa chọn các ngành học sư phạm của không ít học sinh và các bậc cha mẹ của họ.
Thứ hai, khi nói đến nghề giáo thì chúng phải nói đến sự tâm huyết, lòng yêu nghề của những Người Thầy đúng nghĩa. Vì nếu một giáo viên giỏi nhưng lại không yêu nghề, không có tâm thì nghề giáo đối với họ sẽ không phải là nghề thỏa mãn những yêu cầu mưu sinh cuộc sống của họ. Chính vì điều này đã làm cho họ hoặc là bỏ nghề để làm các công việc khác hoặc là làm người thầy giáo không có tâm và sinh ra các tệ nạn trong giáo dục. Còn một nhà giáo giỏi và có tâm thì họ sẽ luôn luôn sống được và thậm chí sống tốt dù cho mức lương mà nhà nước trả cho họ là không đủ sống.
Thực tế đã cho thấy nhiều nhà giáo giỏi không những sống tốt bằng nghề giáo mà thậm chí còn có trở nên sung túc. Kết quả đó xuất phát từ sự dạy tốt và dạy giỏi của họ và đấy là điều chính đáng. Chính vì thế giáo viên giỏi không thể là giáo viên nghèo và ngược lại.
Từ những phân tích trên đây cho thấy rằng không phải ai lựa chọn ngành nghề trong xã hội cũng luôn đặt mục tiêu về mức lương lên hàng đầu. Chính vì điều đó, có những người học sinh học rất giỏi, thậm chí giỏi toàn diện nhưng lại chọn thi một ngành nghề nào đó chưa được xã hội coi trọng, nhưng để thực hiện ước mơ của mình, kể cả việc chấp nhận thi khối C… Và nghề sư phạm cũng vậy, là một trong những nghề cao quý nhất nhưng nó chỉ thực sự cao quý khi có những người giáo viên giỏi về chuyên môn và có tâm với nghề. Đồng thời nó chỉ cao quý đúng nghĩa khi xã hội nhìn nhận đủ và đúng về ý nghĩa của nó. Chúng ta đừng vội vàng lấy thước đo đơn thuần về kinh tế để đánh giá, nhìn nhận về nghề này. Vì, nếu chúng ta làm thế thì sẽ làm méo mó ý nghĩa cao quý của nó.
Tuy nhiên, nhìn về phía xã hội, Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm nhiều hơn để chăm lo, đầu tư nhiều hơn nữa cho nền giáo dục nói chung và cho cuộc sống giáo viên nói riêng.
Vũ Thành
LTS Dân trí - Ông cha ta đã từng khẳng định một chân lý có tính trường tồn: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Làm nghề gì mà đạt tới độ “Tinh” thì cũng tìm thấy vinh dự, hạnh phúc trong nghề đó, huống chi làm nghề “Thầy” có công dạy dỗ và đào tạo lớp lớp học sinh thân yêu.
Cho nên trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nói chung, vẫn có không ít thầy cô giáo vẫn yên tâm với nghề, thường đó là những giáo viên vừa giỏi nghề vừa tâm huyết với nghề. Họ được nhiều học sinh cũng như phụ huynh của các em quý trọng và tín nhiệm, mong muốn được học thầy và được thầy phụ đạo. Thầy phải làm việc khó nhọc đấy nhưng có nguồn vui tinh thần to lớn và đời sống vật chất cũng không đến nỗi thiếu thốn, thậm chí là khá giả như bài viết trên đây đã phản ánh.
Nhưng với cách nhìn nhận khách quan, cũng phải thừa nhận một thực tế là số thầy giáo như vậy không nhiều và phải là những giáo viên dạy những môn chính yếu mà học sinh cần phải học để thi đại học hay cao đẳng.