Cần nhiều hơn nữa những cuộc đối thoại với dân
(Dân trí) - Gần đây đã có hai cuộc đối thoại của hai vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ với dân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với dân vào ngày 9/2. Hơn một tháng sau, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đối thoại với thanh niên vào ngày 25/3.
Cả hai cuộc đối thoại này đều thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận trong và ngoài nước. CTV Minh Tuấn từ Tokyo đã góp thêm cách nhìn về những cuộc đối thoại rất “gần dân” này.
Dư luận rất quan tâm đến những cuộc đối thoại này bởi vì hai điều:
Thứ nhất, đây là những cuộc đối trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với dân kể từ khi thành lập Nhà nước cách mạng năm 1945 đến nay. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thường xuyên tiếp xúc với dân, nhất là Hồ Chủ Tịch khi sinh thời. Tại các kỳ họp Quốc hội, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng thường xuyên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Nhưng đối thoại trực tiếp với dân với hình thức như vừa qua, thì quả là lần đầu tiên.
Thứ hai, dư luận rất quan tâm đến liệu có những câu hỏi “nhạy cảm” không, và trả lời của các vị lãnh đạo sẽ như thế nào, với các câu hỏi “nhạy cảm” nếu có đó.
Ngay trước khi có các cuộc đối thoại đó, các vị lãnh đạo cũng đã thẳng thắn nêu công khai rằng sẽ không ngại, không né tránh những câu hỏi “nhạy cảm”. Điều đó càng tạo thêm quan điểm “gần dân” của lãnh đạo cao cấp mà bấy lâu nay dư luận vẫn thường nói tới.
Vậy thế nào là các câu hỏi “nhạy cảm”?
Có thể thấy có 3 loại câu hỏi nhạy cảm.
Thứ nhất, là loại câu hỏi về vai trò lãnh đạo của Đảng. Những người cực đoan, thiếu thiện chí thường thích các câu hỏi về vấn đề loại này. Người ta không thấy các câu hỏi loại này xuất hiện trong các cuộc đối thoại vừa qua của các vị lãnh đạo.
Thứ hai, là loại câu hỏi về đời tư của các vị lãnh đạo. Ở các nước, thông tin về đời tư của các vị lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia thường được công khai trên báo chí, chẳng hạn thông tin về gia đình, vợ, chồng, con cái, về sở thích, thói quen.... Khi đã làm lãnh đạo, thì không nên giữ, và cũng khó giữ bí mật đời tư.
Ở nước ta, các thông tin về đời tư các vị lãnh đạo thường ít thấy trên báo chí, có lẽ vì sự khiêm tốn, hoặc thấy là không cần thiết.
Trong cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyên Tấn Dũng, Thủ tướng đã thẳng thắn trả lời câu hỏi về các con mình. Trả lời của Thủ tướng rất hay, rất thẳng thắn, đã giải tỏa được nhiều thông tin không chính xác, làm cho uy tín của Thủ tướng tăng lên cao nữa.
Thứ ba, là loại câu hỏi về việc làm thế nào để tiếp tục đưa đất nước đổi mới nhanh hơn, làm thế nào để tiếp tục hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng,,,
Loại câu hỏi này, nếu người hỏi thiếu sự chuẩn bị, hoặc chỉ dám nêu câu hỏi chung chung, không dám đụng chạm, và thiếu sự hiểu biết, thì chỉ có thể đưa ra các câu hỏi bình thường, chung chung.
Trong cuộc đối thoại của Chủ tịch nước với thanh niên ngày 25/3 vừa qua, báo chí trong nước đưa tin có một bạn trẻ hỏi “làm thế nào để quá trình cổ phần hóa không trở thành tư nhân hóa?”.
Câu hỏi này thật kỳ quặc, vì cho thấy người hỏi sợ kinh tế tư nhân. Nếu sợ kinh tế tư nhân, thì đã không có 20 năm đổi mới. Nếu sợ kinh tế tư nhân, thì đã không có đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, bởi vì tất cả các công ty nước ngoài đầu tư vào VN đều là công ty tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân đang làm ra hơn 2/3 GDP và ngân sách cho đất nước. Đại hội 10 của Đảng vừa qua cũng đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có trả lời rất hay về câu hỏi làm thế nào để thu hút nhân tài, vì nhiều du học sinh VN đã ở lại nước ngoài làm việc. “Nếu vì lý do nào đó các em chưa quay trở về để xây dựng đất nước, thì không sao đâu,,,”. Câu trả lời mộc mạc của Chủ tịch nước cho thấy Đảng đã có cách nhìn khá thông thoáng, cởi mở về các lưu học sinh ở lại nước ngoài. Và suy rộng ra, là cách nhìn thông thoáng về người Việt định cư ở nước ngoài.
Hoặc trả lời của Chủ tịch nước về lý tưởng của thanh niên, thật là đặc sắc: “Nếu như bạn chưa muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản, cũng không sao, nhưng trước hết, bạn phải yêu nước, phải là người thanh niên học tập, lao động hết mình, phải có tình yêu thương đồng bào, đồng đội..., miễn là đừng chống lại chế độ này”.
Đây là cách nhìn rất cởi mở, rất “văn hóa” về vấn đề tư tưởng, không cứng nhắc, cực đoan như trước đây. Trước đây đã từng có khẩu hiệu khá máy móc đại loại như “yêu nước là yêu Chủ nghĩa xã hội”.
Cách nói của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Đảng có cách đánh giá về tư tưởng của người VN ta quảng đại, vị tha hơn, giống với ông cha ta ngày xưa.
Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bạn Phạm Dương Quốc Tuấn đã có câu hỏi rất thẳng thắn, rất “nhạy cảm” : “Vì sao Thủ tướng lại ký Chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức? Như vậy có đi ngược lại mục tiêu tự do dân chủ mà Thủ tướng phấn đấu không?”.
Trả lời của Thủ tướng cho thấy Chính phủ cho rằng trong giai đoạn hiện nay, chỉ thị đó là cần thiết.
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Liên ở Cộng hòa liên bang Đức về thu hút nhân tài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời thẳng thắn “Không dân chủ, hay chỉ dân chủ hình thức thì không chọn được người tài”.
“Dân chủ hình thức”, tức là lời nói không đi đôi với việc làm, nói khuyến khích người ta tự ứng cử Quốc hội, nhưng rồi lại loại người ta ra.... Dư luận rất trông chờ Chính phủ sẽ cụ thể hóa câu nói này của Thủ tướng thành chính sách cụ thể, để thu hút được người tài vào bộ máy Nhà nước.
Với các nước dân chủ tiên tiến trên thế giới, như Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Đức, Singapore..thì đối thoại trực tiếp với dân là việc làm bình thường, và bắt buộc phải có của các vị lãnh đạo.
Với nước ta, đây là cách làm rất mới mẻ. Phải thấy rõ một điều là nếu không có công cuộc đổi mới mà Đảng khởi xướng cách đây hơn 20 năm, thì có lẽ sẽ chưa thể có các cuộc đối thoại rất được lòng dân vừa qua của Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, báo chí trong nước cũng đưa tin “Lãnh đạo Chính phủ sẽ thường xuyên đối thoại trực tuyến với dân”. Rõ ràng không khí dân chủ, đổi mới đang ngày càng được Đảng tăng cường thực hiện. Các vị lãnh đạo bây giờ khi tiếp xúc với dân sẽ không chỉ “nói cho dân nghe” như trước đây, mà còn “nghe dân nói”. Đó là một văn hóa rất được lòng dân.
Dư luận cũng rất mong mỏi ngày càng có nhiều cuộc đối thoại trực tuyến với dân của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước hơn nữa. Công việc này chỉ làm tăng thêm uy tín của Đảng trong dân, khẳng định mục tiêu “Do dân, vì dân”.
Người ta biết rằng giữa “nói”, và “làm” là một khoảng cách khá xa. Nhưng trước tiên hãy nói, hãy trao đổi, và đó là một động lực, một sức ép để dẫn tới “làm”. Đó chính là lợi ích thiết thực của các cuộc đối thoại với dân.
Minh Tuấn
Từ Tokyo