"Căn nhà 47 Hàng Bạc nên gọi là nhà cũ, không phải là nhà cổ"

PV

(Dân trí) - Từ sự việc xe Mercedes tông sập tường nhà 47 Hàng Bạc, nhiều độc giả cho rằng đây chỉ là nhà cũ, nên được chỉnh trang cho phù hợp hiện tại.

Rạng sáng 4/12, ô tô hiệu Mercedes do nữ tài xế B.T.L. (20 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) tông vào mạn trái nhà số 47 Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến ngôi nhà bị sập một phần tường đỡ mái hiên. Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, căn nhà này có tuổi đời hơn 100 năm, là một trong 538 ngôi nhà thuộc diện bảo tồn và thuộc nhóm những ngôi nhà cổ nhất Hà Nội còn sót lại.

Bởi giá trị văn hóa và lịch sử của ngôi nhà, sau vụ tai nạn, Ban Quản lý đã cho thu thập các viên gạch còn lành lặn từ bức tường để chuẩn bị cho việc khôi phục, tu sửa.

Trước động thái trên, nhiều người cho rằng đây là việc làm không thực sự cần thiết. Ngôi nhà trên nên được coi là "nhà cũ" thay vì "nhà cổ", và nên coi đây là dịp để chỉnh trang lại vỉa hè, quy hoạch lại "bộ mặt" phố Hàng Bạc cũng như toàn thể khu vực Phố cổ Hà Nội.

Căn nhà 47 Hàng Bạc nên gọi là nhà cũ, không phải là nhà cổ - 1

Ngôi nhà cổ bị xe Mercedes tông đổ sập tường hiên (Ảnh: Minh Nhân).

"Nhà cũ" hay "Nhà cổ"?

Bình luận dưới bài viết Tiếc nuối bức tường đầu hồi bị tông sập tại nhà 47 Hàng Bạc của Dân trí, độc giả Lap Nguyen Viet viết: "Nhà quá cũ, không an toàn, mà giá trị bảo tồn cũng chỉ là tưởng tượng hoặc ý kiến cá nhân của mấy người thôi. Cứ nhân tiện đập bỏ cho đường thông, hè thoáng".

Tương tự, anh Vũ Đức Quang bình luận: "Nói ra có thể nhiều người sẽ ném đá tôi vì quan điểm không bảo tồn di tích phố cổ, nhưng cứ thử nhìn ảnh chụp bức tường mà xem, nó nằm lấn hết vỉa hè. Theo như lời người viết bài thì một nửa là nhà vệ sinh có vòi nước. Vậy thì có còn là di tích hay đây là một cách để chiếm dụng vỉa hè?

Tôi nghĩ chắc chả ai dám đi qua đây mà ngắm nghía bức tường này cả. Vì đang đi trên vỉa hè, đến đây lại phải đi xuống lòng đường. Cái quan tâm nhất lúc này là quan sát xe cộ để đi xuống lòng đường cho an toàn. Chứ ai mà dám vừa đi dưới lòng đường vừa ngắm bức tường cổ".

Dù Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã khẳng định đây là một trong những căn nhà cổ nhất Hà Nội còn sót lại nhưng nhiều độc giả lại thẳng thắn chỉ ra rằng đây thực chất chỉ là "nhà cũ", đã trải qua nhiều lần tu sửa và không còn nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử. Do đó, cần thiết phải quy hoạch lại khu vực này nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, tránh tình trạng nhếch nhác, lấn chiếm vỉa hè, thậm chí cả lòng đường.

"Cần phải nghiên cứu xem ngôi nhà này ngoài yếu tố thời gian xây dựng và tồn tại của nó ra từ năm 1880 đến nay, nó còn có yếu tố độc đáo nào về kiến trúc, kết cấu, vật liệu hoặc gắn với nhân vật lịch sử hay chỉ thuần túy là một ngôi nhà cũ. Nếu chỉ là một ngôi nhà cũ thì cũng cần mạnh dạn thay cũ đổi mới cho khang trang đường phố Thủ đô", anh Nguyễn Hồng Dũng phân tích.

Đưa ra phép so sánh đơn giản, độc giả Minh Sơn bình luận: "Căn nhà này nên gọi là nhà cũ, chứ không phải nhà cổ. Thật ra Hà Nội không có phố cổ mà chỉ có phố cũ. Nhiều căn nhà chỉ là nhà cũ, chứ không như ở Hội An".

Căn nhà 47 Hàng Bạc nên gọi là nhà cũ, không phải là nhà cổ - 2

Căn nhà 47 Hàng Bạc có phần mặt tiền đua sát ra lòng đường. Ảnh chụp sau khi đoạn tường sập đã được dựng rào tôn, gia cố (Ảnh: Ngọc Tân).

"Làm gì còn cái gì xưa cũ đâu mà tiếc với nuối, chỉ thấy nó chắp vá, cổ không ra cổ mà hiện đại thì nhếch nhác. Trong cái rủi có cái may vì sửa sang lại sẽ sạch sẽ, khang trang hơn", thêm một ý kiến góp ý tới từ độc giả Hiếu Thiên.

Cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng của ngôi nhà và các vấn đề dân sinh liên quan, người dùng Hải Thịnh đánh giá: "Nhà cổ, phố cổ Hà Nội hiện tại chỉ là lý thuyết. Bên trong hỏng hết, người ở họ cũng làm lại rồi, chỉ cố giữ cái mặt tiền mà thôi. Nhà nước cũng không có biện pháp nào cả vì đất thì đắt, di dân đền bù thì dân không chịu đi với lý do đến chỗ mới họ không kiếm tiền bằng chỗ hiện tại nên không có phương án bảo tồn tổng thể được.

Muốn giữ gìn, bảo tồn thì phải mua đứt lại của dân rồi phục dựng, quy hoạch, nhưng việc này khó mà làm được vì tiền chỉ là một yếu tố nhỏ đối với một số người ở khu vực này. Người nghèo hơn thì họ sống chật chội nhưng bù lại họ ra khỏi nhà là kiếm được tiền do buôn bán dễ".

"Có lý do chính đáng để chỉnh trang mặt phố. Một cái tường rất xấu lấn ra đường và một cái nhà vệ sinh ngay trên hè phố, có gì trong đó mà bảo tồn", "Đừng mãi nuối tiếc với quá khứ, thật ra nó đã xuống cấp và công năng hữu dụng không cao", "Nhân cơ hội này phá bỏ là hợp lý, một phần sửa lại vỉa hè cho thông thoáng, phần còn lại làm nhà lưu niệm. Được cả đôi đường mà lại giảm chi phí"… nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ sự đồng tình về việc nên làm mới, quy hoạch lại căn nhà này cũng như khu vực xung quanh.

Giải pháp nào để bảo tồn di tích?

Bên cạnh ý kiến ủng hộ việc chỉnh trang lại ngôi nhà 47 Hàng Bạc, chủ tài khoản Bean còn hiến kế để Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội có thể tối ưu hóa những giá trị về văn hóa mà ngôi nhà này có thể mang lại.

Bình luận sau khi theo dõi thông tin, người dùng này viết: "Vừa mất mỹ quan, vừa mất an toàn, cản trở giao thông. Căn nhà này đã bị 6 hộ thay đổi, đâu còn nguyên vẹn mà khôi phục cái bức tường, gian nhà xấu xí, gây mất an toàn giao thông này. Tốt nhất đập bỏ toàn bộ phần trên vỉa hè chưa cơi nới, vẽ lại toàn bộ căn nhà cổ mô hình 3D bảo tàng kỹ thuật số. Nếu khôi phục thì nên di chuyển toàn bộ 6 hộ đang ở đi, đập hết, xây lại như cũ làm nhà bảo tàng nhưng thu nhỏ để không nhô ra chiếm vỉa hè".

Ở chiều ngược lại, anh Xuan Binh Vu, một người có tuổi thơ gắn liền với con phố Hàng Bạc, lại phản đối những ý kiến ủng hộ việc đập bỏ hay quy hoạch lại kiến trúc của căn nhà. Gợi lại những ký ức của bản thân về Hà Nội xưa, độc giả này bình luận: "Tôi thực sự không hiểu, một số vị lại đòi phá bỏ ngôi nhà còn lại duy nhất còn giữ hình hài của phố cổ với mái ngói lô xô. Hiện những người đang ở đó lại không phải chủ sở hữu về mặt pháp lý của ngôi nhà nên việc di chuyển thực sự là vấn đề khó với các cấp chính quyền.

Ngày trước, không chỉ nhà 47 không có vỉa hè mà còn nhiều nhà khác, đó chính là lịch sử con phố này từ trước khi thực dân Pháp xâm lược. Hiện ngoài nhà 47, còn các nhà số 31 và 83 cũng nhô ra ngoài, trước đây nếu như tôi nhớ không nhầm còn là nhà số 71.

Cách đó đúng một nhà là nhà số 51 cũng đã được BQL phố cổ cho sửa mặt trước để duy trì mặt nhà cũ. Bởi vậy, trên toàn phố Hàng Bạc còn chưa đếm đủ đầu ngón tay những ngôi nhà còn giữ được hình hài mái ngói vảy cá. Rất tiếc và rất tiếc khi nguyên trạng bị phá hỏng, nơi đó cần phải lưu giữ. Đây không chỉ là di sản chung của tất cả mọi người mà còn là tình cảm và ký ức yêu thương của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên con phố này như tôi!".

Hoàng Diệu (tổng hợp)