Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

Cần kịp thời biểu dương những tấm gương tốt

(Dân trí) - Trong một ngôi nhà, rợp bóng cây trên phố Đội Cấn, ông Vũ Oanh, nguyên UV Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam dành cho chúng tôi những suy nghĩ sâu sắc, thực tế về Cuộc vận động Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

"Công việc trên đây là rất to lớn"

Hồ Chủ tịch đã được nhân dân thế giới tôn vinh là anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới. Mọi dân tộc yêu chuộng độc lập tự do, mọi nhà hoạt động chính trị tiến bộ trên thế giới, mọi nhà trí thức khoa học có lương tâm, có nhân cách, đông đảo nhân dân lao động có hiểu biết trên thế giới đều thấy ở Hồ Chủ tịch người bạn thân thiết yêu quý và noi theo gương yêu nước thương dân của Người. Hồ Chủ tịch đã và sẽ còn góp phần thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình và hữu nghị giữa các nước tiến bộ trên thế giới.

Trung ương Đảng phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chủ tịch. Nếu tiến hành tốt cuộc vận động này, tôi tin rằng, Đảng và nhân dân sẽ giữ gìn và phát huy được truyền thống văn hiến, anh hùng của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để cuộc vận động đạt được kết quả, tôi nghĩ trước hết Ban chỉ đạo cần thường xuyên sơ kết và kịp thời biểu dương, phổ biến những tấm gương tốt những sáng kiến hay. Các tổ chức Đảng, cơ quan, đoàn thể cần nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn của Ban chỉ đạo.

Theo ý tôi, bên cạnh việc nhận thức đầy đủ, có nhiệt tình cao, chịu suy nghĩ tìm tòi cách làm tốt, cuộc vận động này cần phải nhận thức về tầm rộng lớn, gian khổ, lâu dài của sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, hiện đại, văn minh và cần phải quán triệt những lời Hồ Chủ tịch đã nói về xây dựng đất nước trong di chúc của Người.

"Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu KHỔNG LỒ này cần động viện toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân" (Di chúc Hồ Chủ tịch, NXB CTQG trang 43).

Đạo đức Bác Hồ là đạo đức hành động

Đạo đức của Hồ Chủ tịch là đạo đức hành động, đạo đức lời nói đi đôi với việc làm. Đạo đức ham muốn tột bực làm cho nước được độc lập, dân được tự do, mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đạo đức sống cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Hồ Chủ tịch nêu tấm gương đạo đức chung cho mọi người. Hồ Chủ tịch cũng có những chỉ giáo về đạo đức và hành động đối với các đối tượng thuộc các ngành, các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Để cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chủ tịch đem lại kết quả, quan trọng là từng ngành, từng đối tượng, từng chức vụ, chức trách nắm vững những điều chỉ dẫn của Hồ Chủ tịch là phải làm bằng được việc cụ thể đúng với chức trách nhiệm vụ hoạt động thực tiễn của mình. Thường xuyên kiểm điểm, việc làm đúng cần phát huy, việc làm sai cần sửa kịp thời.

Trong đấu tranh giành độc lập thống nhất, làm theo đạo đức của Hồ Chủ tịch là không sợ gian khổ hy sinh, quyết liệt chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược. Trong xây dựng đất nước, làm theo đạo đức của Hồ Chủ tịch là làm sao để, nước được độc lập, dân được tự do, mọi người dân đều có cơm ăn áo mặc, đều được học hành, phải coi quan liệu, tham nhũng, lãnh phí là kẻ thù  nội xâm, phải chống đến cùng, phải quét sạch nó đi.

Phải xây dựng đạo đức làm người đảng viên, công dân, cán bộ, công nhân viên chức ưu tú, học tập chuyên cần, làm việc sáng tạo, sống theo pháp luật, sống có văn hóa, có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội cao. Phải lao động có sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để mưu hạnh phúc cho mình và cống hiến nhiều cho cộng đồng, cho xã hội.

Thương người như thể thương thân, biết đền ơn đáp nghĩa với những người hy sinh xương máu cho Tổ quốc và có công với nước, với dân. Phải quyết liệt chống lại mọi hành động vô trách nhiệm với cộng đồng với xã hội không làm những việc chỉ có lợi cho mình nhưng có hại cho người khác, có hại cho cộng đồng cho xã hội cho đất nước.

Phúc Hưng (ghi)