Cần khôi phục các trò chơi dân gian
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện đại là sự xuất hiện ngày càng nhiều trò chơi mang tính bạo lực. Những trò chơi dân gian mang đậm tính nhân văn và truyền thống dân tộc đang ngày càng bị mai một dần.
Ngày xưa cứ sau mỗi khi giải lao, học sinh cứ tụm năm, tụm ba cùng nhau chơi những trò chơi dân gian như: Đánh chuyền, nhảy giây, đá cầu, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, đuổi chuột… Những trò chơi không đòi hỏi tốn nhiều thời gian chuẩn bị, không ảnh hưởng đến kinh tế và không làm ảnh hưởng nhiều đến thị lực, sức khoẻ. Chỉ cần vài chiếc que, ít hòn đá cuội và khoảng thời gian nho nhỏ, có thể tổ chức được một trò chơi dân gian.
Những trò chơi dân gian ngoài phù hợp với sở thích, tâm lý, lứa tuổi tăng sự hưng phấn trong lao động sản xuất, nó còn đòi hỏi sự khéo léo, sự thông minh, kỹ năng dẻo dai của bàn tay, đôi chân. Các trò chơi dân gian cuốn hút mọi người, mọi lứa tuổi có khi chơi mãi không chán.
Ngoài tác dụng giải trí, nâng cao thể lực, trò chơi dân gian còn phản ảnh rõ nét văn hoá truyền thống Việt Nam - một nền văn hoá độc đáo và giàu bản sắc, củng cố, bồi đắp thêm tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình và quê hương, đất nước. Từ những trò chơi đó, câu hát đồng giao và cả những lời hát ru của bà, của mẹ đó theo các em suốt cuộc đời...
Ngày nay trước các cổng trường hiện lên những quán internet với những trò chơi điện tử và cả phim bạo lực, phim khiêu dâm… khêu gợi tính hiếu thắng và cả sự tò mò muốn khám phá của con trẻ, nhất là con trai. Các trò chơi này đang cuốn hút học sinh. Không ít thanh niên quên ăn, quên ngủ, bỏ cả học hành.
Không có sự quản lý của các các cấp, các ngành chức năng, các trò chơi mang tính chất xấu đang kìm hãm sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của thế hệ trẻ. Trong lúc đó, tại các nhà trường sau mỗi tiết học là khoảng trống nghỉ ngơi, không có hoặc ít có nơi tổ chức trò chơi giải trí giữa giờ.
Các lễ hội ngoài văn nghệ, thể thao mà bóng đá, bóng chuyền là chủ công, các trò chơi dân gian hay trò chơi cổ truyền dân tộc cũng ít được đưa vào thi đấu. Và, nếu có tổ chức thi đấu thì giải thuởng cũng không đáng kể làm cho ít nguời tham gia, càng làm cho không khí lẽ hội kém vui với nhiều lứa tuổi nhất là bậc trung niên, người già và phụ nữ.
Chúng ta đang xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thiết nghĩ ngoài sự đầu tư lớn của Nhà nước cho những môn thể thao vua, thì cũng cần nghiên cứu đầu tư nhằm khôi phục lại các trò chơi dân gian; Các trường học cần tổ chức lại các trò chơi dân gian sau mỗi tiết học giải lao vừa tạo sự sảng khoái cho học sinh nhưng lại mang tính giáo dục sâu sắc đối với con trẻ.
Bên cạnh đó, tại các lễ hội ngoài phần lễ trang nghiêm, phần hội nên dành nhiều trò chơi dân gian. Ban tổ chức các lễ hội cần làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí để tổ chức nhiều trò chơi đặc sắc của dân tộc.
Làm được như vậy lễ hội thêm đa dạng, phong phú, vui tươi và không kém phần sôi nổi, hào hứng…
Phùng Văn Mùi