Cần đổi mới giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường
(Dân trí) - Sắp đến kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào CĐ – ĐH, hàng triệu học sinh đang phải lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình. Lúc này, công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường cần được quan tâm hơn lúc nào hết.
Tại ngày hội “Hành trang sĩ tử” của Hội SV ĐH Kinh tế Quốc dân, Ban tổ chức (BTC) có sáng kiến cung cấp thông tin điểm chuẩn trong 3 năm gần đây của các ngành học phổ biến của các trường ĐH để HS vừa biết được mã ngành đào tạo, vừa tự lượng sức mình trước khi “vượt Vũ Môn”. Tuy nhiên, tại buổi giao lưu, nhiều câu hỏi xung quanh khâu tuyển sinh cho thấy các bạn HS vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc rất cần được giải đáp.
Công tác hướng nghiệp có vai trò giúp HS có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, lựa chọn con đường lập nghiệp sau khi học xong phổ thông. Thời gian qua, tình trạng thừa thầy thiếu thợ, mất cân đối trong cán cân nhân lực xã hội, tình trạng đào tạo tràn lan mà sinh viên ra trường không có việc làm gây nhiều hệ luỵ cho thấy khâu hướng nghiệp trong nhà trường chưa hoàn thành “sứ mệnh”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hầu hết HS lớp 9 đều học lên THPT. Năm 2010, có 5.000 tốt nghiệp THCS không học lên THPT mà đăng kí học nghề và THCN. HS THPT được 81 tiết hướng nghiệp trong 3 năm. Bộ GD – ĐT đã có tài liệu hướng nghiệp cho giáo viên. Tuy nhiên, các giáo viên không phải là chuyên gia về nghề, nên việc hướng nghiệp chủ yếu là lí thuyết, phương pháp chưa hấp dẫn, nên ít có tác dụng.
Em Hoàng Minh Đức, lớp 12C5 trường THPT Cửa Lò cho biết: “Bọn em chọn nghề thường theo thông tin từ thực tế, báo chí. Thấy ngành nghề nào dễ xin việc, có thu nhập cao thì đăng kí...”.
Công tác hướng nghiệp có vai trò giúp HS có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, lựa chọn con đường lập nghiệp sau khi học xong phổ thông
Hiện nay, những HS giỏi thường có xu hướng chọn những ngành học có tương lai "dễ chịu" như tài chính, kế toán, ngân hàng, y dược, ngoại giao…mà ít lựa chọn các ngành kĩ thuật, địa chất, nông nghiệp…Ngành sư phạm, vốn được xem là “nghề cao quý”, song sức hấp dẫn ngày càng giảm sút. Năm học 2009 – 2010, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có hơn 600 HS khối 12, nhưng chỉ có duy nhất 1 hồ sơ thi vào trường sư phạm.
Công tác dạy nghề trong trường phổ thông đã bị biến tướng thành một hình thức “phao cứu sinh” (cộng điểm khuyến khích) trong kì thi tốt nghiệp. Vì vậy, hầu như không có tác dụng đối với giáo dục hướng nghiệp, thậm chí còn theo hướng tiêu cực. Hạn chế cơ bản của giáo dục hướng nghiệp hiện nay là chưa được các trường quan tâm đúng mức, vẫn đang bị xem là một khâu có tính chất “tích hợp”, một việc làm kết hợp chứ chưa phải là nhiệm vụ trọng tâm.
Tuy nhiên, nếu cho rằng mọi bất cập trong đào tạo hiện nay đều do khâu hướng nghiệp là không thoả đáng. Hướng nghiệp chỉ là một khâu trong hệ thống giáo dục.
Để công tác đào tạo nhân lực đi đúng hướng, có tác động tích cực đến nền kinh tế - xã hội thì cần đổi mới cả hệ thống giáo dục. Trong đó, giáo dục hướng nghiệp cần được đầu tư mạnh mẽ về nhân lực, kinh phí, đổi mới cả về nội dung và phương pháp...
Trần Quang Đại
(Hà Tĩnh)
LTS Dân trí - Tình hình hướng nghiệp ở nhà trường phổ thông hiện nay được bài viết trên đây phản ảnh khá đầy đủ nhiều mặt bất cập. Vì vậy, hầu như ít đem lại tác dụng, cho nên học sinh phải tự mày mò tìm hướng đi cho mình và nhiều khi chỉ là cảm tính, không đúng với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cũng như không đúng năng lực và sở trường của bản thân.
Điều quan trọng của giáo dục hướng nghiệp là cần nâng cao tính thiết thực, tránh sự giáo điều chung chung mà phải gắn với ngành nghề mà địa phương cũng như xã hội đang cần.
Nên tăng cường việc mời các cơ sở sản xuất cũng như các doanh nghiêp đang cần tuyển dụng lao động có nghề đến nói chuyện và tổ chức cho học sinh đến tham quan các khu công nghiệp. Từ đó tạo ra hứng thú cho các em trong việc chọn nghề sao cho thích hợp để lập thân lập nghiệp sau này.