Cần đánh giá toàn diện để cấp bằng tốt nghiệp THPT
(Dân trí) - Có nhiều ý kiến tham gia Diễn đàn Dân trí đề nghị bỏ kỳ thi Tốt nghiệp THPT hiện nay vì không phản ánh đúng chất lượng học sinh, nặng nề và tốn kém. Đấy là những kiến nghị tâm huyết và có căn cứ thực tiễn.
Chính cách đánh giá phiến diện đó về sự “trưởng thành” của một thanh niên 18 tuổi trong nhà trường xã hội chủ nghĩa hiện tại đã dẫn đến nhiều hệ luỵ. Mà lẽ ra, một thanh niên sau 12 năm học cần được đánh giá một cách toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ. Bốn phẩm chất này tạo nên một con người có đủ những phẩm chất cần thiết, nếu ta chỉ đánh giá một học sinh ra đời chỉ bằng kỳ thi 6 môn văn hoá là rất lệch lạc. Nếu chẳng may "thi hỏng" thì 12 năm học là "xôi hỏng bỏng không", "đổ xuống sông, xuống biển", người học sinh không có một chứng chỉ nào để vào đời và tiếp bước học lên bằng nhiều cách khác nhau.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn |
Một lý do rất đơn giản: sau 12 năm học, một thanh niên 18 tuổi ra đời phải trở thành một công dân có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Vì vậy, bằng tốt nghiệp phổ thông là cái đích các em phải đạt, cho nên mọi cái gì ngăn cản đến đích là các em không ngại gạt bỏ. Từ đó mà kỳ thi trở nên nặng nề và đầy rẫy sự "đối phó", ai cũng thấy rõ điều đó và luôn trăn trở về sự thật phũ phàng đó nhưng chưa có cách tháo gỡ đúng đắn.
Tôi nghĩ, chúng ta cần phải làm một cuộc cách mạng trong cách đánh giá học sinh "tốt nghiệp phổ thông".
1. Dựa vào kết quả học tập và rèn luyện toàn diện của học sinh trong 3 cấp học: tiểu học, THCS, THPT, đặc biệt là cấp THPT. Nếu một học sinh được xếp loại văn hoá trung bình, 3 mặt còn lại xếp loại từ khá trở lên đều được công nhận tốt nghiệp phổ thông và được Sở Giáo dục - Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp.
(nguồn ảnh: internet)
2. Với chứng nhận Tốt nghiệp Phổ thông, học sinh ra đời có thể đăng ký vào các trường Nghề, Công nghiệp - Kỹ thuật, trung cấp chuyên nghiệp không phải thi.
3. Tổ chức một kỳ thi văn hoá đơn thuần 6 môn như hiện nay hoặc các môn phân Ban : A,B,C,D cho những học sinh có nguyện vọng thi vào cao đẳng, đại học. Kết quả kỳ thi văn hoá này sẽ giúp cho các trường cao đẳng, đại học sơ tuyển hoặc đến một thời gian việc tổ chức thi, kết quả thi thực sự tin cậy thì có thể lấy làm căn cứ tuyển vào cao đẳng, đại học. Lúc đó có thể bỏ kỳ thi cao đẳng, đại học, chỉ còn một kỳ thi văn hoá phân luồng này thôi.
Việc thay đồi cách đánh giá Tốt nghiệp Phổ thông như thế này có mấy điều lợi:
a. Đánh giá học sinh một cách toàn diện, nhà trường và học sinh phải phấn đấu toàn diện, không chỉ dựa vào mấy môn Văn hoá để đánh giá một con người trưởng thành.
b. Sẽ có cuộc cách mạng thực sự về giáo dục nhân cách và thay đổi cách dạy và cách học hiện nay. "Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực" trở thành đích đến của ngành giáo dục đào tạo.
c. Việc "phân luồng" học sinh sau bậc phổ thông sẽ thực hiện được một cách rõ ràng. Những học sinh trung bình sẽ tích cực đi học nghề, những học sinh có năng lực học tập sẽ cố gắng thi lên bậc cao đẳng, đại học.
Từ đó kỳ thi tốt nghiệp không còn căng thẳng, nặng nề và "giả" như hiện nay và tỉ lệ đỗ không còn là nỗi "vừa mừng vừa lo" của những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục.
Một vài điều tâm huyết và trăn trở với một người đã “sống chết” với công việc thi cử suốt 30 năm qua, mong sẽ được các đồng nghiệp và các bạn quan tâm góp ý.
Phan Đăng Hùng
Hội Khuyến học Việt Nam
LTS Dân trí - Ý kiến của tác giả bài viết trên đây cũng như nhiều ý kiến đã tham gia Diễn đàn bàn về chủ đề này, đều gặp nhau ở điểm quan trọng là cần thay đổi về cơ bản cách đánh giá phiến diện và không chính xác của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tồn tại mấy chục năm qua. Đấy là cách đánh giá rất hình thức, vừa kồng kềnh, tốn kém, lại không phản ánh đúng thực chất trình độ văn hóa của mỗi thí sinh, chưa nói đến đạo đức, nhân cách.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, mà thay bằng sự đánh giá toàn diện và liên tục quá trình học tập và rèn luyện của mỗi học sinh trong suốt 3 năm học THPT, nhất là lớp 12. Như vậy là chỉ bỏ kỳ thi tốt nghiệp, còn vẫn giữ các kỳ thi học kỳ cũng như chế độ kiểm tra thường xuyên (15 phút và 1 tiết). Như vậy không sợ học sinh sẽ lười học vì không chịu sức ép của thi cử.
Ngoài ra, vẫn cần duy trì kỳ thi đại học và cao đẳng để tuyển chọn sinh viên theo đúng nhu cầu và tiêu chuẩn của các ngành nghề khác nhau.
Đấy là kiến nghị hợp lý cần được các cơ quan có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét kỹ lưỡng để đi tới quyết định cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng thi cử không thực chất và gây nhiều lãng phí, tốn kém như các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm vừa qua.