Cần bổ sung cho Nghị quyết 32

Nói chung dư luận nhân dân đều hoan nghênh Nghị quyết số 32/ 2007/ NQ- CP, ngày 29/6/2007 của Chính phủ, về bảy giải pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).

Nhất là biện pháp thu hồi giấy phép lái xe khách không thời hạn - khi lái xe gây tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, hoặc chở quá 100 % số khách quy định, hoặc nghiện ma tuý; biện pháp kiểm tra đột xuất sức khoẻ lái xe (thuộc giải pháp thứ năm) và kiện toàn tổ

 

Tuy vậy theo chúng tôi, vẫn còn những điều cần bổ sung cho Nghị quyết số 32, đề nghị cấp trên xem xét, điều chỉnh để nâng cao hơn nữa hiệu quả  thực hiện Nghị quyết quan trọng đó:

 

Một là, lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ chưa thể hiện rõ vai trò của mình. Trong khi đó, chủ yếu những vi phạm về “giao thông tĩnh” cũng làm mất ATGT như đậu, dừng xe trái phép; lấy trộm hoặc phá hoại biển báo hiệu, rào ray, gương cầu lồi; phơi rơm rạ trên quốc lộ… là thuộc nhiệm vụ Thanh tra giao thông tuần tra phát hiện, xử lý.

 

Hai là, công việc thẩm định ATGT vô cùng quan trọng (từ giai đoạn lập dự án, thiết kế đến giai đoạn thi công và khai thác các công trình cầu đường)- là cái gốc của vấn đề triệt tiêu các “điểm đen” TNGT. Song cả bảy giải pháp ATGT đều không đề cập đến công việc này.

 

Ba là, UBND các cấp chỉ có thể chỉ đạo, giải toả các điểm hành lang an toàn (HLAT) đường bộ bị lấn chiếm, trên cơ sở nhận bàn giao các cọc mốc lộ giới (để xác định phạm vi HLAT) và bản vẽ hiện trạng HLAT của cơ quan Quản lý Đường bộ (thuộc ngành Giao thông vận tải). Tuy nhiên, các giải pháp ATGT lại không nêu đến vấn đề mốc lộ giới, cũng như bản vẽ hiện trạng HLAT.

          

Bốn là, biện pháp tách làn đường xe bốn bánh với làn đường xe hai bánh, hoặc làm gờ giảm tốc (thuộc giải pháp thứ ba) bị lạm dụng. Bởi vì thành phần phương tiện giao thông đường bộ nước ta hiện nay, chủ yếu vẫn là xe hai bánh (mô tô, xe gắn máy). Nếu tách làn, sẽ xảy ra tình trạng làn đường xe bốn bánh “xông xênh”, làn đường xe hai bánh chen chúc nhau như nêm cối- hậu quả dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông. Vì vậy chỉ nên tổ chức tách làn đường trong trường hợp thật cần thiết và bằng hệ thống dải phân cách cố định (như tuyến phố Tôn Đức Thắng ở TP Hồ Chí Minh). Còn muốn làm gờ giảm tốc thì Bộ Xây dựng phải chủ trì (phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Công an…) ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN hoặc TCN) trước đã.

 

Năm là, vì mật độ người điều khiển mô tô, xe gắn máy ngày càng đông, nên số vụ TNGT liên quan đến đối tượng này rất nhiều. Vậy mà còn phổ biến tình trạng mô tô, xe gắn máy chưa bảo đảm thiết bị kỹ thuật ATGT (chẳng có gương chiếu hậu, đèn xi- nhan)- cần tích cực xử lý, mà không được nêu trong giải pháp quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông (giải pháp thứ tư).                                                                                          

                                                                                    

Nguyễn Thành Lập

(Hà Nội)

 

LTS: Nghị quyết số 32 của Chính phủ về các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông mới được ban hành nhằm khắc phục tình trạng tai nạn giao thông vẫn tiếp tục xảy ra nghiêm trọng ở hầu khắp các địa  phương. Quan tâm nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết cho hoàn thiện hơn, nhất là nghiêm túc thực hiện Nghị quyết để ngăn chạn tai nạn giao thông là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người công dân.

 

Tác giả Nguyễn Thành Lập viết ý kiến đóng góp trên đây với ý thức trách nhiệm đó. Ban Biên tập báo Điện tử Dân trí hoan nghênh nhiệt tình đóng góp của ban và xin trân trọng chuyển những ý kiến này lên cấp trên xem xét và vận dụng thích hợp vào việc hoàn thiện Nghị quyết 32.