Cán bộ "sách nhiễu" không tuân thủ quy định của chính phủ về thi hành luật đất đai

(Dân trí)- Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức vẫn có những hành vi sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho người dân khi đi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc.

Cán bộ "sách nhiễu" không tuân thủ quy định của chính phủ về thi hành luật đất đai - 1
Luật sư Nguyễn Hồng Bách trao đổi với PV Dân trí.

Vậy, pháp luật hiện nay quy định các hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Biện pháp nào được cho là hữu hiệu để “điều trị” căn bệnh trên. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) về vấn đề nổi cộm này.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết: Theo quy định tại khoản 2 Điều 175 Nghị định số 181/2004/NĐ – CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, những hành vi:

a) Không nhận hồ sơ đã hợp lệ, đầy đủ, không hướng dẫn cụ thể khi tiếp nhận hồ sơ, gây phiền hà đối với người nộp hồ sơ, nhận hồ sơ mà không ghi vào sổ theo dõi;

b) Tự đặt ra các thủ tục hành chính ngoài quy định chung, gây phiền hà đối với người xin làm các thủ tục hành chính;

c) Giải quyết thủ tục hành chính không đúng trình tự quy định, trì hoãn việc giao các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền ký cho người xin làm thủ tục hành chính;

d) Giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ so với thời hạn quy định;

đ) Từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật đã đủ điều kiện để thực hiện;

e) Thực hiện thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền;

g) Quyết định, ghi ý kiến hoặc xác nhận vào hồ sơ không đúng quy định gây thiệt hại hoặc tạo điều kiện cho người xin làm thủ tục hành chính gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân;

h) Làm mất, làm hư hại, làm sai lệch nội dung hồ sơ.

Là những hành vi vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất.  Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cán bộ công chức có những hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc buộc thôi việc.

PV: Nếu người dân có đầy đủ bằng chứng về việc bị cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu thì họ phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Theo quy định tại Điều 144 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 180 Nghị định số 181/2004/NĐ - CP: Tổ chức, công dân khi phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai có quyền và trách nhiệm chuyển phát hiện, kiến nghị của mình đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết cụ thể như sau:

Đối với vi phạm của cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn thì gửi kiến nghị đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

Đối với những vi phạm của công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai cấp nào thì gửi kiến nghị đến thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai cấp đó;

Đối với vi phạm của thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai thì gửi kiến nghị đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Trong thời hạn không quá mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai nêu trên có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo cho người có kiến nghị biết.

Đồng thời, người kiến nghị có thể gửi phát hiện, kiến nghị của mình đến các cơ quan thông tấn, báo chí; các cơ quan thông tấn, báo chí xem xét việc công bố công khai phát hiện, kiến nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Do đó, người dân nên biết các quy định như trên để làm trong sạch bộ máy quản lý hành chính nhà nước và góp phần cải cách thủ tục hành chính.

PV: Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu đối với người xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà và biện pháp khắc phục?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Theo tôi thực trạng này là do nhiều nguyên nhân như: Thủ tục hành chính còn phức tạp, chưa thật sự theo kịp các yêu cầu thực tiễn; nhận thức và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa đúng, thậm chí là suy thoái về phẩm chất, gây phiền hà, sách nhiễu người dân để “vòi tiền”.

Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần phải tiếp tục đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính; giáo dục nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm, phẩm chất vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Tăng cường sự minh bạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát (của các cơ quan chức năng và của nhân dân) đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính của các cơ quan và cán bộ, công chức, xử lý thật nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Quy định cụ thể hơn nữa về các hành gây phiền hà, sách nhiễu người dân, với các chế tài cần nghiêm khắc hơn, để ngăn ngừa vi phạm; xác định trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, cũng như trong việc không giải quyết hoặc giải quyết không đúng các khiếu nại, kiến nghị của người dân thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Vũ Văn Tiến (thực hiện)