Cần bịt “lỗ hổng” trong chính sách sử dụng đất đai

(Dân trí) - Ở Hà Nội cũng như nhiều TP đang mở rộng, thường điều chỉnh tăng giá đất phi nông nghiệp, còn giá đền bù đất nông nghiệp thì thay đổi rất ít. Điều đó tạo ra “lỗ hổng” cho các thủ đoạn tham nhũng khi chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất nông nghiệp.

Các cơ quan hữu trách trong công việc này thường đánh đổ đồng đất nông nghiệp thuần tuý-bất di bất dịch trong quy hoạch ổn định lâu dài, với đất nông nghiệp nằm tại địa bàn các phường (thuộc nội thành) theo quy hoạch chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp.

 

Đó chính là một lỗ hổng rất lớn, tạo điều kiện, cơ hội cho những “nhóm lợi ích” hoành hành và tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bởi vì khi đang còn là diện tích đất nông nghiệp, thì chủ các dự án chỉ phải chi trả 1 khoản tiền gọi là bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng với giá “bèo bọt”. Nhưng khi đã chuyển đổi xong-thành diện tích mặt bằng đất phi nông nghiệp, chủ các dự án sẽ có giá đất tăng cao phi mã gấp mấy trăm lần giá đất đền bù. Do siêu lợi nhuận như vậy, các chủ những dự án sẵn sàng tiêu cực (đem phong bì, phong bao VND, USD)… “chạy” từ cơ quan quy hoạch kiến trúc, địa chính, đến các cấp chính quyền địa phương để được “bật đèn xanh” địa điểm đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh trên mặt bằng diện tích đất nông nghiệp biến thành đất phi nông nghiệp, kể cả ở tại địa bàn các phường thuộc nội thành Hà Nội. Và rút cục chỉ những người dân mất ruộng bị thiệt hại.

 

Để bịt lỗ hổng nêu trên, góp phần hạn chế tham nhũng, hiện nay các cơ quan chức năng đang “thai nghén” chủ trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định đấu thầu giá đất nông nghiệp thay thế Nghị định đền bù đất nông nghiệp hiện hành, được dư luận nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình. Có thể nói đây là một “cuộc cách mạng” về chính sách sử dụng đất nông nghiệp-nếu như Nghị định này ra đời và đi vào cuộc sống.

 

Tuy nhiên khi ban hành Nghị định đấu giá đất nông nghiệp, trong nội dung (chương, điều, khoản, mục) cần quy định thật rõ ràng, cụ thể, tránh những sơ hở để người ta vận dụng tùy tiện và tiếp tụv lợi dụng để tham nhũng  khi triển khai và thực hiện chính sách mới.
 
Cần bịt “lỗ hổng” trong chính sách sử dụng đất đai - 1

(Nguồn ảnh: Internet)

 

Tôi xin mạnh dạn nêu 3 kiến nghị về Nghị định này:

 

Thứ nhất, ngoài những dự án kinh doanh (như các khu chế xuất, các khu nhà chung cư cao cấp…) phải thực hiện Nghị định đấu giá đất nông nghiệp ra; các dự án khác không thuộc công trình quốc phòng, an ninh, công trình công cộng (chẳng hạn dự án đội lốt “khu công viên công nghệ cao”, dự án xây dựng trường đại học dân lập…) cũng phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

 

Kể cả quy định mới của UBND thành phố Hà Nội nhằm triệt tiêu nhà siêu mỏng, siêu méo, khi giải phóng mặt bằng làm đường phố-sẽ giải phóng sâu thêm 50 m suốt dọc theo chiều dài 2 bên “chỉ giới đường đỏ”. Vậy toàn bộ phần diện tích đất giải phóng sâu thêm 50 m-ngoài phạm vi vỉa hè đường phố (không phải công trình công cộng), nếu thuộc đất nông nghiệp-cũng phải tiến hành đấu giá.

 

Hoặc dự án làm đường giao thông theo hình thức BOT (đầu tư, khai thác thu phí, hoàn vốn, có lãi và chuyển giao), cũng phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị đinh đấu giá đất nông nghiệp.

 

Thứ hai, đối với những mặt bằng diện tích đất nông nghiệp “mi-ni” dưới 300 m2, đơn lẻ, xen kẹt, không có trong dự án nào, thuộc địa bàn các phường (nội thành), thì chỉ làm thủ tục chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp cho người chính chủ đất. Và dĩ nhiên người chính chủ đất sẽ nộp 1 khoản lệ phí phù hợp mà không phải đấu giá đất nông nghiệp.

 

Thứ ba, sau thời gian Nghị định đấu giá đất nông nghiệp ban hành, có hiệu lực thi hành mà các dự án xin đất nông nghiệp vẫn chưa làm xong (chưa có) giấy sử dụng đất, thì cũng phải thực hiện đấu giá đất nông nghiệp, bất kể là dự án đã tiến hành làm thủ tục đầu tư từ những năm trước đó, hay đang còn thoả thuận bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng dở dang...

 

                                                              Nguyễn Thành Lập

                                                                    Hà Nội

 

LTS Dân trí - Việc mở rộng các đô thi và xây mới các khu công nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi khá nhiều diện tích đất nông nghiệp thành đất phi nghiệp. Vì thiếu những quy định chặt chẽ trong chính sách đã tạo cơ hội cho những thủ đoạn tham nhũng khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; nhiều kẻ nhân cơ hội này đã làm giàu  rất nhanh, mà thực chất là sự tham nhũng một loại tài sản quý báu của quốc gia là đất đai.

 

Những điều phản ánh trong bài viết trên đây là có thật không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn ở nhiều thành phố khác.

 

Những kiến nghị nêu lên trong bài viết cần được các cơ quan có trách nhiệm về quản lý đất đai xem xét và vận dụng những điều hợp lý nhằm giảm những sơ hở khi ban hành chính sách mới về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp .

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm