Cần biết, cần làm gì khi bất ngờ được cơ quan công an mời, triệu tập?
(Dân trí) - Việc đầu tiên khi nhận được giấy triệu tập thì chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh, không nên lo lắng. Đồng thời, xem xét về mặt hình thức và nội dung của giấy triệu tập có hợp pháp hay không. Về mặt hình thức của giấy triệu tập, theo quy định pháp luật thì phải đảm bảo về mặt hình thức của một văn bản pháp luật.
Chắc hẳn trong hầu hết các trường hợp, mọi người dù có hành vi vi phạm hay không, đều rất lo lắng khi nhận được giấy mời, giấy triệu tập của cơ quan công an lên trụ sở làm việc. Tuy nhiên, những lúc như vậy mọi người phải thật sự bình tĩnh để giải quyết tình hình. Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã đưa ra một số lưu ý trong trường hợp bạn có giấy mời, giấy triệu tập của cơ quan công an.
Phân biệt giấy triệu tập và giấy mời
Đối với triệu tập, căn cứ theo Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 thì thấy rằng đây là một hoạt động trong giai đoạn tố tụng hình sự. Theo đó, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (bao gồm thẩm phán, kiểm sát sát viên, điều tra viên) sẽ triệu tập người tham gia tố tụng của vụ án hình sự (bao gồm bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người giám định, người định giá tài sản,....) tới trụ sở để cung cấp thông tin liên quan nhằm phục vụ cho quá trình tố tụng hình sự được diễn ra thuận lợi.
Việc triệu tập phải được thực hiện bằng văn bản của người có thẩm quyền và gửi tới cho những đối tượng bị triệu tập. Lúc này, nghĩa vụ của những người có liên quan đến vụ án là bắt buộc phải tới trụ sở của cơ quan triệu tập làm việc.
Còn đối với việc cơ quan công an có giấy mời lên trụ sở làm việc thì trong Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về vấn đề này. Giấy mời được xem là một hình thức mang tính chất nhẹ nhàng, tế nhị hơn so với việc triệu tập. Thông thường được áp dụng khi người có thẩm quyền muốn triệu tập các chức sắc tôn giáo tới để cung cấp thông tin liên quan đến vụ án.
Phải làm gì khi bị triệu tập?
Trước hết cần xem xét giá trị pháp lý của giấy triệu tập
Việc đầu tiên khi nhận được giấy triệu tập thì chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh, không nên lo lắng. Đồng thời, xem xét về mặt hình thức và nội dung của giấy triệu tập có hợp pháp hay không. Về mặt hình thức của giấy triệu tập, theo quy định pháp luật thì phải đảm bảo về mặt hình thức của một văn bản pháp luật khi có đầy đủ quốc hiệu; tiêu ngữ; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành giấy triệu tập và có đóng dấu của cơ quan đó.
Về mặt nội dung, cần phải lưu ý tới lý do triệu tập được nêu trong văn bản để xác định xem mình có vai trò gì, liên quan như thế nào với vụ án. Như đã nêu ở trên, việc triệu tập chỉ được áp dụng với những người tham gia tố tụng vụ án hình sự. Do đó, việc xác định mình là ai, có vai trò như thế nào là vô cùng quan trọng để tiếp theo đó là xác định những quyền và nghĩa vụ của mình đối với việc triệu tập.
Lưu ý rằng, pháp luật quy định việc triệu tập người có liên quan tới vụ án hình sự phải được thực hiện bằng văn bản. Do đó, mọi hành vi triệu tập thông qua lời nói, qua điện thoại,... thì đều không có giá trị pháp luật và người bị triệu tập sẽ không có nghĩa vụ phải tuân theo lời triệu tập này.
Có quyền mời luật sư cùng tham gia trong suốt quá trình tới trình diện tại cơ quan có thẩm quyền
Căn cứ theo Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 thì những người tham gia tố tụng có quyền được mời luật sư tham gia trong suốt các giai đoạn tố tụng. Do vậy, thiết nghĩ chúng ta cần phải tận dụng triệt để quyền này bởi lẽ, luật sư là những người có am hiểu pháp luật, sẽ có thể đưa ra những lời khuyên cho bạn trước, trong và sau khi diễn ra việc trình diện tại cơ quan công an. Qua đó, giúp bạn có thể khai báo một cách có lợi nhất cho bản thân.
Thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp người bị triệu tập là bị can, bị cáo đã không sử dụng quyền này, dẫn tới việc bị bức cung, dùng nhục hình để khai ra những lời khai bất lợi cho chính bản thân mình. Do đó, việc mời luật sư tham gia ngay từ những giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự, tức là ngay sau khi nhận được giấy triệu tập là vô cùng quan trọng để giảm thiểu tối đa tỉ lệ xảy ra án oan sai.
Mặt khác, việc có một người thứ hai đi cùng cũng khiến cho tâm lý của người bị triệu tập cảm thấy tự tin hơn trong quá trình làm việc với cơ quan công an. Bởi vốn dĩ, tâm lý của những người bị triệu tập thường rất hoang mang, lo lắng vì tự cho là đang ở thế yếu hơn so với cơ quan chức năng.
Cần thông báo cho người thân, đồng nghiệp, hoặc những người có mối quan hệ mật thiết với mình biết việc tới cơ quan công an trình diện.
Việc thông báo này cũng rất quan trọng, vì lẽ để đảm bảo được sự an toàn và đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Trong quá khứ đã có những trường hợp cơ quan công an bức cung, dùng nhục hình làm cho bị can, bị cáo bị triệu tập chết trong quá trình lấy lời khai. Vì vậy, việc thông báo, để lại thông tin thời gian, địa điểm của việc tới trình báo để khi có trường hợp xấu xảy ra, những người thân thích có thể ứng phó kịp thời.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Cần đọc kỹ trước khi ký vào văn bản kết quả của buổi làm việc
Khi buổi làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền triệu tập kết thúc, hai bên sẽ phải ký vào biên bản nhằm xác minh kết quả của buổi làm việc ngày hôm đó. Thông thường, các văn bản với sự tham gia của hai bên thì thường được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản. Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực tố tụng hình sự, nhằm đảm bảo tính bảo mật đối với các thông tin liên quan tới vụ án, biên bản kết quả làm việc sẽ chỉ được lập 1 bản và sẽ được cơ quan điều tra lưu trữ. Do vậy, trước khi đặt bút ký vào biên bản đó, chúng ta cần phải đọc thật kỹ những gì được nêu trong biên bản này xem có đúng với những gì mình đã khai báo trong buổi làm việc hay không. Bên cạnh đó, lại phải nhấn mạnh vai trò quan trọng của luật sư trong giai đoạn này bởi vì luật sư có thể đưa gia những sự nhận xét, đánh giá phù hợp và có lợi nhất cho bạn.
Có quyền không tới trình diện trong những trường hợp đặc biệt
Tới trình diện là nghĩa vụ bắt buộc của những người nhận được giấy triệu tập hợp pháp của cơ quan, người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bất khả kháng như thiên tai, bão lũ hoặc bạn bị ốm đau (có sự xác nhận của cơ sở y tế) thì bạn có thể không tới buổi trình diện theo giấy triệu tập. Trong trường hợp này, bạn sẽ phải làm đơn nêu rõ lý do chính đang dẫn đến việc không thể tới trình diện đúng hẹn và hẹn sẽ tới vào một thời gian khác.
Việc triệu tập có bị giới hạn số lần triệu tập không?
Dù thế nào đi nữa, khi bị triệu tập và phải tới trình diện tại cơ quan có thẩm quyền cũng gây phiền hà và mất thời gian với mỗi chúng ta. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định số lần tối đa mà cơ quan, người có thẩm quyền tiền hành tố tụng được triệu tập người có liên quan tới vụ án hình sự. Do đó, mỗi khi được triệu tập mà không có lý do chính đáng, bắt buộc bạn phải tới cơ quan có thẩm quyền để trình diện.
Một lưu ý để giúp bạn tránh phiền hà trong quá trình tố tụng vụ án hình sự, đó là hãy ghi và liệt kê lại toàn bộ những câu hỏi mà điều tra viên đã hỏi bạn. Để tới khi sau đó, nếu những người này có hỏi lại câu hỏi y chang như vậy thì bạn chỉ cần nói rằng bạn đã trả lời ở buổi làm việc trước và sẽ không trả lời lại nữa.
Hy vọng những thông tin mà Luật sư Quách Thành Lực cung cấp sẽ giúp ích cho các bạn khi nhận được giấy triệu tập từ cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Ngọc Hân (thực hiện)