Cải tạo sông Tích: Đổ tiền tỷ vào dự án… “rùa bò”

Dự án “Cải tạo sông Tích” của TP Hà Nội có tổng số vốn lên đến gần 7.000 tỷ đồng được khởi động từ khá lâu, nhưng đến nay, dự án này vẫn đang được thực hiện với tiến độ “rùa bò” mặc dù hàng trăm tỷ đồng đã được đơn vị thi công tạm ứng…”.

Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú (xã Thuần Mỹ, Ba Vì).

Dự án “Cụm công trình tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích” có tổng mức đầu tư 6.914 tỷ đồng để xây dựng cống lấy nước, kênh dẫn tại Lương Phú (xã Thuần Mỹ) lấy nước từ sông Đà với lưu lượng 60m3/giây, tạo nguồn tiếp nước cho sông Tích; nạo vét, cải tạo, nâng cấp lòng sông Tích với tổng chiều dài 110,5km; cải tạo, xây mới các công trình giao thông, thủy lợi... Sau khi hoàn thành, dự kiến cụm công trình tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích sẽ cấp nước cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp; cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất công nghiệp; phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ; bảo đảm tiêu thoát nước, phòng, chống lũ cho lưu vực...

Tháng 5/2011, dự án này được khởi công tại xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Theo hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền, dự án chia làm 2 giai đoạn và 3 đoạn thi công. Theo phân công, đoạn 1 và đoạn 3 do Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư; đoạn 2 do UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư như một dự án độc lập. Đoạn 1, Sở NN&PTNT đã giao cho Ban QLDA sông Tích làm đại diện, thực hiện ký Hợp đồng thi công với Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh), là đơn vị được chỉ định thi công hầu hết các gói thầu trọng điểm thuộc dự án. Tuy nhiến, đến nay, đơn vị mới làm xong đoạn kênh dẫn đào dài chừng 500m/12km; thi công mái kè sông Đà gần cống lấy nước đầu mối Lương Phú được khoảng 150m và thả được 300m cơ đá hộc dưới nền sông.

Nhà thầu thi công đào được 500m kênh dẫn tại gói thầu 12b
Nhà thầu thi công đào được 500m kênh dẫn tại gói thầu 12b

Vào thời điểm tháng 9/2012, đơn vị quản lý dự án và đơn vị thi công ghi nhận khối lượng thực hiện xây lắp ước đạt chừng 12 tỷ đồng, ông Nguyễn Đắc Thỏa, Phó Giám đốc Ban QLDA sông Tích thừa nhận. Trong khi đó, cần phải nhắc lại rằng Công ty Bình Minh đã nhận “tạm ứng” 218 tỷ đồng từ năm ngoái. Viện lý do GPMB không xong, ông Thỏa lý giải, số tiền hơn 200 tỷ đồng mà nhà thầu Bình Minh được tạm ứng để đơn vị này mua… máy móc, vật liệu phục vụ cho dự án. Tuy nhiên, ông Thỏa không giải thích tại sao các cơ quan Nhà nước lại giao một dự án nghìn tỷ cho một doanh nghiệp không có máy móc, thiết bị thi công?

Trong khi tiến độ “rùa bò” như vậy, nhưng không hiểu sao mới đây, theo thông tin báo chí, TP Hà Nội lại đề xuất Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hỗ trợ tiếp số kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để thực hiện giai đoạn tiếp theo của dự án. Theo đề xuất, nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ, cho dự án này còn thiếu giai đoạn 2012 - 2015 là 1.076 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn đặt ra là đã gần cuối giai đoạn 1 của dự án nhưng những gì nhà thầu làm được là khá ít ỏi. Liệu rằng đến năm 2015, 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp có được “tắm mát” bằng nguồn nước từ dự án này không? Sẽ không khó tìm ra câu trả lời nếu nhìn vào cung cách quản lý từ phía cơ quan Nhà nước cũng như “kết quả thi công” mà nhà thầu đã làm được!

Theo Công an Nhân dân