Cái mũ bảo hiểm và cái đầu

(Dân trí) - Dịp Tết, một trong những chủ đề bị bạn đọc phàn nàn nhiều nhất là việc nhiều người “quên” đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy trên đường, nhất là ở những thành phố lớn bao gồm cả thủ đô Hà Nội. Có “lý sự cùn” nào biện minh được cho chuyện này?

 
Cái mũ bảo hiểm và cái đầu - 1
"Quên" đội mũ bảo hiểm, "né" cảnh sát giao thông (ảnh: news.hnsv.com)
 

Đọc trực tiếp không ít ý kiến bạn đọc phản hồi tin tức đăng trên báo chí về sự coi thường cả mạng sống của chính mình này, tôi cũng không tránh khỏi bức xúc ngược lại với những lý  lẽ “không giống ai” của một số người.

 

Nhiều người lập tức đổ lỗi cho cảnh sát giao thông: không làm nhiệm vụ nghiêm một cách nghiêm ngặt như thường ngày,    lại nương tay với những người vi phạm? Hoặc cho rằng cảnh sát hình như “sợ” những anh chàng đầu xanh, đầu đỏ, lạng lách xe máy xịn bạt mạng trên đường…

 

Số khác lấy cái đẹp ra làm lý do, vì cho rằng: Tết ai cũng mặc quần áo đẹp, sửa sang đầu tóc mô đen mà lại đội  mũ bảo hiểm “thì còn gì là đẹp nữa cơ chứ” (?). Cũng chẳng hiếm người tị nạnh: thấy có cả cảnh sát và nhiều người khác không đội, mình cũng không đội…

 

Trên tất cả, chính đa số ý kiến của bạn đọc, trong đó cũng có rất nhiều người trẻ là học sinh, sinh viên bày tỏ bất bình với cả những lời biện minh kiểu “nói lấy được” lẫn hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông này. Rõ ràng những người bất chấp quy định và sự tuân thủ nghiêm túc của đại đa số người dân, vẫn cố tình “quên” đội  mũ bảo hiểm   không nghĩ tới việc mạng sống của chính mình bị đe dọa.  Đồng thời họ còn có thể gây nguy hiểm cho cả những người khác, trong trường hợp bị truy đuổi gắt gao dẫn tới xảy ra tai nạn. Nói đi nói lại thì vấn đề vẫn nằm ở cái đầu của mỗi con người mà thôi!

Nếu lúc nào cũng chỉ thấy lỗi ở người khác, trách nhiệm ở ai đó, trừ mình thì… đúng là bótay.com!

 

Để xử trí tình trạng này, Công an thành phố Hà Nội đang triển khai đợt cao điểm về xử lý người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông kéo dài từ ngày 11.2 đến 11.3. Riêng trong tuần đầu ra quân từ 11 đến 18.2 đã xử phạt 4.595 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.189 xe mô tô và 614 bộ giấy tờ. Trong đó, vi phạm không đội mũ bảo hiểm đã phạt thành tiền là 832,3 triệu đồng. Điều rất đáng lưu ý là có tới 75% số người vi phạm là thanh thiếu niên và hai quận Ba Đình và Đống Đa có nhiều trường hợp vi phạm nhất (mỗi quận gần 1.000 trường hợp).

 

Hiệu quả tức thì, số lượng người đi xe máy đầu trần đã giảm đáng kể trên các đường phố. Nhưng chúng tôi cũng như đại đa số bạn đọc đều chung một mong muốn là người dân ta cần có ý thức hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong văn hóa giao thông để không ai còn “quên” đội mũ bảo hiểm bảo vệ cho chính mình nữa. Đồng thời đó cũng là hành vi văn minh, góp phần làm cho xã hội ta ngày càng tiến bộ, phát triển tích cực.

 

Một thực trạng nữa lâu nay vẫn khiến dư luận bức xúc là có những người vi phạm khi bị dừng xe còn nhảy xuống cự cãi, có những lời lẽ xúc phạm hoặc thậm chí  hành hung cảnh sát hay phóng xe bỏ chạy, gây nguy hiểm cho những người khác.

 

Với tư cách là những người cũng tham gia giao thông hàng ngày trên đường phố Hà Nội, chúng tôi cũng rất không yên tâm nếu không nói là có lúc còn thấy thót cả tim khi phải chứng kiến hoặc nhìn thấy những hình ảnh được đưa trên các phương tiện đại chúng về các vụ truy đuổi người vi phạm, hoặc xe ôtô, taxi tông vào cảnh sát, “ủi” cảnh sát giao thông trước mũi xe…

 

Đúng là với những người vi phạm vẫn cố tình chạy trốn thì việc truy bắt là cần thiết, nhưng không nên truy đuổi quá gắt gao nhất là trong tình trạng mật độ tham gia giao thông trên đường cao như ở nước ta.

 

Vì vậy, rất mong những phương pháp mà Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, nêu ra được áp dụng. Đó là một mặt cảnh sát giao thông cần cương quyết xử phạt tất cả người đi xe máy không đội  mũ bảo hiểm, bất kể là ai.  Nhưng  với những trường hợp liều lĩnh, bỏ chạy sẽ chỉ bị ghi lại biển số để xử lý sau nhằm tránh gây nguy hiểm cho người đi đường. Tiến tới cơ quan chức năng sẽ sử dụng biện pháp trang bị camera hoặc máy ảnh để ghi lại hình các trường hợp vi phạm, xử lý sau.

 

Chuyện cái mũ bảo hiểm tưởng như đã là đương nhiên, lợi ích đã rõ ràng như vậy mà sao vẫn còn những người cố tình không đội nhỉ? Không lẽ lỗi nào cũng cần phải bị phạt thật nặng…

 

Khánh Tùng