Ba phút cùng luật sư:
Cách nào đòi nợ khi không có giấy tờ gì làm chứng?
(Dân trí) - Vì quá thân nên khi cho bạn mượn tiền không hề lập giấy tờ, biên nhận gì. Giờ bạn trở mặt không trả thì có thể nhờ pháp luật can thiệp được không?
Tình trạng cho người thân quen vay mượn số tiền lớn nhưng không hề lập giấy tờ, biên nhận là thường diễn ra trong xã hội trọng tình như nước ta. Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp người thân quen dựa vào đó mà trở mặt, không chịu trả lại số tiền đã vay mượn và người cho mượn rơi vào cảnh thiệt thòi, không đòi được nợ vì không có giấy tờ gì chứng minh.
Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư viện Pháp luật, sẽ tư vấn kỹ hơn cho bạn đọc về tình huống pháp lý này.
Thưa luật sư, có 1 bạn đọc gửi đến chương trình 1 câu hỏi như sau: “Năm ngoái tôi có cho người bạn mượn 50 triệu đồng để mua nhà mà không ghi giấy nợ gì cả vì quá thân nhau. Đến hẹn thì bạn không trả và cố tình tránh mặt, không nghe điện thoại của tôi. Tuy không có giấy nợ nhưng tôi có bằng chứng là trao đổi qua tin nhắn điện thoại và email. Vậy đây có thể coi là hai bên xác lập quan hệ vay tài sản chưa?”.
Theo Điều 471 BLDS 2005 thì hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Việc cho vay tiền giữa bạn với người bạn kia là giao dịch dân sự. Pháp luật quy định giao dịch dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch vay mượn tiền nêu trên được pháp luật công nhận.
Vậy tin nhắn điện thoại và email có được xem là bằng chứng không? Bạn đọc này cần phải làm gì để cung cấp bằng chứng cho Tòa án khi khởi kiện?
Theo Điều 10 Luật Giao dịch Điện tử 2005 thì: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.”
Theo tôi, để có giá trị chứng minh tốt nhất khi giải quyết tại Tòa án thì bạn nên nhờ Thừa phát lại lập vi bằng để ghi nhận những nội dung tin nhắn trong điện thoại và email để làm bằng.
Tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập…
Khi bạn có đầy đủ bằng chứng chứng minh người vay tiền của bạn đã vi phạm nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn, thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người vay tiền phải có nghĩa vụ trả tiền vay cho bạn theo quy định.
Bạn này muốn khởi kiện thì Tòa án ở đâu có thẩm quyền giải quyết, thưa luật sư?
Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nếu bị đơn là cá nhân thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Nếu trong trường hợp bạn không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
Vâng, xin cảm ơn Thư Viện Pháp Luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)