Ca sĩ Vy Oanh đề nghị khởi tố bà Phương Hằng: Quy trình giải quyết thế nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Nhiều bạn đọc thắc mắc, liệu một cá nhân có thể làm đơn đề nghị cơ quan công an khởi tố một vụ án hay cá nhân khác không?

Như Dân trí đã thông tin, ngày 25/10 cơ quan cảnh sát điều tra - công an TP HCM mời Vy Oanh lên làm việc về nội dung tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng. Tại buổi làm việc nữ ca sĩ này cũng nộp đơn đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Phương Hằng về việc làm nhục người khác; vu khống; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thông tin này khiến nhiều bạn đọc thắc mắc về việc, liệu một cá nhân có thể làm đơn yêu cầu cơ quan công an khởi tố một vụ án/cá nhân khác không? Vì theo nguyên tắc, cơ quan công an sau quá trình điều tra, xác minh mới có thể đi đến kết luận khởi tố hay không đối với một sự việc hay cá nhân, tổ chức.

Ca sĩ Vy Oanh đề nghị khởi tố bà Phương Hằng: Quy trình giải quyết thế nào? - 1

Ca sĩ Vy Oanh đề nghị Công an TPHCM khởi tố bà Phương Hằng (Ảnh: CTV).

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại 

Về vấn đề này, theo Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Pháp Trị, việc các cá nhân nộp đơn yêu cầu khởi tố, hay đơn tố cáo, đơn phản ánh... tới cơ quan công an, thì theo luật sẽ gọi chung đây là tin báo tố giác tội phạm.

Việc khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại là một trong những quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại.

Trong thực tế, có những trường hợp việc khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm người thực hiện hành vi phạm tội có thể gây thêm những tổn thất khác cho bị hại so với việc không khởi tố vụ án hình sự như: Gây thêm những tổn thất về tinh thần, làm lộ bí mật đời tư của bị hại, phá vỡ sự tha thứ, hòa giải và thỏa thuận bồi thường giữa các bên…

Chính vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự quy định đối với một số trường hợp tội phạm xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người hoặc xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, không phải là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không phải là rất lớn hoặc đặc biệt lớn, không có tình tiết định khung tăng nặng thì việc khởi tố vụ án chỉ có thể được thực hiện khi có yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của họ.

Quy trình xác minh sau khi nhận tin báo tố giác tội phạm

Sau khi nhận đơn thì cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra, xác minh theo quy trình như sau:

Sau khi nhận đơn kiến nghị khởi tố của ca sỹ Vy Oanh, cán bộ nhận đơn sẽ lập Biên bản tiếp nhận theo mẫu số 09, ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an. Biên bản này được lập thành ba bản, một bản giao cho người tố giác, báo tin về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, hai bản đưa vào hồ sơ vụ việc.

Trình tự, thủ tục, các hoạt động giải quyết tin báo tố giác tội phạm trong vụ việc này được quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BCA quy định thời hạn cơ quan điều tra giải quyết tin báo tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Thẩm quyền điều tra được quy định tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự  quy định: "Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt".

Ca sĩ Vy Oanh đề nghị khởi tố bà Phương Hằng: Quy trình giải quyết thế nào? - 2

Thời gian qua, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream phản ánh các nghệ sĩ, ca sĩ không minh bạch trong việc kêu gọi, quyên góp tiền từ thiện.

Nếu xác định tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, cùng các tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định; trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.

Sau khi xác định đúng thẩm quyền của cơ quan mình, thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra ban hành quyết định phân công Điều tra viên, cán bộ điều tra phụ trách giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Sau khi được phân công tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Điều tra viên được phân công thụ lý có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh báo cáo lãnh đạo, chỉ huy phụ trách để trình Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phê duyệt trước khi thực hiện.

Nội dung kế hoạch gồm:

  1.  Mục đích, yêu cầu của việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  2.  Tóm tắt nội dung sự việc; đánh giá những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; những việc đã làm; những việc chưa làm;
  3. Nội dung tiến hành:

- Xác định cụ thể các nội dung cần kiểm tra, xác minh để làm rõ; những tài liệu, chứng cứ cần phải thu thập, cách bảo quản vật chứng; việc gì cần làm trước, việc gì làm sau để đạt được hiệu quả cao nhất;

- Xác định các biện pháp có thể áp dụng trong quá trình kiểm tra, xác minh: có thể tiến hành các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nếu xét thấy cần thiết;

- Xác định các biện pháp bảo vệ người tố giác, báo tin, người làm chứng, bị hại, người tham gia tố tụng khác và người thân thích của họ theo quy định của pháp luật (khi có yêu cầu hoặc nếu xét thấy cần thiết).

4. Thời gian tiến hành: Cần xác định, đề xuất cụ thể thời gian tiến hành kiểm tra, xác minh nhằm đảm bảo thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật;

5. Tổ chức thực hiện: Cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công để thực hiện; đề xuất phương tiện sử dụng, kinh phí hỗ trợ; chế độ báo cáo khi có vấn đề đột xuất xảy ra trong quá trình thực hiện.

Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sau khi tiếp nhận đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngay mà không cần không phải ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, chờ đợi trong thời hạn 20 ngày.

Trường hợp nếu không có việc tạm đình chỉ quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thời hạn tối đa là 04 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp nếu có việc tạm đình chỉ quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thời hạn tối đa là 05 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.

Trong trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ điều tra thì chỉ khi nào căn cứ tạm đình chỉ không còn, cơ quan điều tra có quyết định khôi phục thì việc điều tra mới được tiến hành lại. Thời hạn tạm đình chỉ điều tra không tính vào thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm.