Cá nhân, hộ gia đình cần hiểu biết gì khi được giao đất trái thẩm quyền?

(Dân trí) - Căn cứ thời điểm giao đất trái thẩm quyền, kết hợp với một số điều kiện nhất định, người dân sử dụng đất có thể được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định của Luật đất đai, thẩm quyền giao đất cá nhân, hộ gia đình thuộc về UBND từ cấp huyện trở lên.  Đất giao không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân bao gồm các trường hợp:

Người đứng đầu điểm dân cư giao đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ;

Tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng nhưng đã tự phân phối, bố trí cho cán bộ, công nhân viên, xã viên để sử dụng làm nhà ở và các mục đích khác.

Cá nhân, hộ gia đình cần hiểu biết gì khi được giao đất trái thẩm quyền? - 1

Luật sư Quách Thành Lực chia sẻ thông tin về quy định pháp luật liên quan giao đất trái thẩm quyền.

Do những tồn tại của lịch sử, sự buông lỏng quản lý đất đai, nể nang, nhượng bộ, cấp trên tạo điều kiện cho cơ sở giao bán đất trái thẩm quyền để tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng dân sinh nên tình trạng giao đất trái thẩm quyền địa phương nào cũng xảy ra. Trước thực tế đó, Luật đất đai năm 2013 đã đưa ra những đảm bảo pháp lý cho người sử dụng đất bị giao trái thẩm quyền.

Theo đó: Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác thì diện tích còn lại không có nhà ở, công trình xây dựng được xác định là đất nông nghiệp theo hiện trạng đang sử dụng, nếu người sử dụng đất đề nghị được chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Nhà nước không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau.

Như vậy căn cứ trên thời điểm giao đất trái thẩm quyền, kết hợp với một số điều kiện nhất định người dân sử dụng đất có thể được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số trường hợp người dân được miễn nhưng một số trường hợp phải đóng tiền sử dụng đất theo mức giá đất Nhà nước ban hành.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm