Cà Mau: Nghịch lý kiện đòi đất đã bán cách đây 3 năm

(Dân trí) - Năm 2011, ông Bách làm giấy tờ sang nhượng đất cho ông Dũng. 3 năm sau, ông Bách lại kiện ông Dũng ra tòa đòi lại đất. Và trong khi Tòa án bác đơn thì Viện kiểm sát lại kháng nghị bản án này.

Kiện đòi lại đất sau 3 năm đã bán

Giữa năm 2011, ông Lê Anh Huy Bách cùng mẹ là bà Nguyễn Nguyệt Nga (ngụ phường 9, TP Cà Mau, Cà Mau) làm giấy cam kết bán phần đất vườn có diện tích hơn 2.500m2 cho ông Châu Hùng Dũng và vợ là bà Huỳnh Dao (ngụ phường 5, TP Cà Mau) với giá 1,4 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, ông Bách và bà Nga có quyền mua lại phần đất trên với điều kiện phải trả thêm lãi 4%/tháng. Nếu sau thời hạn 6 tháng, ông Bách - bà Nga không đóng lãi thì ông Dũng có quyền định đoạt phần đất trên. Thỏa thuận xong, hai bên ra công chứng chuyển quyền sử dụng đất. Đến hạn 6 tháng, phía ông Bách - bà Nga không đặt vấn đề mua lại đất nên ông Dũng ra chính quyền làm sổ đỏ đứng tên phần đất nói trên.

Năm 2012, ông Dũng mang quyền sử dụng đất này thế chấp ngân hàng để vay tiền. Tại biên bản làm việc của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL chi nhánh Cà Mau ngày 1/10/2012, bà Nguyễn Nguyệt Nga có ký xác nhận tài sản đã chuyển nhượng cho ông Dũng, không phản đối hay có ý kiến gì về việc ông Dũng thế chấp tài sản này cho Ngân hàng.

Đến tháng 10/2013, một người ở TPHCM đồng ý sang nhượng toàn bộ khu đất trên cùng với khách sạn Duy Linh liền kề (do bà Nga làm chủ) với giá 28 tỷ đồng. Lúc này, ông Bách - bà Nga mới đặt vấn đề mua lại đất đã bán cho ông Dũng nhưng ông Dũng không đồng ý.

Ngày 26/2/2014, ông Bách khởi kiện ông Dũng ra tòa, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hủy hợp đồng thế chấp giữa ông Dũng với ngân hàng; hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Dũng; đồng thời chấp nhận trả lại cho ông Dũng số tiền vay 700 triệu đồng cùng lãi suất theo quy định.

Quá trình tòa án thụ lý, ngày 20/5/2014, ông Nguyễn Ngọc Anh (đại diện theo ủy quyền của ông Bách) gửi đơn và yêu cầu tòa chuyển đơn sang Công an giải quyết vụ án hình sự vì cho rằng vợ chồng ông Dũng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì nguyên đơn không rút lại yêu cầu khởi kiện nên ngày 30/7/2014, TAND TP Cà Mau đưa vụ án ra xét xử. Lúc này, nguyên đơn và luật sư có đơn yêu cầu hoãn phiên tòa, chờ cơ quan công an giải quyết, song không được HĐXX chấp nhận.

Phần đất mà ông Bách đã bán. Hiện ông Dũng đang kinh doanh bãi đậu xe.
Phần đất mà ông Bách đã bán. Hiện ông Dũng đang kinh doanh bãi đậu xe.

Tòa bác đơn, Viện kiểm sát lại kháng nghị

Tại phiên tòa, luật sư của ông Bách lập luận, thân chủ của ông chỉ thế chấp quyền sử dụng đất theo hình thức chuyển nhượng có điều kiện chuộc lại nhằm vay tiền của ông Dũng chứ không bán đứt. Phía ông Bách cũng cho rằng, nếu bán đất thì không thể có chuyện phải đóng lãi.

HĐXX nhận định, phần đất vợ chồng ông Dũng nhận chuyển nhượng đã công chứng và đăng ký quyền sử dụng đất đúng thủ tục, được UBND TP Cà Mau cấp mới vào ngày 24/5/2011. Khi chuyển nhượng, ông Dũng có cam kết cho ông Bách - bà Nga mua lại nhưng hết thời gian cam kết, mẹ con ông Bách không đặt vấn đề mua lại. Từ đó, vợ chồng ông Dũng làm sổ đỏ, thế chấp cho Ngân hàng để vay vốn mở cơ sở kinh doanh trên phần đất này hơn 3 năm nay. Quá trình ngân hàng thẩm định tình trạng đất, chính bà Nga cũng ký xác nhận đất đã chuyển nhượng cho ông Dũng nên không có ý kiến gì về việc ông Dũng thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng… Từ những căn cứ nêu trên, HĐXX quyết định bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. 

Thế nhưng, ngày 13/8/2014, bà Huỳnh Thu Hà - Phó Viện trưởng VKSND TP Cà Mau ký quyết định kháng nghị số 04, đề nghị hủy bản án sơ thẩm số 112 ngày 30/7/2014 của TAND TP Cà Mau, với những căn cứ như sau: Tòa đưa vụ án ra xét xử khi công an chưa có kết quả giải quyết đơn yêu cầu xử lý hình sự của nguyên đơn; không cho giám định giọng nói của bị đơn trong đĩa ghi âm do nguyên đơn cung cấp; giá đất thị trường và giá chuyển nhượng có sự chênh lệch khá lớn.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Út - Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa khẳng định: “Phiên tòa sơ thẩm được tiến hành đúng trình tự thủ tục tố tụng. Không có căn cứ pháp lý hoãn phiên tòa để chờ kết quả giải quyết đơn tố cáo của nguyên đơn cho rằng bị đơn lừa đảo, trong khi vụ án thụ lý đã hơn 5 tháng.

Ông Út cho biết, trước khi xử, tòa án cũng đã triệu tập, hỏi ý kiến thì cả nguyên đơn và bị đơn đều khẳng định họ tiếp tục khởi kiện, tiếp tục phản tố, không bên nào chịu rút lại yêu cầu của mình. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa cũng khẳng định phiên tòa sơ thẩm được tiến hành đúng trình tự thủ tục luật định, đồng thời không có ý kiến gì để đề nghị khắc phục vi phạm tố tụng hoặc có ý kiến khác.

Khi PV đặt vấn đề vì sao không giám định giọng nói của bị đơn trong đĩa ghi âm do nguyên đơn cung cấp, Thẩm phán Út nói: “Bị đơn Dũng đã xin sao chép file ghi âm ngày trước đó và tại tòa, bị đơn đã thừa nhận giọng nói đó là của mình nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa để giám định giọng nói ông Dũng. Sau khi mở đĩa ghi âm cho HĐXX nghe thì không có nội dung nào thể hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký với mục đích là để vay tiền. Do đó, nội dung đĩa ghi âm không phải là chứng cứ để tòa xem xét chấp nhận cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”.

Cũng theo Thẩm phán Út, trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, HĐXX cũng rất chú ý đến tình tiết giá trị chuyển nhượng có vẻ thấp hơn khá nhiều so với diện tích của phần đất. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế thì giá trị chuyển nhượng không thực sự chênh lệch, mặc dù hơn 2.500m2 đất ở đô thị nhưng loại đất là đất lập vườn và chỉ có mặt tiền rộng khoảng 5m ngang, có khoảng 30m dài phía hậu đất là ao trũng. Tuy nhiên, Tòa án đã không thể đo và định giá được lô đất vì nguyên đơn phản đối không đồng ý”.

Trong khi đó, ngày 27/8/2014, Công an tỉnh Cà Mau đã có văn bản số 70/PC45, xác định: “Công an tỉnh Cà Mau đã tiến hành điều tra, xác minh đến nay chưa có cơ sở xác định dấu hiệu phạm tội đối với ông Châu Hùng Dũng”.

Tuấn Thanh - H.H