Quận Tây Hồ (Hà Nội):

Bùng nhùng chuyện quản lý đất đai tại phường Tứ Liên

(Dân trí) - Vừa qua, nhiều hộ dân cư trú tại khu vực phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội gửi đơn đến tòa soạn phản ánh về tình trạng bùng nhùng trong quản lý đất đai tại địa bàn này!

Vì theo chính quyền địa phương thì những lô đất thuộc Cụm 3, Tổ 25B Tứ Liên là đất công, các hộ dân đã tự ý lấn chiếm và sử dụng đất để trồng trọt từ nhiều năm qua.

Còn phía người dân thì cho rằng, đất do họ khai hoang phục hóa từ ngày còn là một cái hố sâu bỏ hoang, họ đã đổ đất, san bằng và trồng quất từ hàng chục năm qua, không có tranh chấp và đã được chính quyền thu thuế đầy đủ… Sự việc đang giằng co giữa chính quyền và địa phương.

Tuy nhiên, đằng sau sự việc này đang hé lộ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, chứa nhiều biểu hiện tiêu cực trong quản lý đất đai tại địa phương này và đang rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để thanh tra toàn bộ hệ thống đất đai tại phường này.
Bùng nhùng chuyện quản lý đất đai tại phường Tứ Liên  - 1
Việc buông lỏng quản lý đất đai tại phường Tứ Liên có nhiều lý do mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ nhất.

 Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, phóng viên đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu cụ thể vụ việc. Theo ghi nhận của phóng viên, tại đường đê quai (phường Tứ Liên), nằm liền kề với dãy nhà cao tầng (đã được cấp sổ đỏ) là một dãy nhà hai tầng, cấp bốn và các lô đất (đã được xây tường bao kiên cố) kéo dài hàng nghìn m2. Đặc biết khu vực giáp sân bóng tại Tổ 25B Tứ Liên có khoảng hơn 1000 m2 đất trước đây trồng quất thì giờ đây đã được xây tường bao, cổng sắt kiên cố và được chia gần chục ô đất thuộc quyền sở hữu của nhiều người dân.

Lý giải về nguồn gốc đất này, quan điểm của lãnh đạo phường Tứ Liên cho rằng đất khu vực này là đất công, không được phép sử dụng, sang nhượng…

Tuy nhiên, về phía người dân thì họ kịch liệt phản đối quan điểm này. Theo bà Lê Thúy Hà, một trong những chủ đất tại đây thì: “Trước đây, khu vực này là hố sâu hàng chục mét, vợ chồng tôi đã mất bao công sức lấp đất tôn tạo mãi mới được bằng phẳng và sử dụng khu đất này trồng quất từ đó đến nay. Chúng tôi cũng đã nộp thuế đầy đủ. Xung quanh đã có hàng trăm mảnh khác cũng có nguồn gốc như vậy được xây tường bao, có chỗ xây cấp 4, thậm chí, đất ngoài đê nhưng vẫn được phường cho xây nhà kiên cố. Đất chúng tôi tôn tạo sử dụng ổn định, lâu dài và có thuế đầy đủ sao bảo là không có giá trị được. Trong quá trình chúng tôi sử dụng, phường có biết, nhưng tôi bảo thẳng: Đất vùng này đã có hàng trăm hộ gia đình tự đứng ra tôn tạo và sử dụng, xung quanh đất tôi đã có hàng trăm mảnh khác cũng có nguồn gốc như tôi được xây tường bao, có chỗ người ta trồng trọt, có chỗ xây cấp nhà cấp 4, thậm chí, đối diện phía bên kia đất của tôi là đất ngoài đê nhưng vẫn được xây nhà kiên cố mà phường vẫn …lờ đi.”.

Còn theo ông Bùi Quang Trạch, một chủ đất khác thì:“Tôi nói thẳng là xung quanh đất tôi và kể cả rất nhiều vùng lân cận của phường này đều là đất công cả nhưng đã được dân tôn tạo và sử dụng ổn định lâu dài từ hàng chục năm trước. Nếu nói dân không có quyền sử dụng sao phường lại không thu hồi, không phá dỡ mà thậm chí còn cho nhiều người xây tường bao, xây nhà để dần trở thành nhà ở. Nhà báo cứ đi khảo sát cả phường này xem có bao nhiêu đất cát là đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Toàn đất đai không sổ, đất lấn chiếm rồi chuyển nhượng cho nhau theo kiểu “để lâu hóa bùn” tràn lan chứ có phải một hai trường hợp đâu. Nếu bảo sai thì phải xử người đứng đầu vì buông lỏng quản lý, dễ dãi ngay từ đầu”.

Từ những ý kiến của người dân, chúng tôi đã khảo sát trên diện rộng đất đai tại phường Tứ Liên, Tây Hồ và đúng như người dân phản ánh. Rất nhiều khu đất khác có tình trạng và nguồn gốc như tại tổ 25B nhưng đã được xây nhà cấp 4, thậm chí nhà cao tầng và hiển nhiên trở thành đất hợp pháp, thuộc sở hữu của người dân.

Vấn đề khiến dư luận khó hiểu là tại sao phường Tứ Liên biết rõ là đất lấn chiếm, đất không giấy tờ, đất rau xanh… mà vẫn để cho người dân sử dụng, xây nhà?

Lý giải của phường là do “lịch sử để lại”, nhưng theo chúng tôi thì có có rất nhiều trường hợp sai phạm đã được thực hiện từ ngày xưa nhưng cũng không ít trường hợp mới nảy sinh, xây mới…

Theo phản ánh của người dân thì: Để có được một ngôi nhà cấp 4 mọc lên trên những vị trí đất này là cả một vấn đề, họ phải “làm luật” với giá cắt cổ chứ không dễ dàng gì để được im hơi lặng tiếng. Điều phản ánh trên của người dân là có cơ sở. Bởi lẽ, một ngôi nhà kiên cố đang ở, nếu cơi nới hoặc xây thêm một tí thôi mà không “thông qua” phường thì dù có ở ngang cùng ngõ hẹp cũng chắc chắn bị đập phá tanh bành. Vậy thì không có lý do gì nhà xây trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp lại yên bình một cách khó hiểu như vậy nếu không có sự “bật đèn xanh”.

Mà chuyện xây dựng trên đất nông nghiệp, rau xanh tại đây nếu mà thống kê thì không đếm xuể, thậm chí không ai có thể kể ra được hàng trăm lô đất có nhà tại đây được sang nhượng qua bao nhiêu người. Nếu nói những chuyện này chính quyền không biết, không quản lý được thì thật… nực cười.

Vì địa bàn phường rất hẹp, một tiếng đập tường cách hàng km mà cán bộ xây dựng còn nghe thấy và tìm đến đúng nơi đúng điểm thì không có chuyện giữa thanh thiên bạch nhật, người ta xây nhà không phép, xây trên đất rau xanh mà phường cũng… không biết, trừ phi sự “không biết” này có vấn đề.Trở lại hàng chục lô đất cạnh sân bóng thuộc Tổ 25B của phường này, theo quan sát của chúng tôi, tất cả đều được xây tường cao banh quanh. Và những ô đất này đã được chủ đất khai hoang đầu tiên chuyển nhượng cho nhiều người.

Rõ ràng, có một thực tế đã và đang diễn ra tại phường Tứ Liên là tình trạng quản lý và sử dụng đất đai đang rất lộn xộn, bùng nhùng, người dân sai là có nguyên nhân. Nếu không có sự tiếp tay của những người có chức có quyền của phường thì liệu tình trạng xây dựng sai trái, lấn chiếm và sử dụng đất sai mục đích có tồn tại và tiếp diễn theo cấp số nhân như tại địa bàn này hay không?
Theo Nhà báo & Công luận