Bốt thu phí giữa “non thiêng” Yên Tử: Người nghèo không được lên lễ Phật?

(Dân trí) - “Đầu Xuân, nhân dân muốn trở về với nơi cửa Phật để gửi gắm ước nguyện, để tĩnh tâm, hít thở không khí nơi hỉ xả, cầu mong sức khỏe, quốc thái, dân an. Riêng với Yên Tử, hàng trăm năm nay người dân đến đây 100% đi lễ Phật chứ không ai đi ngắm rừng núi Yên Tử. Vì vậy, việc thu phí đánh vào tín ngưỡng của người dân là một việc không nên làm chút nào”, quan điểm của bạn đọc Dân trí.

Rất nhiều du khách ngỡ ngàng và bày tỏ bất bình khi hành hương lên chùa Đồng theo hướng Tây Yên Tử (Sơn Động- Bắc Giang) đã bị chặn lại trước bốt thu phí yêu cầu mua vé tham quan khi cách đỉnh thiêng khoảng 700m. Đáng lưu ý, đây là quy định của tỉnh Quảng Ninh, trong khi phía tỉnh Bắc Giang không hề thu phí.

Trong khi đó, cho biết quan điểm về sự việc, ông Nghiêm Xuân Hưởng, Bí thư huyện uỷ huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho rằng: “Người dân địa phương chúng tôi sang phía bên tỉnh bạn ở TP Uông Bí, huyện Đông Triều thậm chí không phải để đi thăm chùa Đồng mà để giao lưu, buôn bán, lấy hàng hoá… từ trước giờ vẫn chỉ có đường đó mà giờ bị chặn bán vé thu tiền là không hợp lý. Theo quy định của Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử thì người dân địa phương chúng tôi cứ đặt chân vào vùng đất Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ phải mua vé thu tiền, thực sự là tình trạng gây khó dễ cho nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, mà đặc biệt ở đây chủ yếu là bà con dân tộc, vốn cuộc sống đã vô cùng khó khăn…”

BOT tâm linh?

“Phải chăng đây là một dạng BOT tâm linh?”, “thu phí của người đi lễ chùa là việc không thể chấp nhận được”, “nơi tâm linh không phải là chỗ để kinh doanh, trục lợi”… Đây là một vài trong số hàng trăm comment bất bình của bạn đọc gửi về báo Dân trí sau khi sự việc trên được đăng tải. Bạn đọc bức xúc, rất bức xúc bởi tâm linh là nhu cầu chính đáng của con người, nhưng nay đã bị thương mại hóa triệt để.

Bốt thu phí giữa “non thiêng” Yên Tử: Người nghèo không được lên lễ Phật? - 1
Bốt thu phí giữa “non thiêng” Yên Tử: Người nghèo không được lên lễ Phật? - 2

Nhiều người dân và du khách ngỡ ngàng, thậm chí là bất bình khi khi vừa từ chùa Thượng bước chân sang địa phận tỉnh Quảng Ninh, cách chùa Đồng khoảng 700m xuất hiện một trạm thu phí yêu cầu mua vé tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích Yên Tử mới được tiếp tục con đường hành hương.

“Cá nhân tôi thấy bóng của việc lợi ích doanh nghiệp ở đây", đó là quan điểm, nhận định của bạn đọc Nguyễn Thanh Thắng.

Bạn đọc David Duong: “Yên Tử, Chùa Hương... là tài sản của toàn dân tộc, ngàn đời nay và điều này đã được hiến pháp quy định. Giờ chặn khắp nơi, thu vô tội vạ hỏi dân nào chịu cho thấu? Yên Tử có phải tài sản của HĐND tỉnh Quảng Ninh?”.

“Thu như vậy là quan điểm "NGĂN SÔNG CẤM CHỢ". Nhưng tóm lại chưa thấy lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương lên tiếng. Đã đến lúc cần xem lại những sự việc thế này", bạn đọc Nguyen Thanh.

“Chùa Đồng có 2/3 diện tích nằm trên địa giới hành chính tỉnh Bắc Giang, tỉnh Quảng Ninh lập bốt thu phí khi khách thăm quan Chùa Đồng từ Bắc Giang lên là chưa đúng! Thật là buồn! Nếu Bắc Giang cũng như vậy thì cũng lập chốt thu phí tại Chùa Đồng vì 2/3 diện tích Chùa Đồng nằm trên địa giới Bắc Giang thì còn ra sao nữa”, bạn đọc với nickname Sangngo.

Thu tiền của người đi lễ chùa là không chấp nhận được! là ý kiến của bạn đọc Lê Hà: “Cứ lấy lý do là thu tiền để vệ sinh môi trường. Tây Yên Tử của Bắc Giang có thu đồng nào đâu, mà nhân viên vệ sinh ở khắp nơi quét dọn rất sạch sẽ”.

Bốt thu phí giữa “non thiêng” Yên Tử: Người nghèo không được lên lễ Phật? - 3

Vé thu phí tham quan du khách phải mua để tiếp tục hành hương có giá từ 20.000 đến 40.000 đồng.

Bạn đọc Nguyễn Huy: “Đến với Phật Hoàng là cái tâm, công đức là lòng thành mà lại phải mua vé trả phí mới được công đức, mới được hướng tâm quả là bất cập”.

“Đi lễ tâm linh bây giờ nhiều nơi đã bị trở thành thương mại hóa rồi. Ngày xưa Yên Tử đi lễ còn cảm nhận được niềm vui, sự thanh thản của tâm hồn, bây giờ xây dựng nhiều quá, chặn người từ xa để thu tiền đủ thứ, không còn hứng thú nữa”, bạn đọc Mainguyen; “Không ai đã lên Yên Tử mà chỉ tham quan. Hầu hết là đi lễ chùa và họ sẽ cúng dường tự nguyện vào các hòm công đức, số tiền đó không phải ít. Hãy dùng tiền đó công khai minh bạch để tu tạo chùa chiền. Nếu thu phí như này thì người nghèo không được lên lễ Phật?”-  Bình Vũ.

Nhìn nhận sự việc theo một góc độ khác, bạn đọc Quang Đặng Vũ cho rằng: “Mấy anh đi chùa, vứt rác lung tung ben, ai dọn? chi phí thuê bảo vệ ngăn ngừa cướp giật, ai trả? không lẽ nhà nước. Thu phí là đúng. Tuy nhiên: vị trí đặt thu phí sao cho hợp lý, để phân biệt ai là người đi du lịch, ai là dân địa phương đi sinh hoạt. Thì cứ nắm đầu ngay trung tâm du lịch hoặc các xe du lịch lên vùng đi. Mua phí trọn gói luôn. Có vậy thôi”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Minh: “Đầu Xuân nhân dân muốn trở về với nơi cửa Phật để gửi gắm ước nguyện, để tĩnh tâm, hít thở không khí nơi hỉ xả, cầu mong sức khỏe, quốc thái, dân an. Riêng với Yên Tử hàng trăm năm nay người dân đến đây 100% đi lễ Phật chứ không ai đi ngắm rừng núi Yên Tử. Vì vậy không nên thu phí đánh vào tín ngưỡng của người dân. Mặt khác, chính quyền địa phương và ban quản lý lại có trách nhiệm phục vụ nhu cầu của nhân dân về mọi mặt từ ANTT, an toàn, cứu hộ cứu nạn, giữ gìn môi trường, vệ sinh, xử lý rác thải v.v... Vì vậy theo tôi vẫn nên thu phí nhưng chỉ là phí vệ sinh, môi trường, bảo hiểm mà thôi. Mức giá thì nên hợp lý để mọi người dân đến Yên Tử đều có khả năng đóng góp”.

Bạn đọc Khanghan: “Đóng thuế, phí là nghĩa vụ của mọi người, quốc gia nào cũng vậy. Tuy nhiên thuế, phí thế nào cho hợp lý, không nên tận thu. Tiền thuế, phí là của dân đóng góp phải quay lại phục vụ dân trong tích lũy quỹ phúc lợi xã hội, cho an sinh xã hội chứ không phải phục vụ mục tiêu cho một nhóm người. Nhiều loại thuế, phí thấy vô lý đang là bức xúc và bất bình của người dân trong cả nước nhiều năm nay. Bây giờ lại đến các loại phí khi bước chân đến nơi tâm linh là đền, chùa và các khu di tích đều thu đủ các loại phí tạo cảm giác rất khó chịu và mất linh thiêng cho mọi người”; “Theo tôi Nhà nước cần can thiệp để chấm dứt ngay việc này. Nơi tâm linh không thể là chỗ để kinh doanh, trục lợi!”, bạn đọc Sinh Nguyen.

Người dân, du khách ngỡ ngàng trước bốt thu phí giữa “non thiêng” Yên Tử!

 

Cán bộ, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang nói gì trước bất bình của người dân, du khách?

Trao đổi với PV Dân trí về việc người dân không đồng tình với việc lập bốt bán vé thu phí khi vào địa phận Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử cho biết: Việc thực hiện thu phí theo đúng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Từ căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã xác định đối tượng thu phí là khách tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên Tử, thắng cảnh Rừng quốc gia Yên Tử không phân biệt du khách đi từ hướng nào khi đến khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử cả khách trong nước và nước ngoài.

Du khách khi đến Yên Tử phải có nghĩa vụ thực hiện đóng góp phí tham quan theo quy định và có quyền đi hết hoặc không đi hết các chùa thuộc phía Đông Yên Tử. Mọi du khách khi đi từ phía Bắc Giang sang khu di tích Yên Tử hay chỉ đi đến chùa Đồng thuộc khu di tích Yên Tử địa phương cũng vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo hiểm con người, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, Y tế, Cứu hộ cứu nạn…”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến việc những người dân địa phương tại huyện Sơn Động nhiều đời nay vẫn qua lại Yên Tử theo đường mòn, giờ bị bắt mua vé đóng phí rất bất bình, ông Dũng cho biết mọi công dân bình đẳng, không phân biệt nên vẫn phải mua vé như bình thường. Các đối tượng được miễn giảm đã có trong quy định đặt tại trước bốt bán vé.

Bốt thu phí giữa “non thiêng” Yên Tử: Người nghèo không được lên lễ Phật? - 4

Ông Lê Ánh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết UBND tỉnh Bắc Giang cũng đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu các  khía cạnh từ pháp lý đến thực tiễn để sau đó sẽ có buổi làm việc chính thức với tỉnh Quảng Ninh để có sự thống nhất phục vụ tốt nhất cho nhân dân và du khách.

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này dưới 3 góc độ. Trước hết là góc độ luật pháp. Quy định pháp luật hiện nay, tôi nghĩ Quốc hội và Chính phủ cũng nên cần xem lại quy định về phí và lệ phí. Bởi vì HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết thu phí danh lam thắng cảnh nằm trong danh mục phí, lệ phí mà theo luật pháp cho phép. Nhưng hiện luật của mình lại không cụ thể, chưa sát với thực tế mà theo tôi tới đây rất cần sự sửa đổi, bổ sung ở chỗ cần phân biệt chỗ danh lam thắng cảnh đơn thuần là danh lam thắng cảnh với danh lam thắng cảnh có chứa đựng các cơ cở tín ngưỡng tôn giáo.

Du khách đến những danh lam thắng cảnh thuần tuý như Vịnh Hạ Long thì đơn giản nhận thấy ai đến Vịnh Hạ Long cũng là để tham quan thắng cảnh thì rất dễ. Nhưng đến với khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) thì không phải tất cả những người dân nào đến cũng có mục đích chung là tham quan danh thắng mà rất nhiều người chỉ đơn thuần là nhu cầu tâm linh, nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo thôi.

Thế thì đối tượng này không là những đối tượng phải chi dùng phí đó. Đó là thể hiện quy định luật pháp của ta hiện quy định điều này không rõ ràng. Tôi cho rằng tới đây Quốc hội, Chính phủ cần xem xét để xác định rõ danh thắng nào thu phí, danh thắng nào có sự giới hạn. Về pháp lý phải tháo gỡ vấn đề đó.

Thứ hai phải nhìn nhận dưới góc độ thực tiễn. Đúng là người dân có nhu cầu đi tham quan từ phía  Bắc Giang sang chùa Đồng thì phần lớn là người dân có nhu cầu đi lễ. Nếu chỉ để tham quan thì nhân dân cũng không nhất thiết phải đi sang chùa Đồng vì tham quan thì địa phận Yên Tử tại bên Bắc Giang cũng rất đẹp với rừng nguyên sinh, rừng trúc bạt ngàn, thơ mộng. Những người đã đi lên qua ranh giới giữa Bắc Giang – Quang Ninh thì hầu hết mục đích là lên chùa Đồng. Đó là mục đích tín ngưỡng.

Thế nhưng vì hiện nay quy định pháp luật như vậy nên tỉnh Quảng Ninh thu phí tất cả các đối tượng đặt chân lên đất của họ. Cái này vô hình dung tạo ra phản ứng trong dư luận bởi những người không có nhu cầu tham quan thì đương nhiên họ sẽ phản ứng. Và khi chỉ đi lễ chùa Đồng, du khách đa phần đã có tiền phát tâm “giọt dầu” tự nguyện. Về thực tiễn, điều này cũng phải xem xét thấu đáo.

Góc nhìn thứ ba, đứng trên quan điểm phát triển du lịch, rõ ràng giữa một khu di tích lại có một hàng rào ngăn cách, có một cổng soát vé thì đương nhiên phản cảm với cả khách trong nước và khách quốc tế. Du khách từ Bắc Giang lên có cả du khách quốc tế và rất khó giải thích cho họ tại sao chỉ vài trăm mét như vậy họ lại mất thêm một lần tiền. Và nhiều người hiểu lầm là tỉnh Bắc Giang thu thêm tiền này.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu các khía cạnh từ pháp lý đến thực tiễn để sau đó sẽ có buổi làm việc chính thức với tỉnh Quảng Ninh để tìm đến sự thống nhất làm sao phục vụ tốt, hợp lý và thuận tiện nhất cho người dân và du khách khi đến với non thiêng Yên Tử.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân (tổng hợp)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm