Thái Nguyên:

Bỗng dưng mất đất sau gần 20 năm ăn ở ổn định

(Dân trí) - Là chủ nhân hợp pháp mảnh đất rộng hơn 500m2 tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, nhưng vợ chồng ông Ngô Văn Thanh lại bị TAND huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên tuyên xử thua kiện trong vụ án tranh chấp lối đi trên phần đất đã được cấp sổ đỏ.

Năm 1990, bố ông Ngô Văn Thanh (Ngô Phóng Thanh) là ông Ngô Văn Ơn mua lại của ông Nguyễn Văn Quyết mảnh đất có diện tích 500 m2 tại xóm 4, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó ông Ơn có xin được HTX cho thanh lý đất thừa là lối đi vào kho HTX khoảng 30 m2 liền kề . Như vậy, gia đình ông Ơn đang quản lý, sử dụng hợp pháp 530m2. Nguồn gốc mảnh đất ông Quyết chuyển nhượng cho ông Ơn là mảnh đất mua lại của bà Phạm Thị Lân, người được tòa án phúc thẩm tỉnh Bắc Thái cũ chia thừa kế tài sản (năm 1988) của cụ Phạm Thị Chung cho 2 con là Phạm Thị Lân và anh rể là Hoàng Đạo Quý.
 
Ông Thanh cho rằng TAND tỉnh Thái Nguyên cố tình làm lợi cho ông Quý
Ông Thanh cho rằng TAND tỉnh Thái Nguyên cố tình làm lợi cho ông Quý

Theo bản án phúc thẩm án phúc thẩm của tỉnh Bắc Thái, bà Lân được sử dụng mảnh đất có chiều rộng 20m theo đường Quốc lộ 37 và chiều sâu là 25m. Còn ông Quý chỉ được hưởng một lối đi rộng 2m theo đường Quốc lộ 37 và dài 25 m để vào đất thổ cư của mình nằm phía trong. Năm 1990 Thi hành án huyện Đại Từ thực hiện việc thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, chia đất cho bà Lân và ông Quý, nhưng ông Quý không nhận với lý do đã có nơi ở khác.

Sau khi được chia đất, bà Lân đã bán cho ông Quyết, rồi ông Quyết chuyển nhượng lại cho ông Ơn vào năm 1990, sau đó ông Ơn cho con là Ngô Văn Thanh sử dụng. Việc mua bán, cho tặng cho đều được tiến hành công khai, minh bạch và và được chính quyền xác nhận.

Năm 1993, gia đình ông Thanh đã được huyện Đại Từ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích có diện tích 530 m2 tại bản đồ số 19, số thửa 183. Cũng trong năm 1993, ông Ngô Văn Thanh đã làm nhà cao tầng và sinh sống ổn định từ đó đến năm 2008 không hề có tranh chấp, khiếu kiện.

15 năm sau khi ông Thanh được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, ông Hoàng Đạo Quý bỗng dưng khởi kiện ra tòa án đòi lối đi với diện tích 100m2, nhưng trên thực tế, nếu theo bản án phúc thẩm năm 1988 mà ông Quý không nhận, không khai báo thì lối đi chỉ có chiều rộng là 2m, chiều dài là 25m, với tổng diện tích là 50 m2.

Căn cứ vào thực tế và các giấy tờ, gia đình ông Thanh được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là hợp pháp. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, tòa sơ thẩm chỉ dựa vào các nhân chứng thiếu khách quan, có dấu hiệu bao che cho ông Hoàng Đạo Quý để ra bản án sơ thẩm số 17/2010/DS-ST chấp nhận yêu cầu đòi lối đi của ông Quý, buộc ông Thanh có trách nhiệm thanh toán cho ông Hoàng Đạo Quý 100 triệu đồng tiền giá trị QSDĐ của lối đi (do phần đất này gia đình ông Thanh đã xây nhà kiên cố).

Không chấp nhận nội dung bản án sơ thẩm, vợ chồng ông Ngô Văn Thanh đã làm đơn kháng cáo, nhưng tại bản án phúc thẩm số 21/2011/DS-PT, TAND tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm. Do cả 2 bản án có dấu hiệu trái pháp luật nên gia đình ông Thanh tiếp tục làm đơn Khiếu nại lên Quốc hội, cùng các cơ quan chức năng để được kháng nghị, xét xử theo trình tự giám đốc thẩm .

Mặc dù quyết định của hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên chưa thấu tình đạt lý, không rõ ràng, nhưng từ tháng 11/2011, Chi cục Thi hành án huyện Đại Từ đã ra quyết định thi hành án. Nội dung bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm chỉ tuyên ông Thanh phải trả lại lối đi có chiều rộng 2m, chiều dài 25m, với tổng diện tích 50m2 có tổng giá trị 100 triệu đồng.

Nhưng Chấp hành viên Bế Văn Cương lại cố tình làm sai nội dung bản án phúc thẩm. Ngày 23/9/2012, ông Cương ra quyết định cưỡng chế số 12/QĐ-THA lấy 125m2 đất hợp pháp của gia đình ông Thanh với chiều rộng 5m, chiều dài 25m. Tức là gấp gần 3 lần so với yêu cầu đòi lối đi của ông Quý. Sau khi ra quyết định cưỡng chế, ông Cương đưa Trung tâm dịch vụ đấu giá mảnh đất 125m2 của ông Thanh với giá khởi điểm 316 triệu đồng. Tuy định giá khởi điểm là 316 triệu đồng, nhưng sau đó chấp hành viên lấy cớ không ai mua, liên tục 3 - 4 lần ra thông báo giảm giá mỗi lần 10%.

Ngày 23/11/2012, Chấp hành viên Bế Văn Cương ra Thông báo số 113/TB-THA với nội dung người trúng thầu là ông Hoàng Thái Sơn với mức giá chỉ là 260 triệu đồng, điều đặc biệt ông Hoàng Thái Sơn chính là con trai ông Hoàng Đạo Quý. Trong thông báo, Chấp hành viên Bế Văn Cương yêu cầu gia đình ông Thanh tự nguyện giao đất cho Hoàng Thái Sơn trong 15 ngày nếu không sẽ bị cưỡng chế .

Theo các chuyên gia pháp lý, việc thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 21/2011/DS-PT có nhiều điểm khuất tất. Cụ thể, chấp hành viên Bế Văn Cương đã tùy tiện ra quyết định cưỡng chế lấy 125m2 đất hợp pháp với chiều rộng là 5m, chiều dài là 25m, nhiều gấp gần 3 lần so với yêu cầu đòi lối đi của nguyên đơn. Việc bán đấu giá được thông báo giảm giá nhiều lần, rồi kết thúc lại là con trai nguyên đơn trúng đấu giá với số tiền chỉ còn 260 triệu đồng. Điều đáng nói, số tiền này đã tăng gần gấp 3 lần so với số tiền tòa án tuyên. Việc làm này là trái pháp luật gây thiệt hại cho gia đình ông Thanh và làm lợi cho gia đình ông Hoàng Đạo Quý.

Để làm rõ những khuất tất trong bản án phúc thẩm số 21/2011/DS-PT và quá trình thi hành án, vợ chồng ông Ngô Văn Thanh đề nghị TANDTC, Cục Điều tra của Viện KSNDTC, Bộ tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự, các cơ quan thẩm quyền tỉnh Thái Nguyên sớm kiểm tra, làm sáng tỏ nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình xét xử, thi hành án vụ án trên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngô Tất Hữu