TPHCM:

Bổng dưng gánh nợ cho người khác với số tiền hàng chục tỷ đồng

(Dân trí) – Đưa 4 sổ đỏ của mình vào ngân hàng để giải ngân cho bạn lấy tiền mua đất, chị Trâm bất ngờ vì không được giải ngân mà còn bị ngân hàng đưa tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các khoản vay trước đó của bạn.

Mất tài sản, gánh thêm nợ

Ngồi cầm bản án sơ thẩm của TAND TPHCM trên tay mà chị Vương Kiều Trâm (SN 1966, ngụ Tôn Thất Đạm, P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM) chỉ biết thở dài. Chị Trâm là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án mà với chị nó như “trên trời rơi xuống”.

Chị Trâm kể, chị là chủ sử dụng bốn thửa đất tọa lạc tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chị Trâm có người bạn tên Nguyễn Thị Kim Ánh - Giám đốc Cty TNHH TMDV Kim Ánh (trụ sở trên đường Hùng Vương, P.4, Q.5, TPHCM) là khách hàng lớn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) - Chi nhánh TPHCM. Chị Ánh đưa nhiều tài sản của mình thế chấp tại ngân hàng này để vay vốn làm ăn và được cấp hạn mức tín dụng cho vay có lúc lên đến hơn 600 tỷ đồng.

Tháng 1/2011, do cần có tiền để đầu tư kinh doanh, chị Trâm thỏa thuận bán cho chị Ánh 4 mảnh đất tọa lạc tại P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với số tiền là 68 tỷ đồng. Trong quá trình làm hợp đồng đặt cọc, chị Ánh đã đưa trước cho chị Trâm 23 tỷ đồng.
Bản hợp đồng ba bên khiến chị Trâm bổng dưng mất tài sản, thành con nợ
Bản hợp đồng ba bên khiến chị Trâm bổng dưng mất tài sản, thành con nợ

Do trong thời buổi làm ăn kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chị Ánh chưa xoay xở được số tiền còn lại để thanh toán nốt cho chị Trâm. Chị Ánh được sự “mách nước” của ông Cao Văn Đức, Giám đốc Vietbank chi nhánh TPHCM, là người quen biết với mình. Ông Đức gợi ý chị Ánh nói với chị Trâm đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 4 mảnh đất trên thế chấp vào ngân hàng Vietbank chi nhánh TPHCM để vay 54,746 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì chủ trương của ngân hàng nhà nước hạn chế cho vay mua bán bất động sản nên ông Đức gợi ý cho chị Ánh, Trâm chuyển khoản vay thành “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba” với Vietbank chi nhánh TPHCM để ngân hàng này giải ngân cho chị Ánh. Sau khi hoàn thành thủ tục, chị Ánh sẽ nhận được tiền vay, thông qua hoạt động kinh doanh của mình, thu lại lợi nhuận và trả số tiền mua đất còn lại cho chị Trâm.

“Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba” giữa ba bên được ký vào cuối giờ làm việc buổi chiều 26/5/2011 tại Phòng Công chứng số 1 của tỉnh Bình Dương.

“Tuy nhiên, sau khi hợp đồng được ký đến nay, phía Vietbank chi nhánh TPHCM không giải ngân khoản vay cho chị Ánh mặc dù trước đó ông Đức có hứa là sau khi công chứng hợp đồng sẽ giải ngân ngay”, chị Trâm bức xúc.

Không những thế, nhiều lần chị Ánh, Trâm tìm gặp ông Đức để hỏi cho ra lẽ nhưng ông Đức đều tránh mặt. Ngày 11/7/2011, Vietbank chi nhánh TPHCM gửi cho chị Trâm thông báo yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nợ cho công ty Kim Ánh như ký kết tại “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba”. Nhận được thông báo trên, chị Trâm giật mình khi đọc kỹ lại hợp đồng thì phát hiện phía Vietbank đã cài vào đó điều khoản bên thế chấp (chị Trâm) trả nợ thay cho bên được cấp tín dụng (công ty Kim Ánh”. Cụ thể, điều 2 hợp đồng ghi: “Nghĩa vụ được bảo đảm của tài sản thế chấp bao gồm một phần các nghĩa vụ trả nợ của bên vay/bên được cấp tín dụng (Cty Kim Ánh) đối với Vietbank”.

“Giữa tôi và chị Ánh không có quan hệ nợ nần, làm ăn kinh doanh gì ngoài việc mua bán 4 mảnh đất trên. Do đó, tôi không có lý do gì phải trả nợ cho Công ty Kim Ánh các khoản vay mà công ty đã vay trước đó tại Vietbank. Mục đích thực sự của “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba” là tôi thế chấp sổ đỏ vay tiền tại ngân hàng. Chị Ánh sẽ trả cho ngân hàng lấy sổ đỏ ra để hai bên làm thủ tục mua bán chính thức chứ không phải để trả nợ cho Công ty Kim Ánh. Vì tin tưởng Vietbank nên chúng tôi để họ soạn thảo hợp đồng. Thời điểm ký kết tại Phòng công chứng lại diễn ra vào lúc chiều tối nên ai cũng vội vàng, chúng tôi chỉ ký chứ chưa đọc nội dung ghi trong hợp đồng. Không ngờ phía Vietbank lại cài điều khoản đó vào để bắt tôi phải trả nợ cho Công ty Kim Ánh”, chị Trâm bức xúc nói.

Từ một người đang cần tiền kinh doanh nên phải bán đất, giờ đây chị Trâm không những không nhận được tiền mà tài sản của mình còn bị Vietbank giữ, không những thế còn phải gánh nợ cho Công ty Kim Ánh hàng chục tỷ đồng.

Có giải thích rõ trước khi đặt bút ký?

Ngày 20/6/2012, TAND TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Vietbank với bị đơn là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Ánh.

Tại tòa, bà Ánh yêu cầu HĐXX không xử lý, trả lại tài sản thế chấp là 4 thửa đất của chị Vương Kiều Trâm bởi thực chất, khi nhận thế chấp tài sản, Vietbank đã không giải ngân số tiền cho vay.

Chị Trâm cũng có đơn độc lập yêu cầu tòa án hủy “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba” giữa mình với Vietbank. Yêu cầu Vietbank phải trả lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ về tài sản đã thế chấp theo hợp đồng mà Vietbank đang giữ.

Tuy nhiên, yêu cầu trên của chị Trâm, Ánh đều bị tòa sơ thẩm bác bỏ với lý do hợp đồng thế chấp hợp lệ và tại điều 2 của hợp đồng thế chấp đã ghi rõ nghĩa vụ được bảo đảm của tài sản thế chấp bao gồm một phần nghĩa vụ trả nợ của bên vay.
Điều 2 của hợp đồng mà chị Trâm, Ánh đều cho rằng Vietbank đã lừa đảo mình
Điều 2 của hợp đồng mà chị Trâm, Ánh đều cho rằng Vietbank đã lừa đảo mình

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, chị Trâm đã kháng án. Ngày 27/3 vừa qua, TAND tối cao tại TPHCM đã mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của chị Trâm.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, khi chủ tọa hỏi người đại diện của Vietbank rằng trước khi ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba, phía Vietbank có giải thích rõ cho chị Trâm biết là số tiền vay của Công ty Kim Ánh tại ngân hàng đã vượt quá tài sản thế chấp và bốn cuốn sổ đỏ trên được đưa vào bao gồm một phần thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các khoản vay trước đó của Cty Kim Ánh hay không? Đại diện Vietbank chỉ trả lời ngắn gọn: tất cả đã thể hiện trên hợp đồng thế chấp. Vị chủ tọa tiếp tục “vặn” thêm: Những điều thể hiện trên hợp đồng là đã rõ rồi, ai cũng biết, tòa chỉ muốn hỏi là trước khi ký hợp đồng, phía Vietbank có giải thích bằng lời rõ ràng cho chị Trâm biết hay không?. Đến đây thì vị đại diện Vietbank xin không trả lời câu hỏi này!?

Như phiên tòa lần trước, tại tòa phúc thẩm, hai chị Ánh - Trâm đều đề nghị HĐXX tuyên hủy hợp đồng công chứng, yêu cầu Vietbank phải trả lại bốn cuốn sổ đỏ cho chị Trâm. Đại diện VKSND cũng cho rằng, trước khi ký hợp đồng, phía Vietbank đã không giải thích rõ với chị Trâm về việc tài sản đưa vào bao gồm cả nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Kim Ánh, dẫn đến chị Trâm hiểu lầm nên mới đồng ý ký hợp đồng. Vị đại diện VKSND đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề này. Kết thúc buổi xét xử, chủ tọa cho biết sẽ tuyên án vào sáng 1/4.

“Trong vụ việc này, tôi là một nạn nhân từ việc “lập lờ đánh lận con đen” của Vietbank. Tôi chỉ mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo các tình tiết của vụ việc, tuyên hủy hợp đồng thế chấp nói trên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho tôi vì xung quanh hợp đồng này có nhiều điều không rõ ràng”, chị Trâm nói.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc này đến độc giả.

Công Quang